Cú huých 6 tỉ USD của ông Biden ở Bắc Ailen

Thứ Hai, 17/04/2023, 14:58

Đến thăm Bắc Ailen và Cộng hòa Ailen nhân kỷ niệm 25 năm ký kết thỏa thuận lịch sử Ngày thứ Sáu Tốt lành (Good Friday Agreement -  GFA), Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn sử dụng vị thế cường quốc của mình để gây ảnh hưởng lên các đảng chính trị ở Bắc Ailen nhằm thúc đẩy thực thi chia sẻ quyền lực theo thỏa thuận này.

Ông Joe Biden đã treo khoản đầu tư trị giá 6 tỷ USD trước mặt các nhà lãnh đạo Bắc Ireland với lời hứa sẽ thúc đẩy nền kinh tế của đất nước với sự đầu tư của Mỹ nếu việc chia sẻ quyền lực được khôi phục. Trong một thông điệp gần như công khai gửi tới đảng Liên minh Dân chủ (DUP), đảng đã tẩy chay chính phủ trong hơn một năm, Tổng thống Mỹ nói với chính khách ở Belfast rằng các nhà đầu tư Mỹ đã sẵn sàng gia tăng “gấp ba lần” số tiền 2 tỷ USD đã đầu tư vào Bắc Ailen.

Cú huých 6 tỉ USD của ông Biden ở Bắc Ailen -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Trường Đại học Ulster ở Belfast.

Phát biểu tại Đại học Ulster ở Belfast, ông nhắc nhở các đại diện của năm đảng phái lớn nhất Ailen về sự chuyển biến mà Thỏa thuận GFA mang lại cho Bắc Ailen cách đây 25 năm và kêu gọi họ bỏ quá khứ lại phía sau và nhìn vào sự thịnh vượng sẽ đến trong một phần tư thế kỷ tới. Ông nói: “Trong 25 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội của Bắc Ireland đã tăng gấp đôi, trong khi “chỉ trong thập kỷ qua” gần 2 tỷ USD Mỹ đầu tư vào nền kinh tế”.

Ông Biden cho biết các cơ hội để Bắc Ireland nâng mình trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Vương quốc Anh là “đáng kinh ngạc”. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị “duy trì hòa bình”, hứa hẹn nó sẽ “giải phóng cơ hội kinh tế đáng kinh ngạc cho Belfast”.

Ông Biden hứa rằng đặc phái viên kinh tế của ông tại Bắc Ailen, Joe Kennedy III, sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại đến để “tăng cường” một làn sóng đầu tư mới. Ông kêu gọi DUP quay trở lại các thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Stormont và cho biết một “chính phủ được ủy quyền hiệu quả… sẽ mang lại cơ hội lớn hơn nữa trong khu vực này”. Ông Kennedy sau đó nói với các phóng viên rằng các tập đoàn Mỹ luôn tìm kiếm sự ổn định như một điều kiện tiên quyết để đầu tư.

Trước khi ông Biden lên đường thăm Bắc Ailen và Ailen, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã cảnh báo ông nên hết sức thận trọng khi dùng ảnh hưởng của mình để tác động vào tiến trình thực thi Thỏa thuận. Không khéo ông Biden lại bị các bên phản đối vì can thiệp làm cho tình hình không đi theo đúng ý muốn của họ.

Lời cảnh báo của ông Blair quả không thừa. Dấu hiệu đầu tiên không tốt lành cho ông Biden chính là việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak vắng mặt trong ngày ông Biden lẽ ra có cuộc gặp riêng với ông Sunak trước khi có cuộc nói chuyện trước giới chính trị Bắc Ailen tại Trường Đại học Ulster ở Belfast. Ông Sunak cũng không tham dự cuộc nói chuyện của Biden để đến thăm một sĩ quan cấp cao tại một bệnh viện ở phía Tây Bắc Anh.

Phản ứng khá gay gắt của các bên liên quan đã khiến một trong những trợ lý cao cấp của ông Biden đã buộc phải lên tiếng phủ nhận việc Tổng thống Mỹ “chống Anh” sau cáo buộc của cựu lãnh đạo DUP Arlene Foster rằng Tổng thống Mỹ “ghét Anh” khi can thiệp vào tiến trình thực thi Thỏa thuận GFA. Người đứng đầu đảng DUP Sammy Wilson kiên quyết tuyên bố đảng của ông “sẽ không bị mua chuộc”.

Phát biểu trên chương trình World at One của BBC Radio 4, nghị sĩ của East Antrim cho biết: “Một mặt, ông Biden nói rằng ông ấy ở đây để giúp đỡ tiến trình hòa bình và thỏa thuận GFA; mặt khác, ông đã cố gắng hết sức để phá hoại Thỏa thuận và các thể chế của nó, và thực sự là sự ủng hộ của ông ta đối với EU chống lại chính phủ Vương quốc Anh, cố gắng ép Vương quốc Anh chấp nhận sự can thiệp của EU vào Bắc Ailen, đã không giúp ích gì cho quá trình này và đã dẫn đến sự sụp đổ của các thể chế”.

Thỏa thuận GFA được ký kết vào ngày 10/4/1998 và là bước phát triển quan trọng và lâu dài nhất của tiến trình hòa bình Bắc Ailen. Thỏa thuận đã ngăn chặn phần lớn xung đột bạo lực trong khu vực sau khi được các cử tri trên đảo Ailen thông qua trong hai cuộc trưng cầu dân ý riêng biệt được tổ chức vào ngày 22/5/1998.

Ngày hôm sau, 23/5, có thông tin cho rằng Thỏa thuận GFA đã nhận được đa số ủng hộ trong cả hai cuộc trưng cầu dân ý - ở Bắc Ailen là 71% ủng hộ, trong khi 94% ủng hộ ở Ailen. Thỏa thuận đã trở thành luật vào tháng 12/1999 và hiện là một phần của Hiến pháp Ailen.

Thỏa thuận GFA đã tạo nền tảng cho hòa bình ở Bắc Ailen trong 25 năm qua, nhưng thỏa thuận đang bị đe dọa ngày càng nhiều do căng thẳng chính trị gia tăng và xung đột bạo lực sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Thỏa thuận đã tạo ra sự chia sẻ quyền lực ở Bắc Ailen với việc thành lập Hội đồng Bắc Ailen và Cơ quan hành pháp Bắc Ailen, chấm dứt hàng thập kỷ cai trị trực tiếp từ London. Thỏa thuận lịch sử cũng công nhận tính hợp pháp của bất kỳ sự lựa chọn nào của người dân Bắc Ailen để tiếp tục là một phần của Vương quốc Anh hoặc trở thành một nước Ailen thống nhất.

Khả năng trở lại của một biên giới cứng giữa hai quốc gia là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán Brexit và cuối cùng dẫn đến Nghị định thư Bắc Ailen - một thỏa thuận gây tranh cãi tạo ra một biên giới vô hình ở Biển Ailen đối với một số hàng hóa đi lại giữa Bắc Ailen và nước Anh. Nghị định thư Bắc Ailen được cho là đã góp phần gây ra các cuộc bạo loạn và tấn công diễn ra trên khắp Bắc Ailen trong vài năm qua. Vào năm 2021 và 2022, các cuộc bạo loạn đã làm lu mờ ngày kỷ niệm ký kết Thỏa thuận và là lời nhắc nhở kịp thời về nền hòa bình mong manh mà thỏa thuận mang lại.

Tuy nhiên, để khôi phục chia sẻ quyền lực theo Thỏa thuận GFA, duy trì nền hòa bình lâu dài cho Bắc Ailen thì cần phải có cách làm phù hợp hơn thay vì can thiệp.

An Châu (Tổng hợp)
.
.