Cựu Tổng thống Honduras bị bắt vì tham nhũng và buôn ma túy
Cựu Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez - người mới rời nhiệm sở hồi tháng trước, bị truy nã và đã ra đầu thú vì liên quan đến “một âm mưu buôn bán ma túy đã chấp nhận bị bắt và dẫn độ sang Mỹ.
Tự nguyện trình diện
Ông Hernandez - một trong những người đàn ông quyền lực nhất Trung Mỹ, người lãnh đạo Honduras trong 8 năm qua đã được các nhân viên an ninh hộ tống khỏi nhà hôm 14-2. Khi đi, ông được mặc áo chống đạn và bị cùm tay chân. "Đó không phải là một khoảnh khắc dễ dàng, tôi không mong muốn điều đó xảy ra với bất kỳ ai. Tôi sẵn sàng trình diện và tự bảo vệ mình theo quy định của pháp luật”, ông Hernandez viết trên trang cá nhân Twitter của mình lúc 5h sáng ngày 15-2.
Phát ngôn viên của Tòa án Melvin Duarte cho báo chí biết, một lệnh bắt giữ ông Hernandez “đã được ban hành” và nhà của cựu tổng thống ở thủ đô Tegucigalpa bị bao vây bởi hàng trăm cảnh sát. Ông Hernandez phải xuất hiện trước thẩm phán trong vòng 24 giờ. Theo tin từ hãng CNN, Mỹ đã yêu cầu chính quyền Honduras dẫn độ ông Hernandez, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Honduras đã gửi yêu cầu chính thức về việc bắt giữ tạm thời vì mục đích dẫn độ ông Hernandez đến Mỹ tới Tòa án Tối cao của nước này. Tòa án Tối cao Honduras - nơi sẽ quyết định về yêu cầu dẫn độ đã họp hôm 15-2 và chỉ định một thẩm phán giám sát vụ việc. Quá trình này có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng, tùy theo lời bào chữa của ông Hernandez.
Nhiều tháng qua đã có đồn đoán rằng Mỹ đang lên kế hoạch yêu cầu dẫn độ khi ông Hernandez từ chức với cáo buộc rằng ông thông đồng với những kẻ buôn ma túy. Nhà lãnh đạo cánh tả Xiomara Castro hồi tháng trước đã thế vào vị trí của Hernandez và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Honduras. Hãng tin Reuters dẫn một tài liệu của Đại sứ quán Mỹ ở Honduras cho biết Washington đang tìm cách dẫn độ ông Hernandez về các cáo buộc liên quan đến vũ khí và âm mưu buôn bán ma túy từ năm 2004 đến năm 2022. Trong tài liệu, Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh, ông Hernandez đã tham gia vào một kế hoạch nhận hàng tấn cocaine đến từ Colombia và Venezuela, sau đó chuyển tới Mỹ. Cho đến nay, ông Hernandez vẫn phủ nhận những cáo buộc này và cho rằng đây là một phần trong âm mưu trả thù của các trùm ma túy mà chính phủ của ông đã bắt hoặc dẫn độ sang Mỹ. Thậm chí, ông Hernandez còn tuyên bố rằng các bản ghi âm giọng nói không xác định do Cục Quản lý thực thi dược phẩm Mỹ thực hiện cho thấy ông vô tội.
Giới phân tích nhận định, yêu cầu dẫn độ của Washington trái ngược với thời kỳ mà Chính phủ Mỹ coi ông Hernandez là đồng minh quan trọng ở Trung Mỹ đầy biến động. Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, năm ngoái ông Hernandez đã bị đưa vào danh sách những người bị cáo buộc tham nhũng hoặc phá hoại nền dân chủ ở El Salvador, Guatemala và Honduras.
Công lý cho Honduras
Gabriela Castellanos, người đứng đầu Hội đồng Chống tham nhũng quốc gia Honduras thì khẳng định, vụ án của ông Hernández có liên quan đến đảng của cựu tổng thống và cả các vụ xét xử nghi phạm trong các vụ tham nhũng xảy ra trước đó. Tờ The New York Times dẫn lời một quan chức Honduras giấu tên cho hay, từ năm 2004 đến nay, ông Hernandez đã giúp các băng nhóm buôn bán ma túy vận chuyển 500 tấn cocaine từ Venezuela và Colombia đến Mỹ và nhận hối lộ hàng triệu USD để che chắn cho những kẻ buôn người khỏi bị truy tố. Anh trai của cựu tổng thống là Juan Antonio Hernández đang thụ án chung thân tại Mỹ vì tội buôn bán cocaine. Một kẻ buôn bán cocaine khác cũng bị kết án liên quan đến cựu Tổng thống là Geovanny Fuentes đã nhận mức án tương tự hồi tuần trước.
Không rõ liệu hoặc khi nào ông Hernández có thể bị dẫn độ sang Mỹ và liệu ông có bị buộc tội tại quê nhà hay không cũng như thời gian mà Tòa án Tối cao của Honduras ra phán quyết về việc có chấp nhận yêu cầu dẫn độ hay không. Tuy nhiên, phải nói rằng Honduras là quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ và chưa bao giờ từ chối yêu cầu dẫn độ từ Mỹ.
Marlon Duarte, một luật sư tại Tegucigalpa, người đã tham gia 5 vụ dẫn độ, cho biết, dù chưa có tiền lệ về vụ kiện chống lại một cựu tổng thống và ông Hernández vẫn giữ được sự ủng hộ đáng kể trong hệ thống tư pháp nhưng cuộc chiến pháp lý này không hề đơn giản. “Chúng tôi đang đưa các tổ chức của đất nước vào thử nghiệm. Chúng tôi cũng muốn xem liệu hệ thống tư pháp có phải là một phần của cùng một cấu trúc tội phạm mà cựu tổng thống bị cáo buộc tạo ra hay không”, Duarte nói.
Josué Murillo, một nhà phân tích chính trị Honduras và là người đứng đầu Tổ chức Phát triển liên Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận về nhân quyền, cho biết, đây là bước cơ bản đầu tiên trong cuộc chiến của người dân chống lại hệ thống trừng phạt ở Honduras. Honduras cũng không thể tiến lên cho đến khi công lý không còn là vũ khí chính trị được sử dụng để nhắm vào các đối thủ chính phủ.
Bà Castro, tân tổng thống, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11-2021 sau khi hứa sẽ đại tu hệ thống tham nhũng và trừng phạt vốn phát triển mạnh mẽ dưới thời ông Hernandez, góp phần vào cuộc di cư ồ ạt của công dân nước này tới Mỹ. Trong khi việc bắt giữ ông Hernandez dường như cho thấy quyết tâm của bà Castro thì những hành động ban đầu đã gieo rắc nghi ngờ về một cuộc chiến rộng lớn hơn để chống lại các đối thủ. Các đồng minh của tân tổng thống trong quốc hội đã thông qua một đạo luật có thể trao quyền miễn trừ hiệu quả cho các thành viên trong chính quyền của chồng bà - tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya.
Đối với Mỹ, việc dẫn độ ông Hernandez sẽ là một thắng lợi trong chính sách đối ngoại quan trọng của chính quyền Tổng thống Biden vốn đang đấu tranh để khẳng định ảnh hưởng ở Trung Mỹ và thực hiện tốt lời hứa giảm tham nhũng trong khu vực để giúp ngăn chặn tình trạng di cư.