Campuchia: Cuộc chuyển giao thế hệ

Thứ Hai, 31/07/2023, 08:35

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã tuyên bố giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 23/7. Cuộc bầu cử được cho là một sự xác nhận chính thức cho việc chuyển giao quyền lực giữa 2 thế hệ lãnh đạo ở đất nước Campuchia, tiếp nối sự ổn định chính trị đã được thiết lập hàng chục năm qua.

3 ngày sau khi đảng CPP giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, ngày 26/7, Thủ tướng Hun Sen đã chính thức lên tiếng về việc thành lập chính phủ mới. Ông thông báo sẽ từ chức thủ tướng, đồng thời cho biết con trai Hun Manet sẽ được bổ nhiệm làm lãnh đạo chính phủ mới trong khoảng 3 tuần tới. Đây là điều được dư luận chờ đợi từ lâu.

Campuchia: Cuộc chuyển giao thế hệ -0
Ông Hun Manet.

Từ vài năm trước, dư luận Campuchia và thế giới đều quan tâm nói đến việc ông Hun Sen sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai nhưng chưa chính thức công bố. Việc đó từng được ông đề cập cách đây 3 năm trong một phát biểu trước công chúng. Ông cũng nhiều lần ca ngợi năng lực lãnh đạo của tướng Hun Manet, con trai cả của ông. Chính phủ mới của Campuchia sẽ được thành lập vào tháng 8 tới đây và ông Hun Manet sẽ được quốc hội giao chiếc ghế thủ tướng.

Ông Hun Manet là con trai cả trong 6 người con của Thủ tướng Hun Sen. Xét về trình độ, năng lực, ông hiện được đánh giá là một trong những lãnh đạo trẻ tài giỏi của đất nước, hoàn toàn xứng đáng là đại diện cho thế hệ nối tiếp kế thừa con đường chính trị của cha mình. Ông đã được xác nhận là nhà lãnh đạo tiếp theo của đảng chính trị lớn nhất đất nước Chùa Tháp và mọi người dường như đã thừa nhận ông là “ứng cử viên thủ tướng tương lai” ngay từ khi ông được bổ nhiệm lãnh đạo quân đội Campuchia.

Theo tiến sĩ Lee Morgenbesser, giảng viên cao cấp tại Trường Quản trị và Quan hệ quốc tế của Đại học Griffith ở Australia, dư luận biết rất ít thông tin về ông Hun Manet. Sinh ra và lớn lên trong gia đình chính trị gia nổi tiếng của đất nước nhưng ông Hun Manet ít chia sẻ ý kiến cá nhân trên các kênh truyền thông xã hội, thay vào đó đăng ảnh về các sự kiện nghi lễ. Tiến sĩ Morgenbesser nói: “Để vươn lên dẫn đầu, con cái của những nhà lãnh đạo cấp cao luôn phải ẩn mình, không để lộ ý định và tầm nhìn cá nhân trước công chúng”.

Một số thông tin tóm lược kiểu “lý lịch trích ngang” cho thấy ông Hun Manet hiện có bằng tiến sĩ, đã được đào tạo tại các trường đại học, học viện danh giá nhất ở Anh, Mỹ. Sinh năm 1977 (năm nay 46 tuổi), ông Hun Manet được dư luận Campuchia và quốc tế đánh giá là người có năng lực tốt, được đào tạo bài bản và chất lượng cao hàng đầu trong hàng ngũ chính khách, quân nhân ở Campuchia hiện tại.

Ông Hun Manet sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước Campuchia đầy biến động cả về an ninh lẫn chính trị. Campuchia khi đó đang trải qua những năm tháng tàn khốc nhất với nạn diệt chủng khủng khiếp do Khmer Đỏ gây ra. Một năm sau khi ông ra đời, Campuchia được giải phóng với sự hỗ trợ toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều năm sau giải phóng, Campuchia tiếp tục rơi vào bất ổn do các đảng phái chính trị từ nước ngoài về tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Năm 1985, ông Hun Sen lên làm Thủ tướng Campuchia và liên tục đối mặt với sự chống đối quyết liệt của các lực lượng đối lập. Cho đến năm 1993, Campuchia tiến hành ký kết thỏa thuận hòa giải dân tộc do Liên hợp quốc bảo trợ, tình hình mới bắt đầu ổn định.

Năm 18 tuổi (1995), Hun Manet gia nhập quân ngũ và năm 1999 ông trở thành người Campuchia đầu tiên được đưa đi đào tạo tại học viện quân sự nổi tiếng West Point của Mỹ. Sau đó, ông tiếp tục theo học chuyên ngành kinh tế, lấy bằng thạc sĩ Đại học New York năm 2002 và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, Anh. Hun Manet được phong hàm thiếu tướng vào năm 2011, 2 năm sau được thăng hàm trung tướng và đến năm 2018 ông được phong đại tướng. Tại đại hội vào tháng 12/2021, đảng CPP, nắm giữ đa số ghế trong quốc hội, đã nhất trí bầu ông Hun Manet, khi đó 44 tuổi, kế vị ông Hun Sen.

Giới phân tích cho rằng, với nền tảng đào tạo nâng cao về quân sự, kinh tế ở phương Tây, ông Hun Manet có thể đảm đương trọng trách chèo lái con thuyền Campuchia trong địa chính trị đầy sóng gió, đặc biệt là giữa áp lực cường quốc của Mỹ và Trung Quốc. Làm sao để giữ vững được thế cân bằng giữa hai “ông lớn” này là điều khó khăn.

Ngoài việc nắm giữ các chức vụ cao trong quân đội và trong đảng, ông Hun Manet còn là một nhà hoạt động xã hội năng nổ. Ông cùng với vợ mình đứng ra thành lập và điều hành tổ chức phi chính phủ Hiệp hội Bác sĩ trẻ tình nguyện Samdech Techo; thường xuyên ra nước ngoài vận động kiều bào và nhiều tổ chức, cá nhân khác ủng hộ đất nước Campuchia. Ông có mối quan hệ tốt với láng giềng Thái Lan sau khi tham gia giải quyết thành công tranh chấp biên giới giữa hai nước vào năm 2011. Trong nước, ông giành được nhiều thiện cảm của công chúng Campuchia, được đánh giá là người mềm mỏng, dễ gần.

Thủ tướng Hun Sen có 6 người con, trong đó 3 người là con trai. Ngoài con trai lớn nhất Hun Manet, ông Hun Sen còn 2 người con trai kế tiếp là Hun Manith và Hun Many. Tất cả những người con trai của ông Hun Sen đều được đào tạo trong các nền giáo dục tiên tiến ở phương Tây và hiện đều đang nắm những vị trí quyền lực ở Campuchia. Hun Manet cùng 2 em trai là Hun Manith và Hun Many đều được cha trọng dụng, xem như những cố vấn chiến lược quan trọng.

Hun Manith cũng là một tướng quân đội, đeo hàm thiếu tướng và hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội Hoàng gia Campuchia. Năm nay 42 tuổi, ông Manith có tài năng và được dư luận đánh giá là người có “quyền lực mềm” mạnh hơn anh cả. Người em trai nữa là Hun Many, năm nay 41 tuổi, là nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong Quốc hội Campuchia. Ông có thiên hướng đối ngoại mạnh mẽ hơn cả hai anh và thường xuyên lên tiếng đối với các vấn đề chính trị trong nước, đặc biệt là phê phán mạnh mẽ lực lượng chính trị đối lập.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.