Bầu cử Tổng thống Mỹ: Kinh tế khởi sắc có giúp ông Joe Biden “lội ngược dòng”?
Các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ cho thấy, cử tri đã lạc quan hơn về nền kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nhưng, liệu điều này có giúp ông Joe Biden “lội ngược dòng” trước cựu tổng thống Donald Trump, người đang nhận được nhiều sự ủng hộ hơn?
Những tín hiệu lạc quan nhen nhóm
Theo cuộc thăm dò mới đây của Tạp chí Wall Street Journal với 1.500 người nhận lời tham gia khảo sát, các cử tri Mỹ đang rũ bỏ phần nào sự bi quan về nền kinh tế. Nhưng, tâm trạng lạc quan hơn chỉ tạo ra sự cải thiện nhỏ trong quan điểm của họ về Tổng thống Joe Biden.
Khoảng 31% cử tri trong số này cho biết nền kinh tế Mỹ đã tốt hơn trong 2 năm qua, nghĩa là trong phần lớn nhiệm kỳ của ông Joe Biden, tăng 10 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò cũng do Wall Street Journal thực hiện vào tháng 12 năm ngoái. Và, 43% người được hỏi cho biết tài chính cá nhân của họ đang đi đúng hướng, tăng 9 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước.
Một cuộc thăm dò dư luận khác, do trung tâm nghiên cứu xã hội hàng đầu thế giới Pew Research Center tiến hành vào tháng 1 với 5.140 người tham gia, cũng cho thấy quan điểm của người Mỹ về nền kinh tế quốc gia đang có dấu hiệu cải thiện. 28% đánh giá điều kiện kinh tế là xuất sắc hoặc tốt, tăng 9 điểm phần trăm so với tháng 4 năm ngoái.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát và giá tiêu dùng tăng cao gần đây vẫn đè nặng công chúng Mỹ. Hơn 2/3 số cử tri được Wall Street Journal hỏi ý kiến đã cho rằng lạm phát đang đi sai hướng. Gần 3/4 cho rằng việc tăng giá đang vượt xa mức tăng thu nhập của hộ gia đình. Chỉ 1/4 người được hỏi nhận thấy tình hình có khả năng cải thiện.
Khoảng 37% người được Wall Street Journal khảo sát cho biết họ tán thành cách xử lý lạm phát của Tổng thống Joe Biden, tăng 7 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát tháng 12 và 40% tán thành cách ông xử lý nền kinh tế nói chung.
Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận do Pew Research Center tiến hành cho thấy, dù tỷ lệ người Mỹ bi quan về kinh tế đã giảm xuống, nhưng cũng chỉ có 33% đánh giá cao cách điều hành của Tổng thống Joe Biden và 65% không tán thành.
Còn nhiều thách thức với ông Joe Biden
Những cuộc khảo sát kể trên bước đầu đưa ra manh mối cho một trong những câu hỏi cấp bách nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ: liệu nền kinh tế đang cải thiện có nâng cao triển vọng tái đắc cử của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trước cựu Tổng thống Donald Trump hay không?
Câu trả lời có vẻ không tích cực. Dù đã có sự cải thiện trong đánh giá về Tổng thống Joe Biden, nhưng đa số cử tri vẫn có cái nhìn mờ nhạt về khả năng quản lý nền kinh tế của ông. Trong khi đó, triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Joe Biden tiếp tục bị đè nặng bởi những lo ngại về tuổi tác và những quan điểm tiêu cực về khả năng lãnh đạo của ông trong việc xử lý vấn đề nhập cư và cuộc xung đột Israel - Hamas.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã nhận được giấy chứng nhận sức khỏe “phù hợp với nhiệm vụ” trong cuộc kiểm tra thể chất hằng năm. Nhưng, các kết quả thăm dò của Tạp chí Wall Street Journal ghi nhận, 73% ý kiến cho rằng ở tuổi 81, Tổng thống Joe Biden đã quá già để tái tranh cử. Để tiện so sánh, chỉ có 52% cho rằng ông Donald Trump, 77 tuổi, là quá già.
Điều tương tự cũng thể hiện trong cuộc thăm dò do nhật báo số 1 nước Mỹ, New York Times và Đại học Siena College tiến hành hồi cuối tháng 2, khi ngay cả những người ủng hộ Tổng thống Joe Biden cũng lo lắng về tuổi tác của ông. Cụ thể, 61% người được hỏi cho rằng ông Joe Biden “quá già” để trở thành một tổng thống hiệu quả. Một phần khá lớn thậm chí còn lo lắng hơn: 19% những người bỏ phiếu cho ông Joe Biden vào năm 2020 nói tuổi tác của Tổng thống Joe Biden khiến ông khó đảm đương công việc.
Một thách thức khác, cũng rất lớn đối với Tổng thống Joe Biden là cử tri ngày càng tập trung vào vấn đề người nhập cư, một vấn đề mà ông bị cho điểm thấp. Khoảng 20% cử tri trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal cho rằng vấn đề nhập cư là yếu tố quan trọng nhất đối với lá phiếu của họ, trong khi chỉ 14% cho rằng đó là nền kinh tế.
Có 65% cử tri không tán thành cách xử lý an ninh biên giới của Tổng thống Joe Biden, một mức khá cao trong các cuộc thăm dò dư luận trong 2 năm qua, và 71% cho rằng những diễn biến về nhập cư và an ninh biên giới đang đi sai hướng. “Nhập cư đang lấp đầy khoảng trống trong sự chú ý của cử tri. Nhập cư là vấn đề tồi tệ nhất của ông Joe Biden. Và, nó thực sự đã trở nên tồi tệ hơn”, Tony Fabrizio - chuyên gia thăm dò dư luận hàng đầu nước Mỹ, người tiến hành cuộc khảo sát cùng Tạp chí Wall Street Journal, nhận định.
Quan điểm về cách xử lý cuộc xung đột Israel - Hamas của Tổng thống Joe Biden cũng trở nên tiêu cực hơn, với 60% người được Wall Street Journal hỏi ý kiến cho biết họ không tán thành, tăng 8 điểm phần trăm so với tháng 12. Điều này cũng không khác nhiều so với kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu công vụ (NORC) của hãng tin AP tiến hành hồi tháng 2.
Một nửa số người Mỹ trưởng thành được AP phỏng vấn đều cho rằng chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza đã "đi quá xa". Và, sự ủng hộ dành cho Israel cũng như cách xử lý tình huống của chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày càng giảm sút trên diện rộng.
Đà “tiến công” của ông Donald Trump
Dù trên lý thuyết, ông Donald Trump vẫn phải cạnh tranh với cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Nikki Haley để trở thành ứng viên được đề cử của đảng Cộng hòa, nhưng các kết quả bầu cử sơ bộ gần đây cho thấy, cựu tổng thống 77 tuổi gần như sẽ giành chiến thắng.
Trước ngày “Siêu thứ Ba” (thời điểm có nhiều bang nhất tại Mỹ tổ chức bầu cử sơ bộ và/hoặc họp kín để chọn ứng viên tổng thống), năm nay, ngày 5/3, ông Donald Trump đã chiến thắng liên tiếp ở 3 bang Idaho, Missouri và Michigan. Và, khi 15 bang và 1 vùng lãnh thổ của Mỹ đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ trong ngày “Siêu thứ Ba”, giới quan sát tin rằng ông Donald Trump cũng sẽ áp đảo bà Haley.
Đà “tiến công” của ông Donald Trump còn được tiếp sức bởi 2 tin vui liên tiếp. Đầu tiên là việc Tòa án Tối cao đã ra phán quyết bác bỏ việc cấm ông tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang Colorado mà trước đó, Tòa phúc thẩm tại bang này đã tuyên. Kế đến, là tín hiệu tích cực từ các cử tri, khi kết quả thăm dò dư luận cho thấy, ông đang dẫn trước Tổng thống Joe Biden với cách biệt không nhỏ.
Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ 43% dành cho ông Joe Biden kém đáng kể so với 48% của ông Donald Trump trong cuộc khảo sát toàn quốc do tờ New York Times và Siena College tiến hành. Còn cuộc thăm dò của Tạp chí Wall Street Journal cũng cho thấy, khoảng cách dẫn trước của ông Donald Trump so với ông Joe Biden tăng từ 2 điểm phần trăm lên 5 điểm.
Tất nhiên, vẫn còn 8 tháng nữa mới tới ngày bầu cử và cái nhìn của công chúng Mỹ về các ứng viên có thể thay đổi. Bên cạnh đó, còn một yếu tố khó lường khác là các vụ án hình sự chống lại ông Donald Trump. Nếu cựu tổng thống bị kết án với cáo buộc liên bang về việc giữ trái phép các tài liệu mật hoặc nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, các lựa chọn bỏ phiếu sẽ thay đổi.
Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, dù tín hiệu lạc quan hiện đang thuộc về cựu Tổng thống Donald Trump nhưng Tổng thống Joe Biden cũng vẫn không quá bi quan. Bởi, quan điểm cá nhân của nhiều cử tri về ông Donald Trump và một số chính sách của cựu tổng thống là không thuận lợi. Khoảng 55% nhìn nhận ông Donald Trump dưới góc nhìn tiêu cực và chưa đến một nửa cho rằng ông có đủ năng lực về mặt tinh thần cho công việc tổng thống, theo dữ liệu từ Wall Street Journal
Trong khi đa số cử tri ủng hộ việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico và trục xuất rộng rãi những người nhập cư không có giấy tờ - hai trong số những chính sách đặc trưng của ông Donald Trump - thì các đề xuất khác của cựu tổng thống lại không hiệu quả.
Khoảng 51% người được Wall Street Journal hỏi đã phản đối việc bãi bỏ và thay thế “Đạo luật chăm sóc giá cả phải chăng”, còn gọi là Obamacare, trong khi 39% ủng hộ lời kêu gọi làm như vậy của ông Donald Trump. Và, đa số đều phản đối việc ân xá cho những người bị kết án trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, vì thế, vẫn còn nhiều diễn biến khó lường phía trước. Không loại trừ khả năng, thế cục sẽ được quyết định bởi những ứng cử viên độc lập, với gương mặt sáng giá nhất là luật sư Robert F. Kennedy Jr, một hậu duệ của gia tộc Kennedy nổi tiếng.
Trong lịch sử bầu cử hiện đại của Mỹ, chưa có ai không phải là ứng viên từ đảng Cộng hòa hay Dân chủ trở thành tổng thống. Nhưng, các ứng viên của một đảng thứ ba từng nhiều lần đảo ngược kết quả bầu cử khi họ lấy mất lượng phiếu đáng kể của một ứng viên.
Chẳng hạn như năm 1992, doanh nhân tỷ phú Ross Perot đã giành được 19% số phiếu bầu với đa số là từ những người trước đó ủng hộ tổng thống đương nhiệm George H.W. Bush. Nhờ vậy, ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton đã giành chiến thắng.
Một ví dụ khác là cuộc bầu cử năm 2000, nhà hoạt động chính trị Ralph Nader của đảng Xanh đã lấy đủ số phiếu từ ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore để mang lại chiến thắng cho ông George W. Bush ở bang này và cùng với đó là thắng lợi chung cuộc trên toàn quốc.
Không loại trừ khả năng cuộc bầu cử năm nay cũng chứng kiến điều tương tự. Bởi kết quả thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos vào tháng 12 cho thấy ông Robert F. Kennedy Jr. có thể giành được khoảng 20% phiếu bầu trong cuộc cạnh tranh với ông Joe Biden và ông Donald Trump. Và, số phiếu này đủ sức nặng để tạo ra sự thay đổi mang tính quyết định cho cuộc tìm kiếm ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng.