Dự án cải cách “Macron 2.0” bị đặt dấu hỏi

Thứ Năm, 02/06/2022, 22:06

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ thực hiện một số biện pháp kinh tế để cải thiện tình hình đất nước. Tuy nhiên, thực tế khó khăn hiện nay khiến những cam kết này bị hoài nghi và có lẽ chủ nhân Điện Élysée sẽ không thể né tránh một cuộc cải cách triệt để về chính sách kinh tế.

Kinh tế Pháp trước nguy cơ hứng “bão”

Kể từ lúc Tổng thống Pháp Macron công bố kế hoạch cải cách, tình hình kinh tế đã có những thay đổi và ông sẽ khó giữ cam kết với cử tri nếu không xem xét điều chỉnh các dự án cải cách “ngốn rất nhiều ngân sách” này.

Nền kinh tế Pháp hiện đối mặt với nhiều khó khăn. Trên cơ sở đà phục hồi lịch sử 7% trong năm 2021, chính phủ dự tính mức tăng trưởng 4% cho năm 2022. Nhưng, thực tế là nền kinh tế đã chứng kiến một sự đình trệ rõ ràng trong cả quý đầu năm nay. Cùng lúc đó, lạm phát tăng vọt lên 7%, vượt ra ngoài lá chắn giới hạn trần tăng giá năng lượng. Thậm chí, lạm phát có thể đạt đỉnh 10% vào cuối năm, lan rộng ra tất cả các lĩnh vực, tác động đến tất cả các thành phần kinh tế, xã hội bởi sự gia tăng của các đòi hỏi về tiền lương.

Dự án cải cách “Macron 2.0” bị đặt dấu hỏi -0
Bất chấp kinh tế suy giảm, ngành công nghiệp Pháp vài năm qua không bị mất việc làm.

Theo giới phân tích, Pháp đang trải qua cú sốc kép về cung và cầu, điều chưa từng xảy ra kể từ cú sốc dầu mỏ hồi thập kỷ 70. Xét ở góc độ cung, các khó khăn về nguồn cung ứng và giá năng lượng cao, nguyên liệu thô leo thang chóng mặt đã kìm hãm sản xuất và thu hẹp dư địa hành động của các doanh nghiệp. Nếu tình hình ổn định, việc điều chỉnh theo hướng giảm đầu tư và việc làm sẽ là điều không thể tránh khỏi. Xét ở góc độ cầu, lạm phát dẫn đến mất sức mua và hệ quả là tiêu dùng giảm, đặc biệt đối với 20% số hộ gia đình thiếu thốn đã sử dụng hết tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Kinh tế Pháp cuối cùng cũng rơi vào thâm hụt kép về tài khoản vãng lai và các khoản thu ngân sách. Mặc dù đã chậm lại, thương mại vẫn ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 31 tỷ euro trong quý I-2022 và 100 tỷ euro trong 12 tháng tính đến hết ngày 31-3 vừa qua. Nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai là do giá năng lượng tăng vọt và nhập khẩu tăng 20% trong khi mất thị phần xuất khẩu. Hỗ trợ tiêu dùng lấy từ nợ công chiếm 61% suy giảm trong cán cân thương mại của nước này. Đây chính là nguyên nhân làm suy yếu, giam hãm nền công nghiệp Pháp trong vòng xoáy tích tụ của việc mất thị phần, thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu kỹ năng và thiếu đầu tư vào đổi mới. Việc nhà nước hỗ trợ tiêu dùng thông qua trợ cấp năng lượng và lương thực sẽ khuếch đại thâm hụt kép, trong khi mang lại ích lợi về xuất khẩu cho các đối thủ cạnh tranh của Pháp.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi lạm phát dẫn đến tăng lãi suất - một kịch bản khó tránh. Lãi suất tăng thêm 1 điểm phần trăm đồng nghĩa với việc gánh nợ của Pháp sẽ bị chất thêm 40 tỷ euro trong 10 năm. Tài chính công của Pháp - được đánh giá là yếu nhất trong Khu vực đồng euro do quy mô của thâm hụt cơ cấu - càng chịu thêm áp lực của việc tăng lãi suất diễn ra đúng thời điểm Pháp đang cần các khoản đầu tư lớn cho các dự án cải cách giáo dục và y tế, hỗ trợ đổi mới hoặc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái.

Nhiều áp lực với dự án “Macron 2.0”

Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Macron khẳng định ông sẽ thực hiện mục tiêu tái công nghiệp hóa đất nước bằng mọi cách. Sau nhiều năm suy giảm, ngành công nghiệp đã may mắn không mất thêm việc làm kể từ năm 2018. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao tăng tốc để lấy lại nền tảng đã mất. Áp lực trở nên lớn hơn nếu xét ở góc độ liên quan chủ quyền quốc gia.

Tình trạng khan hiếm khẩu trang, thuốc, máy thở cũng như các linh kiện điện tử ở giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng COVID-19, kết hợp với việc giá nguyên liệu thô tăng đáng kể do cuộc xung đột ở Ukraine, đột nhiên cho thấy sự phụ thuộc của Pháp vào các đối tác thương mại quốc tế. Ông Macron đang trông chờ vào kế hoạch “France 2030” (Nước Pháp năm 2030), được công bố hồi mùa thu năm ngoái, để ứng phó với thách thức này. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ đầu tư 34 tỷ euro cho nhiều lĩnh vực tương lai, như vũ trụ, nông nghiệp, kỹ thuật số hoặc năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ở thời điểm lãi suất tăng, các khoản đầu tư cần thiết này có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu.  

Mục tiêu toàn dụng lao động vào năm 2027 trở nên phức tạp hơn: Theo logic kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp giảm và tạo việc làm có tương quan cơ học với tăng trưởng kinh tế. Bất kỳ thay đổi nào trong nền kinh tế đều tác động trực tiếp đến thị trường lao động. Bởi vậy, sự đình trệ của hoạt động kinh tế hiện nay, chiến tranh ở Ukraine hoặc các biện pháp giới hạn nghiêm ngặt chống COVID-19 ở Trung Quốc đều làm phức tạp thêm mục tiêu của Tổng thống Pháp là đảm bảo việc làm cho tất cả người lao động vào năm 2027. Tất cả những yếu tố trên gây khó khăn hơn cho việc hiện thực hóa dự án cải cách mà Tổng thống Macron đã hứa.

Mục tiêu bảo vệ sức mua đòi hỏi rất nhiều ngân sách trong bối cảnh thâm hụt tài khoản công lớn. Ông Macron đã hứa với cử tri Pháp rằng sẽ bảo vệ họ thông qua một đạo luật tài chính sửa đổi dự kiến thực hiện vào tháng 7 tới, bao gồm một gói biện pháp có lợi cho các hộ gia đình, nằm ngoài 25 tỷ euro đã cam kết trong những tháng gần đây (phiếu thực phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn nhất, duy trì “lá chắn” thuế đối với điện và khí đốt, gia hạn chế độ bù giá 18 cent/lít xăng, đánh giá lại chế độ hưu trí, thu nhập tối thiểu và hệ số công chức... Đạo luật sửa đổi có nguy cơ không được thông qua nếu xét đến tổng chi dự kiến và các khó khăn về kinh tế cấu trúc trước mắt, khiến ngân sách có thể bội chi thêm vài chục tỷ euro. Ngoài ra, cắt giảm thuế nếu được thực hiện như cam kết sẽ chất thêm gánh cho ngân sách. Vì vậy, ông Macron có thể sẽ phải đánh giá lại lộ trình cắt giảm một số loại thuế nhất định mà ông đã hứa.

Trần Anh
.
.