Bê bối vây quanh ông Boris Johnson

Thứ Ba, 28/12/2021, 18:17

Nhiều vụ việc bê bối xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua khiến uy tín của Thủ tướng Anh Boris Jonnson xuống thấp. Ngay cả các thành viên trong đảng Bảo thủ của ông cũng đang “nổi loạn”, muốn ông rời ghế thủ tướng để tránh làm ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của cử tri.

Thất bại tại cuộc bầu cử bổ sung 1 ghế nghị sĩ tại thị trấn North Shropshire thuộc miền Trung nước Anh hôm 17-12 chỉ là một “cú vấp” nhỏ đối với đảng Bảo thủ cầm quyền, bởi nó không làm ảnh hưởng đến thế đa số của đảng này trong quốc hội. Nhưng, thất bại đó lại mang ý nghĩa rất tai hại: North Shropshire là nơi đảng Bảo thủ đứng chân suốt 200 năm qua. Và, việc cử tri từ bỏ đảng Bảo thủ để chọn “người mới” được lý giải là xuất phát từ sự chán nản đối với đảng này.

Từ thất bại ở North Shropshire, dư luận báo chí Anh và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ đều cho rằng nó gắn liền với sự sa sút uy tín gần đây của Thủ tướng Boris Johnson. Báo chí Anh dùng từ “đá văng” để ám chỉ sự trừng phạt cử tri North Shropshire dành cho Thủ tướng Johnson và đảng Bảo thủ.

Bê bối vây quanh ông Boris Johnson -0
Thủ tướng Anh Boris Johnson    

Ông Johnson từng được mệnh danh là “phù thủy” của đảng Bảo thủ, người từng nhiều lần ra tay giúp đảng này vượt khó một cách ngoạn mục; điển hình nhất là chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2019 giúp đảng Bảo thủ lên nắm quyền mà không cần liên minh với đảng nào hết. Nhưng, qua thất bại ở North Shropshire, báo chí cho rằng “phù thủy” Johnson đã “hết phép”.

Người ta cho rằng thất bại ở North Shropshire có nguyên nhân trực tiếp từ vụ việc hồi tháng 11 Thủ tướng Johnson đã ra lệnh cho các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ bỏ phiếu điều chỉnh một điều luật theo đó đảo ngược việc treo ghế nghị sĩ 30 ngày đối với người bạn thân của ông là nghị sĩ Owen Paterson do ông này vi phạm quy định cấm nghị sĩ trực tiếp vận động hành lang chính trị. Paterson thoát án “treo ghế” nhưng để lại hậu quả là cuộc tranh luận gay gắt trong nghị trường và ngoài xã hội xung quanh việc các nghị sĩ làm thêm bên ngoài công việc chính, từ đó khiến cho “chén cơm” của hàng chục nghị sĩ đảng Bảo thủ có nguy cơ bị đạp đổ.

Vụ việc này từng khiến dư luận bất bình đối với Thủ tướng Johnson, đồng thời khiến cho một bộ phận trong nội bộ đảng Bảo thủ mất kiên nhẫn với ông. Trong tuần lễ diễn ra cuộc bầu cử ở North Shropshire, có đến 99 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đã đứng lên “dấy loạn”, bất tuân lệnh Thủ tướng Johnson để biểu thị sự bất bình đối với ông.

Người ta nói đến “5 vụ việc điển hình” trong thời gian qua để lý giải ngọn nguồn của sự sa sút uy tín của ông Johnson. Ngoài vụ việc bao che cho sai phạm của bạn thân (nghị sĩ Owen Paterson) kể trên còn có vụ việc bê bối khác, như việc ông Johnson cho sửa sang nơi ở của riêng mình bằng nguồn kinh phí không rõ ràng; vụ ông Johnson can thiệp để người và vật cưng của tổ chức phi chính phủ Nowzad được sơ tán khỏi Kabul (hồi tháng 8) trong khi nhiều người khác rất cần sơ tán nhưng bị mắc kẹt lại; vụ số 10 phố Downing tổ chức tiệc tùng đình đám đêm Giáng sinh 2020 vi phạm quy định giãn cách xã hội; việc đột ngột chuyển phương án áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 gây tranh cãi.

Vụ việc ồn ào gần đây nhất là vụ bê bối “tiệc đêm Giáng sinh”. Đầu tháng 12, tờ Daily Mirror đăng một bài báo kèm hình ảnh về một bữa tiệc đêm Giáng sinh năm 2020 bên trong số 10 phố Downing. Vào thời điểm đó, việc tụ tập đông người trong nhà bị cấm. Ngay ngày hôm sau khi diễn ra bữa tiệc Giáng sinh, Thủ tướng Johnson đã công bố các quy định còn nghiêm ngặt hơn, nghiêm cấm người dân thăm viếng người thân, gia đình mình trong dịp Giáng sinh để phòng tránh lây lan dịch bệnh.

Đối với người dân Anh, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt là một cực hình vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, ngay cả việc tổ chức Giáng sinh của họ cũng bị hạn chế do dịch bệnh, khiến mọi người bị “mất tự do”. Trong khi người dân đang phải chịu cảnh gò bó, “mất tự do” như thế mà người của chính phủ lại thả sức “tụ tập ăn chơi” như thế kia, thật không chấp nhận nổi.

Trước dư luận ồn ào xung quanh vụ việc này, Thủ tướng Johnson bào chữa rằng “không hề có bữa tiệc nào trong đêm Giáng sinh và các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 luôn được bảo đảm”. Tuy nhiên, phóng viên kênh truyền hình CNN của Mỹ đã điều tra được rằng các bữa tiệc bên trong số 10 phố Downing đã diễn ra vào 2 ngày, 27-11 và 18-12. Trong đó, đích thân Thủ tướng Johnson đã có bài phát biểu tại bữa tiệc đêm 27-11. Chưa hết, tại cuộc họp báo về vấn đề này, cố vấn Allegra Stratton của ông Johnson còn cười nhạo trước câu hỏi của phóng viên về “bữa tiệc đêm Giáng sinh”, khiển cả nước Anh phẫn nộ. Ngay sau đó, Thủ tướng Johnson đã phải xin lỗi trước công chúng và yêu cầu mở cuộc điều tra các cáo buộc này.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Anh quả thật gian nan. Đặc biệt, đây cũng được xem là thách thức lớn nhất chính phủ của Thủ tướng Johnson phải đối mặt thường xuyên. Thủ tướng Johnson được cho là đã vội vàng chuyển sang áp dụng “Kế hoạch B” chống dịch một cách đột ngột, không có sự chuẩn bị tinh thần cho công chúng cũng như trong hệ thống chính trị. Đại bộ phận thành viên đảng Bảo thủ đã phản đối quyết định đột ngột này, dẫn đến một cuộc “nổi loạn”. Vụ việc này lại diễn ra vào lúc cao điểm vụ bê bối “tiệc đêm Giáng sinh”, càng khiến làn sóng phản đối Thủ tướng Johnson trong công chúng cũng như trong nội bộ đảng Bảo thủ lớn hơn.

Một câu chuyện khác đã âm ỉ trong vài tháng và được thổi bùng trở lại vào trung tuần tháng 12 khi đảng Bảo thủ bị Ủy ban Bầu cử Anh phạt vì “không báo cáo chính xác khoản đóng góp và ghi chép sổ sách kế toán hợp lý” về việc sửa chữa căn hộ của Thủ tướng Johnson ở phố Downing. Ông Johnson được cho là đã chi khoảng 200.000 bảng Anh (280.000 USD) để tu sửa căn hộ của ông. Vụ việc khiến ông bị các chính khách đối lập cáo buộc “nòi dối công chúng Anh” và “lừa gạt của nước Anh”.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất do tổ chức Savanta ComRes tiến hành công bố hôm 15-12 cho thấy có đến 54% người Anh muốn ông Johnson từ chức.

An Châu (Tổng hợp)
.
.