Chính sách “Ngoại giao nhân quyền” của ông Kishida
Từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhiều lần nhấn mạnh quan điểm bảo vệ giá trị phổ quát như tự do và dân chủ. Bắt đầu từ “Vòng cung tự do và thịnh vượng” dưới thời ông Abe Shinzo, sau đó là khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và được tiếp nối qua thời kỳ ông Suga cho đến chính quyền ông Kishida hiện nay, với thời gian chừng 15 năm qua.
Điều này được nhận định là động thái hoàn toàn mới của ngoại giao Nhật Bản thời kỳ hậu Thế chiến II. Bằng cách tăng cường hợp tác với các quốc gia có chung quan điểm giá trị về tự do dân chủ và pháp quyền nhằm duy trì trật tự quốc tế, động thái này đã đóng góp tích cực cho việc mở rộng tiếng nói củng cố và bảo vệ các chuẩn mực của chủ nghĩa tự do.
Chính quyền ông Kishida hiện tại cũng đang đưa ra quan điểm tích cực hơn nữa đối với các giá trị của chủ nghĩa tự do. Ngay từ thời điểm tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, ông Kishida đã tuyên bố sẽ tập trung vào hoạt động “ngoại giao nhân quyền”. Sau khi chính thức trở thành người đứng đầu chính phủ, ông Kishida cho thấy rõ ý định thúc đẩy “ngoại giao chủ nghĩa hiện thực thời đại mới”, coi việc bảo vệ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ là trụ cột đầu tiên của ngoại giao Nhật Bản.
Sau những tuyên bố mang tính chủ trương, các chuyển động sau đó đã cho thấy rõ nỗ lực hiện thực hóa “ngoại giao nhân quyền” của chính quyền ông Kishida với khởi đầu là công bố bổ nhiệm ông Gen Nakatami, cựu Bộ trưởng Quốc phòng vào vị trí cố vấn đặc biệt của thủ tướng về vấn đề nhân quyền. Ông Gen Nakatami đã cùng với Hạ nghị sĩ Shiori Yamao vận hành Liên minh nghị sĩ theo dõi vấn đề nhân quyền với vai trò đồng chủ tịch. Việc xây dựng luật trừng phạt liên quan đến vấn đề nhân quyền (còn gọi là Luật Magnitsky) cũng được Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy.
Vài tháng sau khi nhậm chức, cố vấn Nakatami đã có những hoạt động đầu tiên để triển khai công việc. Một cuộc họp giữa các bộ ngành liên quan đã được triệu tập với mục tiêu thiết lập một bộ hướng dẫn về trách nhiệm giải trình các vấn đề nhân quyền nhằm đánh giá các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp bảo vệ nhân quyền. Việc thúc đẩy giải trình các vấn đề về nhân quyền vốn đã được thực hiện từ năm 2018 trong quá trình triển khai hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cũng nằm trong nghị trình thực hiện của Liên minh nghị sĩ theo dõi vấn đề nhân quyền mà ông Nakatami phụ trách trước khi ngồi vào vị trí mới. Nhóm dự án liên bộ thảo luận về vấn đề nhân quyền trong và ngoài nước cũng đã được thành lập.
Chính quyền ông Kishida cũng đang xem xét tham gia Sáng kiến Kiểm soát xuất khẩu và nhân quyền mà Mỹ công bố cùng các nước Australia, Đan Mạch và Na Uy, nhằm xem xét hạn chế xuất khẩu công nghệ giám sát có thể được sử dụng trong các hành vi vi phạm nhân quyền. Dự kiến trong năm 2022, một bộ phận phụ trách đối sách về vi phạm nhân quyền sẽ được thành lập trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Tuy nhiên, thúc đẩy “ngoại giao nhân quyền” với các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Trung Quốc không phải là đường lối ngoại giao dự kiến của chính quyền ông Kishida. Lý do là vì nhân quyền dẫn đến nghi ngờ về độ tin cậy và khả năng hiện thực hóa các cam kết về giá trị của nó. Điều quan trọng là cần giải thích các biện pháp cụ thể của “ngoại giao nhân quyền” trên quan điểm giá trị phổ quát và giải quyết các vấn đề nhân quyền với tiêu chuẩn giống nhau ở bất kỳ quốc gia nào. Đây chính là mục đích hướng tới của việc thông qua Đạo luật Magnitsky phiên bản Nhật Bản với khả năng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Việc chính quyền ông Kishida nhấn mạnh cam kết đối với các giá trị phổ quát nhằm xóa tan tâm lý không hài lòng của người dân đối với các chính sách của LDP dưới thời chính quyền các ông Abe và Suga, qua đó tạo nền tảng chấp chính ổn định hơn. Ông Kishida xác định muốn tăng mức độ ủng hộ của người dân thì không còn cách nào khác là phải tạo đột phá so với các chính sách tiền nhiệm. Ngoài vấn đề ứng phó với đại dịch COVID-19, các vấn đề khác từng bị dân chúng chỉ trích nhằm vào các chính quyền tiền nhiệm như “Bữa tiệc hoa anh đào”, vụ bê bối công ty Moritomo Gakuen, vụ từ chối bổ nhiệm thành viên Hội đồng học thuật... đã làm giảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của quan chức chính phủ và động chạm đến quyền tự do của dân chúng. Do đó, những cam kết với các chuẩn mực dân chủ và nhân quyền sẽ là chìa khóa để chính quyền ông Kishida tạo khác biệt so với giai đoạn trước đó.
Với mục tiêu đó, việc xử lý các vấn đề nhân quyền sẽ được giao cho các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức cá nhân khác, trong khi chính phủ đóng vai trò hỗ trợ. Việc Chính phủ Nhật Bản đưa ra cam kết sẽ hỗ trợ 14 triệu USD cho Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Hội nghị Thượng đỉnh vì dân chủ là một động thái theo đúng nghĩa đó. Tuy nhiên, UNDP, vốn không phải là tổ chức chuyên biệt về các vấn đề nhân quyền, chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ quản trị cho chính phủ các nước, chứ không hỗ trợ trực tiếp người dân nước đó.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, phản ứng về các vấn đề nhân quyền cần phải thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn giống nhau giữa trong nước và ngoài nước để củng cố và bảo vệ các chuẩn mực đó. Thực tế, nền dân chủ của Nhật Bản được cho là đã bị suy yếu mạnh trong 10 năm qua, vì thế chính quyền ông Kishida được kỳ vọng sẽ trở thành một chính quyền thực thi chính sách “ngoại giao nhân quyền” thực sự trong thời gian tới.