Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Duyên nợ Macron-Le Pen

Thứ Hai, 18/04/2022, 17:30

Vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 10-4 vừa qua đã cho kết quả đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đối thủ Marine Le Pen chiếm 2 vị trí dẫn đầu. Ông Macron giành chiến thắng nhưng chưa đủ tỉ lệ quá bán, do đó hai người phải bước vào vòng 2 cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 24-4 tới. Đây sẽ lại là cuộc song đấu quen thuộc giữa hai đối thủ nhiều “duyên nợ”, nhưng lần này hứa hẹn gay cấn hơn.

Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm nay 44 tuổi, lên nắm quyền vào năm 2017 với tư cách là tổng thống trẻ tuổi nhất của Pháp. Khi đó, ông cam kết sẽ vẽ lại cục diện chính trị nước Pháp với một nền tảng thân châu Âu, thân doanh nghiệp. Chủ trương của ông được mô tả là “không tả cũng không hữu”. Ông đã nới lỏng luật lao động và bắt đầu cuộc điều chỉnh mô hình xã hội và hệ thống phúc lợi của Pháp với quy mô được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử hiện đại, bắt đầu bằng việc thắt chặt trợ cấp thất nghiệp.

image002.jpg -0
Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen

Ông Macron bước vào chiến dịch tranh cử năm 2022 với tham vọng trở thành tổng thống đầu tiên tái đắc cử trong năm gần đây của nước Pháp. Ông Macron đã giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm và giờ đây ông có thể đưa nước Pháp trở lại trạng thái “toàn dân đều có công ăn việc làm” sau nhiều thập kỷ thất nghiệp. Ông nói rằng, lần đầu tiên sau 30 năm, Pháp mở thêm các nhà máy.

Ông đã hứa sẽ nâng dần tuổi hưu từ 62 lên 65 nhưng nhiều người lao động Pháp không ủng hộ việc này. Tổng thống Macron cho rằng việc đó cần thiết nhằm giữ cho hệ thống hưu trí tiếp tục hoạt động. Ông cho biết sẽ tăng lương hưu tối thiểu lên 1.100 euro một tháng và tiếp tục cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, bao gồm cả việc bỏ phí giấy phép phát sóng dịch vụ công. Ông cũng sẽ tập trung hóa hệ thống phúc lợi. Lời hứa của ông rằng những người thất nghiệp muốn được hưởng một số quyền lợi nhất định thì phải thực hiện 15-20 giờ hoạt động mỗi tuần cũng làm dấy lên tranh cãi.

Tổng thống Macron bắt đầu vận động tranh cử (vòng 1) tương đối muộn, gần sát ngày bầu cử, do phải dành thời gian tham gia hoạt động ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong các cuộc thăm dò, ông được coi là người đáng tin cậy trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Trong đại dịch COVID-19, ông chủ trương nhà nước can thiệp và chi tiêu mạnh tay để bảo vệ các công ty và hộ gia đình, điều này được công chúng Pháp ủng hộ. Mặc dù đã cố gắng tô đậm các thành tích xã hội đã đạt được, Tổng thống Macron cũng khó tránh khỏi bị đánh giá là người xa cách, là “tổng thống của người giàu” do các chính sách thuế thân doanh nghiệp của ông.

Ngược lại, bà Marine Le Pen (53 tuổi) là thành viên cực hữu của Quốc hội đại diện vùng Pas-de-Calais, Đông Bắc nước Pháp. Đây đã là lần thứ ba bà Le Pen ra tranh cử tổng thống. Bà từng thua ông Macron ở vòng 2 năm 2017.

Năm 2011, bà Le Pen tiếp quản đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu, chống nhập cư từ cha bà là chính trị gia cực hữu Jean-Marie Le Pen. Từ đó, bà bắt đầu các nỗ lực nhằm loại bỏ hình ảnh quá khứ của đảng này, mặc dù các đối thủ chính trị cho rằng đảng của bà vẫn phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Năm 2018, bà Le Pen đổi tên đảng thành Tập hợp Quốc gia (National Rally), tìm cách loại bỏ hình ảnh bạo lực và gia tăng sức hấp dẫn của đảng.

Bước vào cuộc tranh cử năm nay, bà tập trung vào vấn đề chi phí sinh hoạt tăng vọt, mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Bà đã tuyên bố sẽ giảm thuế VAT đối với nhiên liệu và năng lượng từ 20% xuống 5,5%, đồng thời, sẽ bỏ thuế thu nhập cho tất cả người dưới 30 tuổi.

Bà Le Pen tuyên bố sẽ cấm khăn trùm đầu của người Hồi giáo ở tất cả những nơi công cộng, bao gồm cả đường phố. Bà hứa sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về nhập cư, mà theo bà sẽ dẫn đến việc viết lại hiến pháp để đảm bảo một “nước Pháp cho người Pháp” - nơi người Pháp bản địa sẽ được ưu tiên hơn những người không phải người Pháp về quyền lợi, nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe. Bà sẽ loại bỏ quyền của trẻ em sinh ra ở Pháp có cha mẹ là người nước ngoài được nhập quốc tịch Pháp khi chúng ở tuổi thiếu niên. Bà đã từ bỏ lời hứa trước đây của mình là rời khỏi đồng euro và rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng tuyên bố sẽ cắt giảm các khoản đóng góp ngân sách cho EU của Pháp và đàm phán lại các hiệp ước theo cách mà các đối thủ của bà cho rằng sẽ dẫn đến việc Pháp bị cô lập hoặc tách ra khỏi khối.

Vòng 2 cuộc bầu cử năm nay đã bắt đầu khởi động ngay sau vòng 1. Từ ngày 11-4, cả ông Macron và bà Le Pen đều khởi hành chuyến vận động cử tri theo 2 hướng khác nhau: Ông Macron ngược lên phương Bắc, đến thị trấn Denain thuộc tỉnh Nord trong vùng Hauts-de-France của Pháp, nơi đang được xem là căn cứ địa của cực hữu. Tại vòng 1, vùng này chỉ có 15% bầu cho ông Macron, trong khi có tới 46% bầu cho bà Le Pen. Còn bà Le Pen lại xuôi xuống miền Nam, đến Burgundy, nơi bà được ủng hộ khá cao.

Muốn giành chiến thắng, cả hai ứng cử viên phải tung ra đủ chiêu thức để lôi kéo nhóm 49% cử tri không ủng hộ họ trong vòng 1, trong đó quan trọng nhất là 21,95% cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon, người về thứ ba chỉ thua bà Le Pen chút xíu. Chỉ cần ông Mélenchon hướng cái nhìn của mình về phía ai thì coi như người đó giành chiến thắng.

Cũng không thể loại trừ yếu tố Ukraine ra khỏi cuộc bầu cử vòng 2. Cả ông Macron và bà Le Pen đều được cho là ít nhiều có thiên hướng quan hệ gần gũi với nước Nga của Tổng thống Putin hơn các chính trị gia trong cùng khối EU. Trong quá khứ gần đây nhất, bà Le Pen là một trong những chính trị gia Pháp ủng hộ Tổng thống Putin và nước Nga nhiều nhất. Mặc dù đã thay đổi thái độ, lên án cuộc chiến ở Ukraine nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây nhất hôm 13-4, bà Le Pen lại đề xuất nên “xây dựng mối quan hệ gần gữi hơn nữa giữa NATO và Nga để ngăn chặn việc nước Nga quá gần với Trung Quốc”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.