Cựu Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl và mối lương duyên với nước Nga
Karin Kneissl đã trở thành “người nổi tiếng” toàn thế giới khi bà mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự đám cưới của mình vào năm 2018. Năm năm sau, bà chuyển đến sống ở St Petersburg. Những câu chuyện từ bạn bè và những người đồng nghiệp cũ đã tiết lộ tình yêu sâu sắc của bà dành cho nước Nga.
Người không chịu khuất phục
Cựu Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl sinh năm 1965, làm Bộ trưởng Ngoại giao của Áo từ năm 2017-2019. Khi lần đầu tiên đặt chân đến Bộ Ngoại giao Áo vào tháng 3/1990 với tư cách là một nhà ngoại giao cấp dưới, Kneissl đã có những tham vọng lớn lao. Là con gái của một phi công, bà đã dành một phần thời thơ ấu của mình ở Jordan, nơi cha bà lái máy bay cho Vua Hussein. Trở lại Áo, bà khao khát một tương lai đủ lớn để trở lại khu vực này.
Kneissl tiếp tục học luật và tiếng Arab tại Đại học Vienna. Trong cuốn sách “My Middle East” của mình, xuất bản năm 2014, Kneissl viết rằng bà học tiếng Arab để hiểu về Lebanon và "tại sao lại có những đám cháy ở Trung Đông". Bà viết rằng việc học của bà quá căng thẳng đến nỗi mọi người, không nêu rõ là ai, nói với bà rằng bà "là người Lebanon nhiều hơn cả người Lebanon". Bà tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ về biên giới ở Trung Đông. Người hướng dẫn luận án của bà, giáo sư Hanspeter Neuhold, nhớ bà là người chăm chỉ và thông minh, cũng như có phần cố chấp.

Bà Kneissl tin rằng Áo có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc làm trung gian hòa bình ở Trung Đông. Sự hiểu biết của bà về chính trị khu vực, cùng với kiến thức về tiếng Arab đã nhanh chóng giúp bà được thăng chức. Mặc dù một số đồng nghiệp thấy Kneissl tự cho mình là quan trọng, những người khác lại tỏ ra nồng nhiệt với bà. Một người bạn cũ khác vẫn còn làm việc tại bộ này cho biết: "Bà ấy thú vị, đi nhiều nơi, hài hước và giống như tất cả những người trẻ tuổi khác ở đó, hơi kỳ lạ". Cựu giám đốc bộ phận Trung Đông và châu Phi, và cựu đại sứ Alexander Christiani đã rất ấn tượng trước trí tuệ của Kneissl và ủng hộ bà khi bà nhanh chóng thăng tiến lên làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao khi đó.
Tuy nhiên, sự thăng tiến nhanh chóng này trong các cấp bậc của Bộ là chưa đủ đối với Kneissl. Năm 1998, bà quyết định rời khỏi Bộ. Walter Gehr, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm hơn, người sau này trở thành Chánh Văn phòng của bà Kneissl, cho biết bà "thất vọng vì trình độ trí tuệ thấp trong công việc của mình" và "khó chịu khi tất cả những người đàn ông xung quanh bà đều chỉ đạo bà".
Trong vài năm tiếp theo, bà là khách mời thuyết trình tại một số viện hàn lâm quan trọng của Áo về các vấn đề Trung Đông và viết bình luận cho tờ Die Presse, một tờ báo của Áo, mặc dù bà đã chia tay tờ báo sau khi các biên tập viên chỉnh sửa bản thảo của bà. Sự hiểu biết sâu sắc của bà đôi khi bị nghi ngờ, nhưng quan điểm phê phán của bà về khu vực này - tập trung vào những nguy cơ của Hồi giáo chính trị - dễ dàng phù hợp với nền chính trị bảo thủ của đất nước.
Vào năm 2015, khi hàng triệu người chạy trốn chiến tranh và đàn áp đã đến ngưỡng cửa châu Âu, và di cư từ Trung Đông trở thành vấn đề nóng hổi trong chính trường Áo, bà Kneissl đã trở thành một tiếng nói ngày càng nổi bật. Bà thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia ORF, và được biết đến với những lời chỉ trích về quyết định của bà Angela Merkel (Thủ tướng Đức khi đó) cho phép hơn một triệu người xin tị nạn vào Đức. Đối với các nhà sản xuất truyền hình, những người được kỳ vọng sẽ đại diện cho cả hai phía của mọi vấn đề, Kneissl là một lựa chọn lý tưởng.
Thủ tướng mới, trẻ tuổi Sebastian Kurz không có nhiều thời gian dành cho Kneissl. Nhóm thân cận của ông biết rằng nếu họ cần vận động hành lang Washington hay Brussels, họ không cần một người trung gian. Ngược lại, Kneissl không thích bị gạt ra ngoài lề và tiến hành thực hiện những động thái có khả năng khiến ông chủ của bà tức giận. Bà lao vào việc thiết lập mối quan hệ tốt hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, biết rằng Thủ tướng Kurz đã công khai chỉ trích Tổng thống Recep Tayyip Erdoan.
Hơn bất cứ điều gì, Kneissl muốn được coi trọng. Sau một thập kỷ làm việc tự do, hợp đồng ngắn hạn và mức lương thấp, Kneissl cảm thấy bà đã giành được quyền được lắng nghe. Làm trầm trọng thêm sự thất vọng này là cảm giác của Kneissl rằng những người đồng cấp chính trị của bà ở nước ngoài không tôn trọng bà. Trong một chuyến công du ngoại giao tới Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã không tiếp bà. Tại các cuộc họp ở Brussels, bà cảm thấy mọi người cố tình tránh bà. Người Mỹ sẽ bỏ qua bà và đi thẳng đến Thủ tướng Kurz. Những sự coi thường này đã làm tổn thương sâu sắc đến Kneissl.

Nơi duy nhất mà Kneissl nhận được sự ấm áp mà bà khao khát là ở “phía Đông”. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga vào tháng 4/2018, bà đã thảo luận về sự tham gia của Nga vào Syria với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Chính ông Lavrov đã chào đón bà bằng sự kết hợp giữa lòng tốt và sự cứng rắn. Chuyến đi cũng bao gồm một cuộc gặp với Tổng thống Putin. Bà đã giấu không cho báo chí biết vì đó là một cuộc gặp mang tính chất riêng tư, và khi gặp Tổng thống Putin, bà đã dúi vào tay ông thiệp mời đến dự “một sự kiện tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna”. Đó chính là lời mời đến dự đám cưới của bà.
Không ai nghĩ Tổng thống Nga sẽ thực sự tham dự cho đến khi Đại sứ Nga đến nhà của bà Kneissl ở Seibersdorf để thông báo rằng Tổng thống Putin sẽ chấp nhận lời mời. Thời điểm này đặc biệt khó xử. Chỉ vài tháng trước xảy ra vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông Yulia bị đầu độc tại thị trấn Salisbury ở Anh và phương Tây đều đổ lỗi cho các điệp viên Nga. Trong khi Đức, Pháp và Ba Lan đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đáp trả, Áo đã bị chỉ trích vì từ chối làm như vậy.
Vũ điệu Waltz cuối cùng
Đám cưới diễn ra vào một ngày tháng 8 tại một vườn nho trên núi ở miền nam nước Áo. Cô dâu đến bằng xe ngựa và mặc một chiếc váy dài màu ngà voi truyền thống; chú rể, một doanh nhân người Áo Wolfgang Meilinger, mặc một chiếc áo ghi lê màu xanh lá cây quyến rũ. Tổng thống Putin được trao vị trí trang trọng trong buổi lễ dân sự, nơi ông ngồi ở bàn cao nhất cùng cặp đôi hạnh phúc và nâng ly bằng tiếng Đức. Quà cưới của ông bao gồm một dàn hợp xướng Cossack mà ông đã đưa bằng máy bay tới trong dịp này.
Trong điệu nhảy đầu tiên của cặp đôi, Meilinger đã trao cô dâu mới của mình cho ông Putin, người đang chờ đón cô. Cặp đôi đã nhảy theo điệu The Last Waltz của Engelbert Humperdinck do Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Gehr thể hiện. Nhìn về phía đó, các đồng nghiệp trong chính phủ của bà Kneissl đã lo lắng khi phát hiện ra phóng viên ảnh của Cơ quan Báo chí Áo được phân công chụp sự kiện này. Một trong những đồng nghiệp cũ của Kneissl đã nói: "Điệu nhảy gần như ổn cho đến tận phút cuối, nhưng khi bà ấy cúi chào, tôi đã nghĩ rằng chúng ta xong đời rồi".
Chỉ trong vòng vài giờ, bức ảnh đã được đưa lên các bản tin. Các chính trị gia Ukraine đã vô cùng tức giận, đặt câu hỏi liệu Áo có nên tiếp tục ủng hộ với tư cách là một bên trung lập trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga hay không. Đảng Dân chủ Xã hội của Áo đã lên án vụ việc là "có khả năng gây ra thiệt hại lâu dài cho lập trường chính sách đối ngoại của Áo".
Bà Kneissl không hề hối hận. "Những ai biết tôi đều biết rõ rằng tôi không phục tùng bất kỳ ai", bà nói với BBC. Không phải lần đầu tiên, bà gặp khó khăn trong việc hiểu tại sao những người khác lại không nhìn nhận mọi việc giống như bà. Bà cho biết sự kiện này là riêng tư. Cúi chào, hành động tự nhiên mà một quý cô thực hiện khi kết thúc một điệu valse. Đôi bông tai trị giá 50.000 euro (43.000 bảng Anh) mà ông Putin tặng bà, một món quà hào phóng mà tất nhiên bà phải được phép giữ lại.
Chưa đầy một năm sau, bà Kneissl đã rời nhiệm sở do một vụ việc liên quan ảnh hưởng của Nga tại Áo. Lần này, vụ việc liên quan đến lãnh đạo đảng Tự do. Năm 2019, một đoạn video ghi hình bí mật của ông Heinz-Christian Strache đã bị rò rỉ cho báo chí, trong đó cho thấy ông đang ngồi trong một biệt thự ở Ibiza với một người phụ nữ đóng giả là cháu gái của một nhà tài phiệt người Nga.
Câu chuyện là một đòn giáng mạnh vào chính phủ của Thủ tướng Kurz và lãnh đạo Strache đã nhanh chóng từ chức. Khi ông Kurz sa thải Bộ trưởng Nội vụ, người thuộc đảng Tự do, để đảm bảo một cuộc điều tra thích hợp về vụ bê bối, tất cả các bộ trưởng đảng Tự do của chính phủ đều từ chức. Bà Kneissl, mặc dù được đảng Tự do bổ nhiệm, nhưng khẳng định lại rằng về mặt kỹ thuật, bà là người độc lập. Bà đã bám trụ trong một thời gian ngắn, nhưng một tháng sau, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã chấm dứt chính phủ của ông Kurz và bà đã mất việc.
Sau khi chính phủ sụp đổ, Kneissl thu mình lại. "Bà ấy trở nên rất cô lập và ngày càng buồn bã", Margarete Schorn, một trong những người hàng xóm của Kneissl ở Seibersdorf cho biết. Mối quan hệ của Kneissl với đảng Tự do và với Tổng thống Putin đã cản trở bà quay trở lại thế giới giảng dạy và báo chí. Các mối quan hệ cá nhân của Kneissl bắt đầu trở nên căng thẳng. Mối quan hệ của bà với chồng cũng tan vỡ.

Kneissl coi những bất hạnh của mình là kết quả của một mối thù vô hình nào đó chống lại bà. Vào năm 2020, bà rời Áo mãi mãi, định cư tại Nmes ở miền Nam nước Pháp, trước khi chuyển đến Lebanon, nơi bà xoay xở bằng cách đi thỉnh giảng tại các trường đại học. Eugene Richard Sensenig, một học giả và là bạn của Kneissl, nhớ lại rằng bà có một nhóm bạn ở Lebanon ngưỡng mộ bà. Tuy nhiên, bà đã không bận tâm và thường xuyên quay lại với cách bà cảm thấy mình đã bị đối xử tệ bạc.
Vào năm bà rời Áo, Kneissl bắt đầu viết các chuyên mục ý kiến cho kênh truyền thông nhà nước Russia Today, đưa tin về Trung Đông, năng lượng và quan hệ quốc tế. Một năm sau, bà được bổ nhiệm vào một vị trí béo bở trong ban quản trị của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga. (Tại đó cũng có một nhân vật chính trị đáng chú ý khác trong ban quản trị: Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schrder)
Lòng trung thành của bà với nước Nga đã sớm được đền đáp. Năm 2023, bà lên máy bay đến St Petersburg sau khi nhận lời mời dẫn đầu Đài quan sát địa chính trị về các vấn đề chính của Nga (Gorki) tại Đại học St Petersburg. Những người chủ mới của bà thậm chí còn mất công chuyển hướng một máy bay quân sự từ Syria đến Lebanon để chở ngựa của bà Kneissl đến Nga.
Bà Kneissl không phải là chính trị gia Áo đầu tiên duy trì mối quan hệ hữu nghị với nước Nga và Tổng thống Putin. Như một nhà văn đã nói đùa, "Áo không chỉ có một Gerhard Schroeder mà là rất nhiều". Cựu thủ tướng Áo Wolfgang Schussel từng ngồi trong hội đồng quản trị của công ty năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga. Một cựu thủ tướng khác, Christian Kern, từng ngồi trong hội đồng quản trị của Đường sắt Nga.
Ở Nga, bà Kneissl đã tìm được chỗ đứng cho mình. Vào tháng 6/2024, bà nói với một hãng thông tấn nhà nước rằng phương Tây có kế hoạch chia cắt nước Nga, "giống như Liên bang Nam Tư đã bị chia cắt". Trong khi tuyên bố này hầu như không được chú ý ở châu Âu, thì ở Nga đây được coi là lời cảnh báo nghiêm túc từ một người trong cuộc thực sự trong chính trường.