Đức: Ông Olaf Scholz đứng đầu chính phủ mới
Ngày 24-11, sau 2 tháng thương thảo quyết liệt, các đảng Dân chủ xã hội (SPD), Xanh (Green) và Dân chủ Tự do (FPD) đã đồng ý ký vào bản thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền, thành lập chính phủ mới, với ông Olaf Scholz của đảng SPD làm thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel.
Người ta gọi liên minh 3 đảng vừa hình thành là Liên minh “đèn giao thông” bởi màu sắc chính trị của 3 đảng này trùng hợp với 3 màu đèn tín hiệu giao thông - đỏ (SPD), xanh (Green) và vàng (FPD). Đây là liên minh 3 đảng đầu tiên trong lịch sử nước Đức và cũng là chính phủ đầu tiên lấy việc ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng khí hậu làm ưu tiên hàng đầu trong nghị trình. Xét về độ tuổi thì đây cũng là chính phủ trẻ tuổi nhất.
Theo thỏa thuận, ông Scholz được chọn làm thủ tướng do có uy tín cao nhất trong cử tri, đã lãnh đạo đảng SPD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26-9 vừa qua. Bên cạnh chiếc ghế thủ tướng của ông Scholz, bà Annalena Baerbock của đảng Green sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trong khi Robert Habeck, đồng lãnh đạo đảng Green sẽ trở thành “siêu bộ trưởng” khi nắm giữ chức Bộ trưởng Kinh tế kiêm các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ông Christian Lindner, lãnh đạo của đảng FPD sẽ được giao nắm giữ chức Bộ trường Tài chính thay ông Scholz và ông Hubertus Heil (cũng của đảng SPD) sẽ là bộ trưởng duy nhất của nội các cũ tiếp tục tham gia nội các mới, giữ ghế Bộ trưởng Lao động.
Hình thành trên cơ sở thỏa thuận 3 đảng là một sự kiện gây chú ý của liên minh “đèn giao thông”, đồng thời làm nảy sinh vấn đề khiến nhiều người băn khoăn: liên minh sẽ vận hành như thế nào trong thời gian tới, với nhiều khác biệt trong chủ trương, đường lối chính trị? Thách thức lớn nhất trước mắt sẽ là làm sao để kiểm soát làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất của nước Đức kể từ khi đại dịch bắt đầu, đặc biệt là làm sao để tăng số lượng tiêm chủng.
Việc liên minh đặt ưu tiên cho chính sách ứng phó với khủng hoảng khí hậu là dấu hiệu của một thỏa thuận mang tính “thời điểm” để đạt được mục tiêu chính trị. Các bên đã đồng ý cam kết loại bỏ dần than vào năm 2030, về nguyên tắc là loại bỏ các động cơ đốt trong và chấm dứt sản xuất điện từ khí đốt vào năm 2040. Đảng Green đã thúc đẩy một chương trình đầu tư khổng lồ để chống lại biến đổi khí hậu, cũng như củng cố cơ sở hạ tầng lạc hậu của Đức. Trong chiến dịch tranh cử, đảng Green cam kết tăng thuế và nới lỏng các quy định về nợ để giải phóng nguồn tiền nhằm trang trải chi tiêu gia tăng. Nhưng FDP, vốn nổi tiếng về sự thận trọng tài chính, đã loại trừ việc tăng thuế và nới lỏng “phanh nợ”. Với việc ông Lindner của FDP ngồi vào ghế Bộ Tài chính, nhiều người dự báo chủ trương của FDP sẽ định hình chính sách tiền tệ của chính phủ mới mạnh hơn so với chính sách của đảng Green.
Trong liên minh như thế, ông Scholz nổi lên với tư cách là người đứng đầu liên minh, là Thủ tướng Đức. Trong thời gian tới, ông sẽ đóng vai trò then chốt quyết định sự thành bại của liên minh, cũng là người sẽ chèo lái con thuyền nước Đức đi theo hướng nào, đi như thế nào, có xuôi chèo mát mái hay không?
Trong chính quyền cũ do bà Merkel lãnh đạo, ông Scholz là Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng - các vị trí ông đã đảm nhiệm từ năm 2018 trong một chính phủ “đại liên minh” bao gồm đảng SPD của ông cùng với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel. Khi đại dịch xảy ra, ông Scholz đưa ra chính sách “nới lỏng hầu bao”, nhờ vào chính sách tài khóa của Đức trong những năm trước đã tạo ra không gian để chi tiêu khi khủng hoảng COVID-19 xảy ra. Đức đã tung ra gói kích thích trong nước trị giá 130 tỷ euro và Bộ Tài chính của ông cũng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thông qua kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro của EU. Tuy nhiên, sự hào phóng của ông cũng có giới hạn. Ông muốn Đức áp dụng lại các quy định nghiêm ngặt về “phanh nợ" vào năm 2023 nhằm mục tiêu hạn chế việc chi tiêu quá trớn gây thâm hụt ngân sách. Ông cũng phản đối việc nới lỏng các quy tắc tài chính của EU theo ý muốn của Pháp và Italy.
Ông Scholz là một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất của Đức. Là người phụ tá đáng tin cậy của Thủ tướng Gerhard Schroder, cùng của đảng SPD, vào đầu những năm 2000, ông Scholz tiếp tục đảm nhận các trọng trách ở cấp nội các (Bộ trưởng Lao động) và cấp khu vực (Thị trưởng Hamburg, quê hương ông). Tính cách cá nhân của ông mang đậm bản sắc của những cư dân thành phố phía Bắc nước Đức: thực dụng, nói năng đơn giản và theo đạo Tin lành. Vào đầu những năm 2000, ông được mệnh danh là "Scholz-o-mat" vì phong thái kiểu “người máy” của mình. Đúng như những gì người ta nói, ông Scholz đã không cho phép mình ngủ quên trên chiến thắng khiến SPD có thể vướng vào nguy cơ đổ vỡ. Ông sẵn sàng chấp nhận lùi lại phía sau trong khi các đối tác liên minh Greens và FDP bắt đầu đàm phán với nhau.
Vậy ông Scholz muốn làm gì cho nước Đức? Ông đã hứa sẽ xây thêm nhà để ngăn chặn việc tăng giá thuê và có thể sẽ tạo ra một làn sóng xây dựng nhà ở kỷ lục ở Hamburg. Ông cũng cam kết hành động nhanh hơn về vấn đề khí hậu mà không gây nguy hiểm cho việc làm và biến nước Đức thành nước xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh hàng đầu. Ưu tiên trước mắt là tăng mức lương tối thiểu giờ từ 9,6 lên 12 euro. Đây không phải là những lời hứa cấp tiến nhưng chúng hàm chứa những lời cam kết theo đường lối dân chủ-xã hội để thỏa mãn phe cánh tả trong đảng của ông Scholz. Sự cẩn trọng và năng lực, những đặc điểm nổi bật của ông, đã mang lại cho Scholz một chặng đường dài. Bây giờ chúng đang trở thành thứ cần thiết để ông chuẩn bị ngồi vào chiếc ghế thủ tướng.
Với việc ông Scholz lên làm thủ tướng, đây sẽ là chiến thắng lần thứ 4 của đảng SPD và đánh dấu sự quay trở lại cầm quyền của đảng này sau 16 năm rơi vào tay liên đảng CDU/CSU của bà Merkel. Người ta đang chờ đón một nước Đức sẽ hành động như thế nào trong làn sóng COVID thứ 4 này.