Bê bối tham nhũng tại Thượng viện Mỹ

Thứ Hai, 02/10/2023, 15:28

Bản cáo trạng đối với Thượng nghị sĩ Bob Menendez về tội tham nhũng trong việc giúp đỡ chính phủ Ai Cập đã tạo nên áp lực mới lên các nhà lập pháp Mỹ với yêu cầu dừng viện trợ quân sự cho Ai Cập.

Ông Menendez tạm thời rời khỏi vị trí người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ hôm 22/9 sau khi bị tòa án khu vực phía Nam New York truy tố về một loạt tội danh tham nhũng, hối lộ.

11.jpg -0
Công tố viên nói về tài sản tham nhũng tại nhà riêng của Thượng nghị sĩ Bob Menendez.

Các cáo buộc đối với vợ chồng thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên đảng Dân chủ bang New Jersey, bao gồm việc nhận hối lộ hàng trăm nghìn USD cũng như vàng miếng, vàng thỏi, thanh toán thế chấp và quà tặng bao gồm một chiếc ô tô Mercedes-Benz sang trọng cùng những món quà khác để đổi lấy việc sử dụng ảnh hưởng của mình “theo cách có lợi cho 3 doanh nhân Ai Cập”, đồng thời giúp đỡ một doanh nghiệp chứng nhận thịt Halal có trụ sở tại quận New Jersey của ông có quan hệ với Chính phủ Ai Cập.

Theo Damian Williams, luật sư của quận phía Nam New York, các đặc vụ của FBI đã phát hiện ra “rất nhiều vàng” do Fred Daibes - một thợ xây dựng và là một trong 3 doanh nhân - cung cấp trong quá trình khám xét nhà của vợ chồng ông Menendez ở New Jersey. Trong cuộc họp báo hôm 22/9, ông cho biết các đặc vụ đã phát hiện khoảng 500.000 USD tiền mặt “được nhét vào phong bì và tủ quần áo”, một số trong số đó “được nhét trong túi áo khoác của thượng nghị sĩ Menendez”. FBI cũng tìm thấy chiếc xe Mercedes-Benz mà Jose Uribe, một trong 3 doanh nhân và là cựu nhân viên bảo hiểm, đã cung cấp cho vợ chồng ông Menendez.

Ông Menendez bắt đầu bước vào Thượng viện Mỹ từ năm 2006 và làm Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Mỹ về quan hệ đối ngoại từ tháng 2/2021. Ông Menendez và vợ mỗi người phải đối mặt với 3 tội danh, bao gồm: Âm mưu nhận hối lộ, âm mưu phạm tội gian lận dịch vụ trung thực và âm mưu tống tiền dưới danh nghĩa chính quyền. Ông Menendez trước đây đã bị buộc tội ở New Jersey vì nhận các chuyến bay riêng, đóng góp cho chiến dịch tranh cử và các khoản hối lộ khác từ một người bảo trợ giàu có để đổi lấy các đặc ân, nhưng phiên tòa năm 2017 đã kết thúc mà không có phán quyết nào được đưa ra.

Các doanh nhân trong vụ án gồm Wael Hana, Uribe và Daibes cũng bị buộc tội liên quan. Các công tố viên cho biết doanh nhân Hana, người gốc Ai Cập, đã sắp xếp các bữa tối và cuộc gặp giữa ông Menendez và các quan chức Ai Cập vào năm 2018, tại đó các quan chức này ép ông Menendez về tình trạng viện trợ quân sự của Mỹ. Đổi lại, Hana đưa bà Nadine Menendez vào biên chế công ty của ông ta. Thượng nghị sĩ Menendez cũng bị cáo buộc đã “gây áp lực không đúng đắn” đối với một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Mỹ để “bảo vệ một công ty độc quyền sinh lời mà Chính phủ Ai Cập đã trao cho Hana” và ông Hana đã sử dụng để “tài trợ cho một số khoản hối lộ nhất định”.

Bản cáo trạng cũng nêu chi tiết về mối quan hệ chặt chẽ của thượng nghị sĩ Menendez với các thành viên của cơ quan tình báo Ai Cập, bao gồm các cuộc họp tại văn phòng của ông ở Washington và ở Cairo để thảo luận về khoản viện trợ quân sự nước ngoài trị giá 1,3 tỷ USD mà Mỹ cung cấp cho Ai Cập mỗi năm, một lĩnh vực thuộc quyền kiểm soát của ông Menendez.

Chính quyền Tổng thống Biden gần đây đã quyết định rút lại 85 triệu USD viện trợ quân sự cho Ai Cập với lý do lo ngại về nhân quyền, ít hơn so với số tiền bị “giam” lại trong những năm trước. Động thái này đã làm dấy lên sự chỉ trích từ các nhà quan sát, những người phản đối Ai Cập vì cách đối xử với những người đối lập thuộc các tổ chức Hồi giáo. Ngừoi ta viện dẫn hàng chục nghìn người bị giam giữ dưới thời Tổng thống Abdel-Fatah al Sisi, bao gồm cả các tù nhân chính trị và những người có thẻ xanh của Mỹ.

Chỉ còn một tuần nữa là kết thúc năm tài chính, bản cáo trạng của ông Menendez đã làm dấy lên những lời kêu gọi từ các nhóm vận động vì quyền con người và các nhà vận động hành lang ở

Washington yêu cầu các nhà lập pháp Mỹ từ chối vì lý do an ninh quốc gia không cung cấp thêm 235 triệu USD viện trợ quân sự cho Ai Cập đã được Tổng thống Biden phê duyệt trước đó.

Nhóm Sáng kiến Tự do có trụ sở tại Washington tập trung vào các tù nhân chính trị bị giam giữ trên khắp Ai Cập cho biết: “Theo bản cáo trạng gồm 3 tội danh, trong khi làm giàu cho bản thân, ông Menendez đã lợi dụng chức vụ của mình để ưu tiên đáp ứng nhu cầu của chính phủ và các cơ quan an ninh tham nhũng của Ai Cập”.

Seth Binder, giám đốc vận động tại Dự án Dân chủ Trung Đông ở Washington, nói rằng tổ chức của ông sẽ nằm trong số những tổ chức gây sức ép để các nhà lập pháp từ chối viện trợ quân sự cho Ai Cập sau những cáo buộc chống lại Thượng nghị sĩ Menendez và những tiết lộ xung quanh sự can thiệp của Ai Cập vào chính sách của Mỹ. “Đây là một điều hiếm có; Quốc hội nhảy vào như thế này là điều ít khi xảy ra. Nhưng, thông tin trong bản cáo trạng cũng khá bất thường”, ông nói.

Trong số các chi tiết trong bản cáo trạng chống lại ông Menendez có tin nhắn gửi cho vợ ông, bà Nadine Menendez, được chuyển cho các quan chức Ai Cập, nêu rõ thông tin nhạy cảm liên quan đến nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Cairo. Các cáo buộc cũng bao gồm các ví dụ về việc ông Menendez liên lạc với các quan chức Ai Cập, thông qua vợ ông, về việc cá nhân ông chấp thuận việc bán vũ khí cho Ai Cập.

Các cáo buộc chống lại ông Menendez dường như sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời khuyến khích các nhóm vận động vốn từ lâu đã phàn nàn về việc chính quyền Tổng thống Biden thất hứa với Ai Cập. Với tư cách là một ứng cử viên, ông Biden đã hứa “không có séc khống” cho ông Sisi.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.