Đằng sau căng thẳng Ấn Độ - Canada
Kể từ khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau công khai cáo buộc cơ quan tình báo Ấn Độ có liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh người Sikh mang quốc tịch Canada là Hardeep Singh Nijjar hôm 18/6 và trục xuất một sĩ quan tình báo Ấn Độ có thân phận là nhà ngoại giao, mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Canada đã leo thang từ “cuộc chiến phát ngôn” thành cuộc khủng hoảng toàn diện.
Ấn Độ đã trục xuất một nhà ngoại giao Canada theo nguyên tắc đối đẳng, tiếp đó tuyên bố ngừng dịch vụ cấp thị thực cho công dân Canada và tiếp theo là yêu cầu hơn 40 nhà ngoại giao Canada ở Ấn Độ “phải xuất cảnh trong thời gian nhất định”. Vụ ám sát bí ẩn xảy ra không chỉ khiến quan hệ Ấn Độ - Canada xuống đáy sau 3 tháng âm ỉ mà còn khiến Mỹ và phương Tây, vốn đang chủ trương “đồng minh có chung quan niệm giá trị” để lôi kéo Ấn Độ, lâm vào tình thế khó xử.
Nijjar bị bắn chết tại một bãi đậu xe gần một ngôi đền Sikh ở British Columbia, Canada. Hệ thống camera an ninh tại hiện trường cho thấy ít nhất 6 người đã tham gia vụ tấn công này, trong đó 2 tay súng bắn khoảng 50 viên đạn, 34 viên trúng mục tiêu. Nijjar trước đó đã bị Chính phủ Ấn Độ cáo buộc là thủ lĩnh của Phong trào Khalistan ly khai theo đạo Sikh và bị tình nghi có các hoạt động kích động chống Chính phủ Ấn Độ. Theo điều tra của cơ quan an ninh Canada, vụ việc này có liên quan chặt chẽ đến Cơ quan nghiên cứu và phân tích - Cơ quan tình báo Ấn Độ.
Thế khó của Ngũ Nhãn
Việc ông Trudeau công khai chỉ trích các vụ ám sát của Ấn Độ ở nước ngoài được cho là có những toan tính chính trị để giành được sự ủng hộ của các cử tri nhập cư theo đạo Sikh ở Canada. Tuy nhiên, việc này lại khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden và Liên minh Ngũ Nhãn (Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand) lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Mặc dù Canada ngay lập tức kêu gọi sự ủng hộ từ đồng minh Mỹ và Anh, nhưng hai nước này không hoàn toàn ủng hộ ông Trudeau. Trong một phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cần phải cảnh giác cao độ trước sự đàn áp xuyên quốc gia, đồng thời khuyến khích Ấn Độ phối hợp với Canada cùng điều tra. Để tránh khiêu khích quá mức Ấn Độ, ông Blinken còn nhắc lại tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Mỹ - Ấn trong bài phát biểu. Một số phương tiện truyền thông chính thống tiếng Anh như The Economist, Financial Times vốn luôn chỉ trích Ấn Độ, lại công khai kêu gọi Canada đánh giá thận trọng tình hình để tránh phá vỡ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực xây dựng.
Đồng thời, Mỹ cũng gây áp lực với Ấn Độ thông qua các kênh không chính thức nhằm ngăn chặn tình hình mở rộng hơn nữa. Đại sứ Mỹ tại Canada David Cohen đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng sự chia sẻ thông tin tình báo của Liên minh Ngũ Nhãn thể hiện sự ủng hộ đối với tuyên bố của ông Trudeau, đồng thời cho biết Mỹ đã yêu cầu Ấn Độ hợp tác. Theo truyền thông Anh, Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với những người theo đạo Sikh ở trong nước và tăng cường các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn những sự cố tương tự có thể xảy ra trên lãnh thổ nước này.
Nhận thấy không nhận được sự ủng hộ hết mình của các đồng minh, ông Trudeau đã thay đổi thái độ với ông Modi về vấn đề Phong trào Khalistan kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9/2023, thường xuyên bày tỏ “thiện chí ngoại giao” - Canada không muốn tranh chấp leo thang. Ngày 15/10 vừa qua, ông Trudeau còn đăng lời chúc mừng lễ hội truyền thống Navratri của đạo Hindu trên mạng xã hội, tìm cách gửi tín hiệu hòa dịu trong khi quan hệ song phương đang căng thẳng.
Ai được lợi?
Cùng với việc xung đột Hamas - Israel nổ ra, các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây dần ít để ý đến sóng gió ngoại giao giữa Ấn Độ - Canada, chính quyền ông Modi có vẻ như là “bên có lợi nhất” trong vụ việc này. Ở cấp độ quốc tế, chính quyền ông Modi nắm bắt được nhu cầu chiến lược của Mỹ và phương Tây trong việc vội vàng lôi kéo nước này, kiên quyết thể hiện lập trường cứng rắn và thành công buộc Canada phải nhượng bộ. Động thái này không chỉ giúp Ấn Độ đấu tranh và ngăn chặn Phong trào Khalistan một cách thuận lợi hơn, mà còn buộc các nước như Mỹ, Canada, Anh, Australia... phải tăng cường kiểm soát người Sikh ở trong nước, tối ưu hóa các lợi ích ngoại giao, an ninh của Ấn Độ.
Ở trong nước, lập trường cứng rắn của ông Modi trước các nước phát triển phương Tây không chỉ cho thấy quyết tâm và khả năng bảo vệ “an ninh quốc gia” của chính quyền, mà còn thể hiện vị thế nước lớn “tự chủ chiến lược” của Ấn Độ, giúp Modi gặt hái được thành quả chính trị của chủ nghĩa dân tộc khi cuộc bầu cử tổng thống 2024 đang đến gần. Dù vậy, việc hoài nghi về các vụ ám sát ở nước ngoài theo những cách nào đó, sẽ có tác động tiêu cực tới hình ảnh quốc gia mà Ấn Độ đang nỗ lực đẩy mạnh. Và, sự lựa chọn, dù là ở phương án nào thì cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới kết quả của một tương lai đối với quốc gia đông dân nhất hành tinh này.