Cái giá phải trả của cựu Bộ trưởng Tư pháp Mexico?

Thứ Tư, 24/08/2022, 19:35

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mexico Jesús Murillo đã bị bắt vào tối 19-8 tại nhà riêng do liên quan đến vụ 43 sinh viên mất tích năm 2014. Ông là quan chức cao nhất bị bắt giữ cho đến nay trong vụ án chấn động, ám ảnh Mexico suốt 8 năm qua.

Jesús Murillo bị bắt tại nhà riêng ở Mexico City hôm 19-8 với các tội danh cưỡng bức mất tích, tra tấn và cản trở công lý trong vụ bắt cóc và biến mất 43 giáo sinh Trường Cao đẳng Sư phạm nông thôn Ayotzinapa ở bang Guerrero, miền Tây Nam Mexico. Vụ mất tích xảy ra vào ngày 26-9-2014. Ông Murillo đã được đưa đến Bộ Tư pháp và sẽ được chuyển đến một nhà tù ở Mexico City.

1_image004-1661330689405.jpg
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mexico Jesús Murillo.

Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong vòng vài giờ sau khi ông Murillo bị bắt giữ, một thẩm phán đã công bố thêm 83 lệnh bắt giữ binh lính, cảnh sát, quan chức Guerrero và các thành viên băng đảng có liên quan đến vụ án. “Các lệnh được ban hành chống lại 20 chỉ huy quân sự và quân nhân từ các tiểu đoàn 27 và 41 tại thành phố Iguala, cũng như 5 cơ quan hành chính và tư pháp từ bang Guerrero; 26 cảnh sát từ Huitzuco; 6 từ Iguala và 1 từ Cocula; cộng với 11 cảnh sát bang của Guerrero và 14 thành viên của nhóm tội phạm Guerreros Unidos", tuyên bố cho biết.

Trong nhiệm kỳ 2012-2015 của Murillo dưới thời Tổng thống Enrique Pena Nieto, ông chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra vụ mất tích sinh viên. Cuộc điều tra bị chỉ trích rất nhiều do tính chất nghiêm trọng của vụ án nhưng cách xử lý của Bộ Tư pháp do ông Murillo lãnh đạo chỉ mang tính hình thức, không quyết liệt truy tìm sinh viên mất tích cũng như việc xác định hung thủ gây ra vụ mất tích. Cho đến nay chỉ có 3 hài cốt sinh viên được tìm thấy và xác định danh tính, nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Các chuyên gia quốc tế cho biết, cuộc điều tra chính thức có nhiều sai sót và lạm dụng, bao gồm cả việc tra tấn nhân chứng.

Tổng thống Andrés Manuel López Obrador nhậm chức vào năm 2018 tuyên bố sẽ làm sáng tỏ những gì đã xảy ra. Kể từ năm 2020, chính quyền của Tổng thống López Obrador đã cố gắng bắt giữ cựu Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Tomas Zeron và yêu cầu Israel dẫn độ ông này vào năm 2021.

Vụ bắt giữ diễn ra một ngày sau khi Alejandro Encinas, quan chức nhân quyền hàng đầu của Mexico, gọi các vụ mất tích là “tội ác của nhà nước” với sự tham gia của các quan chức địa phương, tiểu bang và liên bang. “Chuyện gì đã xảy ra thế?”, ông Encinas nói trong một cuộc họp báo. Ông nói, các cấp cao nhất của chính quyền Pena Nieto đã dàn dựng một hành vi che đậy, bao gồm cả việc thay đổi hiện trường vụ án và che giấu mối liên hệ giữa chính quyền và tội phạm.

Murillo tiếp quản vụ án Ayotzinapa vào năm 2014 và gọi những phát hiện của chính phủ là “sự thật lịch sử”. Theo câu chuyện của ông Murillo, một băng đảng ma túy địa phương đã nhầm các sinh viên với thành viên của một nhóm đối thủ và giết họ, thiêu xác họ trong một bãi rác và ném phần còn lại xuống sông.

Cái giá phải trả của cựu Bộ trưởng Tư pháp Mexico? -0
Người biểu tình mang theo băng rôn có chân dung 43 sinh viên mất tích trong cuộc tuần hành ở Mexico City năm 2014. Ảnh: AFP

Trong lần xuất hiện trên truyền hình vào ngày 7-11-2014, Bộ trưởng Tư pháp Jesus Murillo thông báo rằng 2 nghi phạm đã dẫn các nhà chức trách đến các túi rác được cho là chứa hài cốt bị thiêu của các sinh viên mất tích kể từ khi bị cảnh sát thị trấn phía Tây Nam Iguala dẫn đi vào ngày 26-9.

Sau một giờ nói chuyện, ông Murillo đột ngột ra hiệu kết thúc câu hỏi bằng cách quay lưng lại với các phóng viên và nói, “Ya me canse”, một cụm từ có nghĩa là “Đủ rồi, tôi mệt”. Trong vòng vài giờ, cụm từ này đã trở thành một hashtag liên kết các thông điệp trên Twitter và các mạng xã hội khác. Nó tiếp tục được lan truyền mạnh trên toàn cầu vào ngày 8-11 và bắt đầu nổi lên trong hình vẽ bậy, trong các biếm họa chính trị và trong các tin nhắn video được đăng lên YouTube. Nhiều người dân Mexico nổi giận với ông Murillo hỏi: “Nếu ông mệt mỏi thì tại sao ông không từ chức?”.

Người Mexico đã phản ứng với sự phẫn nộ trước sự biến mất của các sinh viên và cách chính phủ xử lý vụ án, việc chính phủ không giải thích được đầy đủ những gì đã xảy ra. Người biểu tình đã đốt cháy một số ô tô và xe tải bên ngoài Văn phòng Thống đốc ở Chilpancingo, thủ phủ bang Guerrero, nơi các cuộc biểu tình về sự mất tích của học sinh đã nhiều lần leo thang thành bạo lực.

Một hội đồng các chuyên gia quốc tế đã phát hiện lỗ hổng trong câu chuyện của ông Murillo và tố cáo việc giam giữ, tùy tiện tra tấn các nhân chứng trong cuộc điều tra. “Sự thật lịch sử” đã trở thành đồng nghĩa với nhận thức về tham nhũng và sự trừng phạt dưới thời Pena Nieto khi sự tức giận tăng lên vì các câu hỏi không được giải đáp. Ông Murillo đã từ chức vào năm 2015 khi bị chỉ trích dữ dội về cách xử lý vụ việc của ông. Luật sư của phụ huynh các giáo sinh đã kêu gọi chính phủ bắt giữ thêm những người có liên quan, do có dấu hiệu của việc ém nhẹm sự thật, bao che kẻ chủ mưu thật sự của vụ án.

Gia đình của các sinh viên mất tích tiếp tục tin rằng con của họ còn sống cho đến khi các cơ quan chức năng chứng minh được những phần thi thể còn lại được tìm thấy là của con cái họ. Các mảnh xương sau đó được gửi đến một phòng thí nghiệm ở Áo để xét nghiệm và cho kết quả đúng như đã nói.

An Châu (Tổng hợp)
.
.