Dấu hỏi về “quyền lực mềm” trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Interpol
Hạ tuần tháng 11, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã bầu chọn tướng Ahmed Naser al-Raisi đến từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) làm Chủ tịch. Điều đáng nói, tướng Ahmed Naser al-Raisi đang là tâm điểm tranh cãi và kiện cáo của các tổ chức nhân quyền trên thế giới.
Những cáo buộc
Cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng lần thứ 89 của Interpol tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). "Ông Ahmed Nasser al-Raisi của UAE đã giành chiến thắng sau 3 vòng bỏ phiếu và được bầu làm Chủ tịch Interpol nhiệm kỳ 4 năm với khoảng 69% số phiếu bầu. Ông được chọn thay cho ứng cử viên khác trong cuộc đua gồm: Sarka Havrankova, Giám đốc Đoàn Chủ tịch Cảnh sát Cộng hòa Czech và đương kim Phó Chủ tịch Interpol phụ trách châu Âu Šárka Havránková", thông cáo của Interpol trên Twitter có đoạn viết.
Đại diện của Interpol cũng cho biết thêm tướng al-Raisi đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các quốc gia thành viên. Bên cạnh việc chọn một chủ tịch mới, các quốc gia thành viên Interpol đã thảo luận để thay thế hầu hết ủy ban điều hành của cơ quan này. Tuy nhiên, đến nay những thay đổi trong Interpol đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức nhân quyền. Một số tổ chức còn cáo buộc ông al-Raisi vi phạm nhân quyền vì đã tham gia giám sát nhiều vụ việc ở UAE bao gồm tra tấn, lạm dụng tình dục, giam giữ tùy tiện và cưỡng chế mất tích.
Ngay thời điểm diễn ra bầu cử ở Interpol (ngày 24 và 25-11), hai người Anh là Matthew Hedges (34 tuổi) và Ali Issa Ahmad (29 tuổi) đã đâm đơn kiện tướng al-Raisi và yêu cầu ông phải chịu trách nhiệm về việc họ bị ngược đãi ở UAE. Hedges là một nghiên cứu sinh bị giam cầm ở UAE gần 7 tháng vào năm 2018 sau khi bị buộc tội làm gián điệp. Ông cho biết bản thân và gia đình đã bị đe dọa "bởi các dịch vụ an ninh của UAE trong một tòa nhà mà tướng al-Raisi có trách nhiệm quản lý”.
Sau này, Hedges được Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan ân xá. Còn Ahmad thì bị giam giữ vào năm 2019 vì mặc áo phông có cờ Qatar khi hai quốc gia Trung Đông có tranh chấp ngoại giao. Ahmad kể anh đã bị đánh đập, không được ăn, uống và ngủ. Hai người này đã khởi động các vụ kiện pháp lý chống lại Tướng al-Raisi tại Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hỗ trợ của luật sư Rodney Dixon. Họ còn khiếu nại với cảnh sát Thụy Điển về việc bắt giữ tướng al-Raisi khi ông đến đất nước này để vận động tranh cử trước cuộc bỏ phiếu. Một yêu cầu tương tự cũng được Hedges và Ahmad đưa ra với cơ quan cảnh sát Na Uy...
Hãng tin CNN cho hay, ngoài ra tướng al-Raisi còn phải đối mặt với 4 vụ kiện pháp lý ở 4 quốc gia khác nhau, trong đó có Pháp. Trước đó, hồi tháng 6, Trung tâm Nhân quyền Vùng Vịnh đã nộp đơn khiếu nại hình sự chống lại al-Raisi tại Paris (Pháp). Đơn kiện cáo buộc ông chịu trách nhiệm cho việc tra tấn Ahmed Mansoor, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của UAE bị bắt vào năm 2017.
Nghi ngờ về quyền lực mềm của UAE
Thực tế, trong cuộc bầu cử hôm 25-11, tướng al-Raisi chỉ phải đấu với ứng cử viên sáng giá duy nhất là Šárka Havránková - người đang giữ chức Phó Chủ tịch Interpol. Hãng tin Reuters cho hay, trước thềm cuộc bầu cử, ông al-Raisi đã thực hiện các chuyến công du quốc tế để gặp gỡ các nhà lập pháp và quan chức các chính phủ, vận động họ bỏ phiếu cho mình. Ruth Michaelson của hãng The Guardian nhận định, UAE đã hậu thuẫn tướng al-Raisi trong quá trình tranh cử và đây là một "chiến thắng lớn về quyền lực mềm" cho UAE.
Được biết, những năm gần đây, UAE đầu tư rất nhiều vào Interpol. Năm 2017, UAE cam kết tài trợ 56 triệu USD cho tổ chức này, xấp xỉ 1/3 ngân sách hằng năm của lực lượng, khiến một số nhóm nhân quyền cáo buộc UAE đang cố gắng mua chuộc sự ảnh hưởng.
Bruno Min, Giám đốc pháp lý tại Fair Trials, một tổ chức có trụ sở tại Anh, cho biết: “Cho đến nay, quy trình bầu cử trong Interpol vẫn chưa rõ ràng, có nghĩa là không thể có sự giám sát công khai về quy trình và cách các ứng cử viên đã được kiểm tra. Nếu không có điều này, chúng tôi không có cách nào biết được những gì mong đợi từ các ứng viên đối với cam kết của họ trong vấn đề nhân quyền".
Nhiều nhà phân tích khác thì bày tỏ quan ngại về việc tướng al-Raisi dường như muốn thay đổi các chính sách của Interpol. Lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông nhằm tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại tại Interpol được một số người coi là tham chiếu đến các công cụ giám sát điện tử đang được sử dụng bởi một số ít quốc gia. Theo quy định, Interpol được điều hành bởi Tổng Thư ký - hiện là ông Jurgen Stock, người Đức - người đã tái đắc cử năm 2019 với nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch chỉ thực hiện vai trò giám sát, hướng dẫn chỉ đạo chung đồng thời chủ trì các đại hội đồng và cuộc họp của ủy ban điều hành.
Tướng al-Raisi gia nhập lực lượng cảnh sát Abu Dhabi vào năm 1980 với tư cách là thành viên của "chi nhánh báo trộm". Ông thăng cấp trở thành Tổng Giám đốc điều hành trung tâm vào năm 2005. Ông nhận bằng cử nhân khoa học máy tính của Đại học Otterbein năm 1986, bằng tốt nghiệp về quản lý cảnh sát của Đại học Cambridge năm 2004, bằng MBA của Đại học Coventry năm 2010 và bằng tiến sĩ từ Đại học London Metropolitan năm 2013. Từ năm 2015, ông đảm nhận chức Tổng Thanh tra Bộ Nội vụ UAE.
Al-Raisi được mô tả là một người có “cá tính, năng động, mạnh mẽ, hoạt động đa dạng trong và ngoài cơ quan an ninh". Ông là đồng tác giả cuốn “Tác động xã hội & an ninh của internet” được xuất bản bởi Trung tâm nghiên cứu và chiến lược năm 2009. Từ năm 2018, tướng al-Raisi là thành viên của Ủy ban điều hành Interpol và là đại biểu của các quốc gia châu Á tại tổ chức này.