Đông Nam Á với kế hoạch giảm thải Carbon
Một số quốc gia Đông Nam Á đang trên đà phát triển đáng kể năng lượng tái tạo trong ngắn hạn, nhưng còn có những hạn chế về công nghệ, chính trị và tài chính, cùng các yếu tố khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa với việc khó đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng trong dài hạn.
Giống như phần lớn các nước trên thế giới, tất cả các nước Đông Nam Á đều có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và, trong hầu hết các trường hợp, đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong những thập kỷ tới. Brunei, Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Singapore đều đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, trong khi Indonesia có kế hoạch đạt mục tiêu tương tự vào năm 2060.
Myanmar, quốc gia đang nội chiến, cũng duy trì mục tiêu chính thức là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 ở một số lĩnh vực thâm dụng đất đai nhất định - mục tiêu cao đối với một quốc gia có ngành nông nghiệp quy mô lớn. Philippines là thành viên duy nhất của ASEAN chưa chính thức công bố mục tiêu trung hòa carbon, nhưng đã đặt mục tiêu giảm 75% lượng khí thải carbon trong khung thời gian 2020-2030. ASEAN cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon cho toàn khối vào năm 2060.
Có điều, mặc dù những quốc gia này đều đưa các kế hoạch giảm phát thải carbon táo bạo vào luật pháp và chính sách, nhưng các mục tiêu phát triển kinh tế lại cho thấy khoảng trống trong kế hoạch trung, dài hạn. Các quốc gia trong ASEAN, trừ Singapore, đều có nền kinh tế đang phát triển. Điều này có nghĩa là nhu cầu năng lượng sẽ tăng trong những năm tới, khi đặt mục tiêu tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các công nghệ tái tạo.
Do đó, các nước ASEAN sẽ phải cân bằng cam kết trung hòa carbon với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng. Có thể nói Indonesia có động cơ lớn hơn cả bởi Jakarta mong muốn trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2050. Nhìn chung, các nước ASEAN đều mong muốn đạt mức tăng trưởng GDP hằng năm tương tự để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, vốn đòi hỏi phải gia tăng mức tiêu thụ năng lượng - điều mà năng lượng tái tạo khó có thể đáp ứng nếu không có nguồn nhiên liệu hóa thạch bổ sung đáng kể.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) dự báo nhu cầu năng lượng của các nước ASEAN sẽ tăng trung bình hằng năm 3% đến năm 2030. Chính phủ các nước Đông Nam Á luôn thận trọng để tránh làm tăng gánh nợ, nhất là khi hầu hết các nước này đều vay nợ nhiều trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một mình khu vực tư nhân sẽ không thể đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo để các quốc gia này đạt được mục tiêu trung hòa carbon - nhất là khi bối cảnh pháp lý khó lường vẫn phổ biến ở nhiều nơi trong khu vực và than đá vẫn là ngành có lãi lớn.
ASEAN sẽ tiến gần đến việc hoàn thành các mục tiêu tái tạo ngắn hạn, nhưng sẽ chỉ có một số quốc gia thành viên đóng góp đáng kể vào mục tiêu này. Theo báo cáo tháng 1/2024 của Cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), công suất năng lượng mặt trời và gió ở ASEAN đã đạt 28 Gw trong năm 2024, chiếm 9% mức tiêu thụ năng lượng của khối. Đây là bước tiến lớn ảnh hưởng tới mục tiêu của khối là đến cuối 2025, năng lượng tái tạo chiếm 35% tổng năng lượng.
Theo báo cáo, các nước ASEAN chỉ cần lắp đặt thêm thiết bị năng lượng mặt trời và gió ở quy mô tiện ích với công suất 17 Gw trong 2 năm tới - cụ thể là những thiết bị được kết nối trực tiếp với lưới điện - để đáp ứng mục tiêu trên. Báo cáo cũng nêu rõ, ASEAN đang trên đà bổ sung 23 Gw thông qua các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo hiện đã được lên kế hoạch. Chỉ riêng Philippines và Việt Nam đã chiếm 80% tổng tiềm năng năng lượng mặt trời và gió của khu vực, với công suất năng lượng mặt trời và gió dự kiến lần lượt là 99 và 86 Gw Cho đến nay, hai nước đã đóng góp lần lượt 19 và 3 Gw vào tổng sản lượng của ASEAN. Thái Lan cũng đóng góp 3 Gw năng lượng gió và mặt trời.
Theo báo cáo khoảng cách phát thải năm 2023 của Liên hợp quốc, Indonesia chuẩn bị đạt được mục tiêu giảm phát thải. Tuy có quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng Lào vẫn tự hào là quốc gia có công suất năng lượng gió và mặt trời tiềm năng trên 3 Gw. Điều này có nghĩa là trong hầu hết các trường hợp, mục tiêu giảm phát thải ngắn hạn trong toàn khối ASEAN là khả thi. Tuy nhiên, Lào, Brunei và thành viên sắp tới của ASEAN là Timor Leste hiện không có dự án năng lượng mặt trời hay gió với quy mô tiện ích nào đang hoạt động. Các nước ASEAN cũng đang đặt cược vào năng lượng hạt nhân như một cách để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải xóa bỏ sự hoài nghi của công chúng đối với nó.
Nhu cầu năng lượng trong tương lai dựa vào tăng trưởng kinh tế có nghĩa rằng các nước ASEAN cần đầu tư đáng kể vào công nghệ năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu của mình, nhưng viện trợ nước ngoài khó có thể lấp đầy mọi khoảng trống. Nhiên liệu hóa thạch, vì thế, sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong cơ cấu năng lượng của ASEAN trong tương lai gần, bất chấp các kế hoạch quốc gia và toàn khối nhằm loại bỏ chúng vào giữa thế kỷ, vì khu vực sẽ tiếp tục dựa vào công nghệ hydrocarbon để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những hạn chế như chi phí cao, nguồn tài chính hạn chế và cơ hội sinh lời cho đầu tư tư nhân giảm - cùng với các cải cách chính sách năng lượng chưa hoàn thiện và đôi khi mâu thuẫn nhau - cũng sẽ làm chậm tiến trình triển khai năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Một số sáng kiến giúp khu vực dịch chuyển khối nhiên liệu hóa thạch đang được thực hiện, chẳng han như Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) và Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) lần lượt kết nối các nước đang phát triển với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ G7.