Đằng sau việc gia nhập SCO của Iran

Thứ Hai, 26/09/2022, 22:00

Iran đã ký biên bản cam kết trở thành thành viên thường trực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nâng cao vai trò của nước này trong bàn cờ Á-Âu và như một cách củng cố trục Moscow-Bắc Kinh-Tehran.

Ngày 15-9, tại Samarkand, Uzbekistan, Cộng hòa Hồi giáo Iran đã ký một biên bản cam kết về việc trở thành thành viên thường trực của SCO. Tổng thư ký SCO nhấn mạnh rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran với vị thế là một quốc gia hùng mạnh trong khu vực, cùng với sự ổn định và an ninh của họ, là điều cần thiết đối với tổ chức.

Đằng sau việc gia nhập SCO của Iran -0
Iran ký bản ghi nhớ về các nghĩa vụ để trở thành thành viên đầy đủ của SCO.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian thông báo trên Twitter về việc ký kết biên bản ghi nhớ. Ông viết rằng, Iran đã bước vào một giai đoạn mới với nhiều hợp tác kinh tế, thương mại, vận chuyển và năng lượng. Kể từ khi thành lập vào năm 2001, SCO chỉ kết nạp thành viên mới một lần, khi đơn đăng ký gia nhập của Ấn Độ và Pakistan được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh năm 2015. Đáng chú ý, Belarus cũng đã chính thức nộp đơn đăng ký trở thành thành viên đầy đủ.

Tính toán địa chính trị

Các thành viên SCO tạo ra 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Bởi Nga, Trung Quốc, Belarus và Iran đều đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây nên việc hợp tác theo các hình thức Á-Âu trở nên quan trọng.

Đặc biệt, Trung Quốc đã chứng kiến mối quan hệ của họ với phương Tây trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây sau những căng thẳng về vấn đề Đài Loan. Xung đột Ukraine đã làm gián đoạn quan hệ của Nga với châu Âu. Đối với Iran, các cuộc đàm phán tại Vienna vẫn không giúp họ đạt được thỏa thuận hạt nhân mới, khiến Tehran vẫn bị cô lập với thị trường năng lượng.

Hơn nữa, cần nhấn mạnh rằng ngày càng có nhiều quốc gia Á-Âu thay thế đồng USD bằng đồng nội tệ trong giao thương, như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, Ấn Độ-Nga và Iran-Nga. Bước tiến mới này sẽ đưa Tehran đến gần hơn với Moscow. Iran và Nga đã tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực, đặc biệt là sau các sự kiện ở Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran và đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế hỗn hợp Iran-Nga, Javad Ovji, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng đáng kể vào năm 2022. Mục tiêu của họ là đạt 40 tỷ USD, tăng từ con số 4 tỷ USD trong năm 2021. Trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tehran ngày 19-7, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran và nhà sản xuất khí đốt của Nga Gazprom đã ký biên bản ghi nhớ trị giá khoảng 40 tỷ USD. Các nhà chức trách Iran cho biết Gazprom sẽ hỗ trợ Iran phát triển các mỏ khí đốt Kish và North Pars. Hai nước cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự.

Mặc dù các chuyên gia phương Tây tin rằng định dạng SCO vẫn lỏng lẻo nhưng quá trình kết nạp thành viên đã củng cố tình hình kinh tế của Iran. Vào tháng 7-2022, phát ngôn viên Cơ quan Hải quan Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRICA), Ruhollah Latifi, tuyên bố rằng xuất khẩu phi dầu mỏ của Iran sang các nước SCO đã tăng 20% trong quý 2 năm 2022, đạt tổng trị giá 5,5 tỷ USD.

Tư cách thành viên SCO mang đến cho Tehran một diễn đàn ngoại giao để theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực Trung Á. Về phần mình, các chính phủ Trung Á coi Iran là một trung tâm trung chuyển tiềm năng. Tehran đã phát triển cơ sở hạ tầng cảng có thể phục vụ quá cảnh hàng hóa quốc tế và nằm trong các hành lang quốc tế quan trọng: Hành lang giao thông Bắc - Nam quốc tế (INSTC), Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ngoài ra, hợp tác với Iran cũng rất cần thiết trong lĩnh vực quân sự. Tehran đóng một vai trò quan trọng trong các kịch bản chiến lược như Syria và Afghanistan.

Chưa thể xóa bỏ tình trạng cô lập

Trong bối cảnh bế tắc về các cuộc đàm phán hạt nhân, chính sách "Xoay trục về hướng Đông" và nỗ lực trở thành thành viên SCO là những phản ứng của Iran trước sức ép của phương Tây cũng như sự thay đổi địa chính trị toàn cầu và khu vực. Trái ngược với những gì nhiều người mong đợi, tư cách thành viên SCO không thể làm được gì nhiều trong việc đáp ứng nguyện vọng chiến lược của Iran. SCO, ở mức tốt nhất, là khuôn khổ để các thành viên mở rộng quan hệ song phương. Nó không đại diện cho bất kỳ giải pháp thể chế hiệu quả nào để xóa bỏ sự cô lập của Iran trên trường quốc tế.

Theo nhiều nhà quan sát kinh tế, SCO sẽ không trở thành một liên minh để kháng cự các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong ngắn hạn. Thay vì những thành tựu chính trị hoặc kinh tế lớn, thành tựu chính của Iran từ thắng lợi ngoại giao này trong ngắn hạn có thể chỉ giới hạn ở các hoạt động ngoại giao đa phương.

Iran coi việc gia nhập SCO là đòn bẩy chống lại Mỹ vào thời điểm các cuộc đàm phán hạt nhân đang trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên SCO không muốn “liên quan” đến mối thù địch giữa Iran và Mỹ. Họ cũng coi Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập là "đối tác đối thoại". Điều này cũng đúng với những nỗ lực của Nga nhằm nêu bật bản sắc địa chính trị chống phương Tây của SCO, khi các quốc gia thành viên vẫn đang chia rẽ về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ít nhất là trong ngắn hạn, SCO không có khả năng đưa ra bất kỳ cơ chế thay thế hiệu quả nào để đáp ứng các ưu tiên kinh tế và an ninh của Iran chừng nào phương Tây vẫn duy trì các lệnh trừng phạt và thái độ thù địch với Iran. Tuy nhiên, tư cách thành viên SCO mang lại cho Iran một mức độ uy tín quốc tế và đòn bẩy chính trị để củng cố khả năng thương lượng của nước này trong đàm phán với Mỹ.

Bích Vân (Tổng hợp)
.
.