Chiến thắng của phe đối lập và thế khó của ông Yoon Suk Yeol

Thứ Hai, 22/04/2024, 11:08

Ngày 10/4, người dân Hàn Quốc đã đi bỏ phiếu để bầu thành viên Quốc hội. Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của Tổng thống Yoon Suk Yeol không giành được đa số ghế, mất 6 ghế, khiến số ghế của họ trong Quốc hội giảm từ 114 xuống còn 108 ghế, trong khi đảng đối lập DP và đồng minh giành được thêm 30 ghế, giúp số ghế của họ tăng từ 157 lên thành 187 ghế.

Cuộc bầu cử lần này được cho là phép thử đối với ông Yoon Suk Yeol. Kể từ khi lên cầm quyền với đa số sít sao - chỉ 0,8% - vào năm 2022, ông Yoon Suk Yeol luôn bị cản trở bởi cơ quan lập pháp do DP kiểm soát. Với kết quả bầu cử lần này, trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, ông Yoon Suk Yeol có thể sẽ đối mặt với sự bế tắc về lập pháp, hạn chế đáng kể khả năng của ông trong việc thực hiện các ưu tiên về cải cách lao động, giáo dục và lương hưu, hay các biện pháp nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân. Phe đối lập mạnh mẽ hơn cũng có thể tìm cách cản trở kể hoạch của ông về việc tăng cường quan hệ song phương với Nhật Bản, điều mà ông luôn tâm niệm.

Chiến thắng của phe đối lập và thế khó của ông Yoon Suk Yeol -0
Thủ lĩnh đảng DP đối lập Lee Jae Myung và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Vậy, kết quả bầu cử này sẽ tác động đến chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản như thế nào? Chính sách đối ngoại là điểm nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk Yeol do phạm vi ảnh hưởng của cơ quan hành pháp đối với lĩnh vực ngoại giao rộng hơn phạm vi ảnh hưởng của cơ quan lập pháp. Ưu tiên của ông Yoon Suk Yeol trong chính sách đối ngoại là nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, đồng thời đưa Hàn Quốc đến gần hơn với Mỹ và Nhật Bản, răn đe CHDCND Triều Tiên và thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông Yoon Suk Yeol xoay quanh việc đưa Hàn Quốc  trở thành “quốc gia chủ chốt toàn cầu” (GPS) bằng cách đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và trên thế giới trong việc bảo vệ các giá trị như dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp quyền.

Là một phần trong chính sách GPS, ông Yoon Suk Yeol đã khôi phục mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bằng cách đưa ra quyết định không được lòng dân là bồi thường các nạn nhân Hàn Quốc bị Nhật Bản cưỡng bức lao động mà không yêu cầu Tokyo bồi thường. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Yoon Suk Yeol dự định sẽ tìm cách tạo lập di sản của mình bằng cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương với Nhật Bản, thông qua tăng cường hợp tác về kinh tế, công nghệ, đổi mới và cơ sở hạ tầng, trao đổi văn hóa và hợp tác giáo dục, tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, các đảng đối lập trong Quốc hội, được khoảng 60% công chúng ủng hộ, lại tìm cách ngăn cản ông trở nên gần gũi hơn với Nhật Bản. Việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất đối với ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Trong khi đó, mối quan hệ Hàn - Trung đã căng thẳng trước khi ông Yoon Suk Yeol lên nắm quyền. Các cuộc thăm dò dư luận tiếp tục cho thấy hơn 80% cử tri có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc. Người dân Hàn Quốc tiếp tục quan ngại sâu sắc về tính quyết đoán trong chính sách đối ngoại và các hành động ép buộc kinh tế của Bắc Kinh -  chẳng hạn như ngăn chặn du lịch, giải trí và các hoạt động thương mại khác vào ăm 2016 sau khi Seoul cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và việc rời xa Trung Quốc khiến nền kinh tế Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro thực sự, bao gồm cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Các nhà lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội chỉ trích chính sách của ông Yoon Suk Yeol đối với Trung Quốc vì gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Hàn Quốc. Do đó, chính quyền ông Yoon Suk Yeol sẽ tiếp tục theo đổi chiến lược “giảm rủi ro” thay vì “tách rời”, thông qua kế hoạch cắt giảm nhập khẩu các loại khoáng sản quan trọng của Trung Quốc từ 80% xuống 50% theo yêu cầu của Hàn Quốc vào năm 2030.

Mặc dù PPP phù hợp với các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực này hơn DP, nhưng cả hai đáng đều ủng hộ hợp tác an ninh Mỹ - Hàn. Hy vọng quan hệ song phương - liên minh mạnh mẽ với việc hai bên đều tập trung vào Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga  -  sẽ tiếp tục tình trạng như hiện tại trong thời gian còn lại của ông Yoon Suk Yeol. Sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc dành cho liên minh Mỹ - Hàn đang ở mức cao, gần 87% số người được thăm dò ý kiến nói rằng Hàn Quốc nên phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ hơn là với bất kỳ nước nào khác.

Vì Chính phủ Hàn Quốc vẫn bị chia rẽ nên những vấn đề quan trọng được quan tâm trong nước có thể sẽ tiếp tục rơi vào bế tắc. Ví dụ, tình trạng bế tắc chính trị đã cản trở việc ban hành các đạo luật có ý nghĩa nhằm giải quyết tình trạng các bác sĩ trẻ đình công để phản đối đề xuất của chính phủ về tăng số lượng tuyển sinh trường y hằng năm từ 3.000 lên 5.000 sinh viên.

Ngoài cuộc khủng hoảng ngắn này, ông Yoon Suk Yeol còn phải tìm kiếm sự thỏa hiệp với phe đối lập để ban hành chương trình nghị sự chính sách của mình dưới hình thức nào đó. Dân số già hóa, tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao làm tăng mối lo ngại về tương lai của Hàn Quốc. Ông Yoon Suk Yeol còn cam kết phục hồi ngành công nghiệp Hàn Quốc bằng cách làm suy yếu tổ chức công đoàn, khởi tố các vụ án tham nhũng và giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực kinh doanh. Thế nhưng, nếu không có sự ủng hộ của cơ quan lập pháp thì những cải cách của ông hầu như không có sức hút.

Thất bại của PPP làm dấy lên nhiều câu hỏi quan trọng về cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo vào năm 2027. PPP thất bại không có nghĩa là đảng đối lập DP của ông Lee Jae Myung nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Cả PPP và DP đều vấp phải nhiều vụ bê bối, tranh cãi, chia rẽ nội bộ và tỷ lệ tán thành thấp trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử này.

Ngọc Lan
.
.