Cựu Tổng thống Gruzia: Được làm Vua, thua làm… Thống đốc
Giới bình luận chính trị am hiểu đều thống nhất với nhận định rằng, động thái bổ nhiệm cựu Tổng thống Gruzia làm người đứng đầu một khu vực hành chính quan trọng của Ukraine, cũng là địa bàn chiến lược tiếp giáp biển Đen, có thể làm gia tăng mối căng thẳng hiện hữu giữa Kiev và Moscow.
Lưu vong là để… hồi sinh
Sinh năm 1967, Mikhail Saakashvili lên làm Tổng thống Gruzia sau cuộc "Cách mạng hoa hồng" ở Gruzia vào tháng 11/2003, mở màn cho phong trào "cách mạng màu" ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Saakashvili tại nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp, từ tháng 1/2004 đến tháng 11/2013.
Thời còn làm Tổng thống Gruzia, Saakashvili rất được giới chính khách phương Tây ưa chuộng bởi quan điểm thân phương Tây, cùng ước muốn đưa Gruzia gia nhập NATO, EU, và đặc biệt là dám chống lại nước Nga hùng mạnh của Tổng thống Vladimir Putin, điển hình là cuộc chiến 5 ngày vào tháng 8/2008.
Tuy nhiên, giai đoạn cuối nhiệm kỳ Tổng thống của Saakashvili không mấy êm đẹp, với loạt sự kiện khủng hoảng chính trị, khiến Saakashvili từ người hùng của "Cách mạng hoa hồng" trở thành kẻ tội đồ do chính sách lãnh đạo ngày càng độc đoán.
Chính vì thế, nếu rời ghế tổng thống, tương lai sẽ không được tốt đẹp cho Saakashvili. Cho nên một tháng sau khi rời khỏi chức vụ, Saakashvili đi khỏi Gruzia và sang Mỹ để tránh lệnh bắt giam của tòa án.
Tổng thống P. Poroshenko cùng Thống đốc M. Saakashvili tiếp xúc với người dân Odessa. |
Quả thật, cuối tháng 7/2014, Viện Công tố thủ đô Tbilisi của Gruzia đã ra quyết định truy tố cựu Tổng thống M. Saakashvili, với các tội danh gian lận, tham nhũng và lạm quyền khi còn đương chức. Cho đến nay, Saakashvili vẫn đang bị truy nã tại Gruzia.
Quá trình lưu vong của Saakashvili được báo chí phương Tây mô tả bằng mỹ từ "tiến trình hồi sinh". Theo cách mô tả đó thì Saakashvili đã trải qua giai đoạn hồi sinh kỳ lạ hơn bất kỳ chính khách nào khác trên thế giới, đặc biệt là bởi ông từng là một nguyên thủ quốc gia.
Sau khi đến Mỹ, Saakashvili nhận lời làm giáo sư giảng dạy và là nhà quản lý của Đại học Tufts, bang Massachusetts. Saakashvili chuyển đến ở tại khu Brooklyn nổi tiếng của thành phố New York.
Đầu năm 2015, Saakashvili đến Ukraine. Ngày 13/2, Saakashvili đã được Tổng thống Ukraine Poroshenko bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Tư vấn quốc tế về cải cách (IACR), một cơ quan quy tụ các chuyên gia nước ngoài có nhiệm vụ tư vấn cũng như đưa ra các đề xuất và kiến nghị để thực hiện công cuộc cải cách kinh tế - chính trị ở Ukraine, dựa trên sự đúc kết những kinh nghiệm quốc tế thành công nhất.
Mikhail Saakashvili với tấm thẻ công dân mới. |
Đây là sự kiện đánh dấu sự "hội ngộ" của những kẻ có cùng chung mối "hận thù" trên chiến tuyến cùng chống "gấu Nga". Và đến ngày 30/5 vừa qua, Tổng thống Poroshenko chính thức trao cho Saakashvili chức vụ Thống đốc vùng Odessa, nơi có hải cảng lớn nhất Ukraine nằm trong biển Đen, cách bán đảo Crimea và khu vực ly khai Transnistria của Moldova không xa.
Trước thời điểm công bố danh tính người sẽ thay thế vị Thống đốc vùng Odessa chuẩn bị mãn nhiệm, Tổng thống Poroshenko đã trịnh trọng trao cho ông Saakashvili thẻ công dân đặc biệt, chính thức công nhận quốc tịch Ukraine của cựu Tổng thống Gruzia.
Sau đó cả 2 vị chính khách đã cùng xuất hiện trên Đài Truyền hình Odessa, để người đứng đầu Nhà nước Ukraine giới thiệu với dân chúng địa phương vị Thống đốc mới.
Như thế, Saakashvili đã từ bỏ quốc tịch Gruzia như bỏ đi một vùng quá khứ có nhiều kỷ niệm vinh quang lẫn cay đắng. Ông cũng từ chối chức vụ Phó thủ tướng thứ nhất trước khi nhận làm Thống đốc Odessa.
Phát biểu nhân dịp giới thiệu tân Thống đốc Odessa, Tổng thống Poroshenko đã không tiếc lời ca ngợi "người bạn vong niên" Saakashvili: "Đó là một người bạn lớn của nhân dân Ukraine, một người đàn ông mà tôi quen biết hơn 1/4 thế kỷ trước kể từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Một cá nhân không chỉ bằng lời nói, mà qua hành động thực tiễn đã toát lên những kiến thức và ý tưởng sáng tạo độc đáo, cũng như biết cách thể hiện chúng vào cuộc sống nhằm biến đổi bộ mặt đất nước.
Song hành với đường lối cải cách công khai minh bạch, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng để lôi cuốn các nhà đầu tư nước ngoài, là sự kiến tạo một nền công lý bình đẳng, bảo vệ tính dân chủ và quyền công dân mà bản thân tôi rất muốn những điều đó sẽ đi vào thực tế ở Ukraine nói chung, cũng như tại vùng Odessa nói riêng. Tên của người đàn ông này chính là Mikhail Saakashvili!".
Trong đáp từ, tân Thống đốc M. Saakashvili long trọng cam kết rằng, sẽ "đem hết sức mình cống hiến với khả năng tối đa, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại khu vực trọng yếu này". Ngoài ra, vị tân Thống đốc cũng cho biết về lâu về dài, niềm hy vọng lớn nhất của mình là biến Odessa thành tụ điểm trung tâm của cả khu vực biển Đen.
"Chúng ta cần bắt tay vào việc một cách nghiêm túc nhất, vận dụng những quy tắc mới, tuyển chọn những con người đầy năng lực và nhiệt huyết, nỗ lực đưa Odessa trở thành địa bàn thu hút khách du lịch, cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài gấp cả trăm lần hiện nay", Thống đốc M. Saakashvili nhấn mạnh. Lời đáp từ trước hết được vị tân Thống đốc Odessa nói bằng tiếng Ukraine, rồi sau đó chính ông dịch sang tiếng Nga để khán giả màn ảnh nhỏ hiểu được thấu đáo hơn.
Saakashvili không phải là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất tham gia vào bộ máy chính quyền ở Ukraine hiện nay.
Trước đây, chính Saakashvili cũng từng bổ nhiệm một người Pháp (gốc Gruzia), bà Salome Zurabishvili làm Bộ trưởng Ngoại giao Gruzia, nhưng ở Ukraine thì người nước ngoài hoàn toàn được tham gia vào bộ máy công quyền và được trao quốc tịch. Chẳng hạn, ông Poroshenko đã bổ nhiệm 3 người nước ngoài là Aleksandr Kvitashvili (Gruzia) làm Bộ trưởng Y tế, Aivaras Abromavicius (Litva) làm Bộ trưởng Kinh tế và Natalie Jaresko (Mỹ gốc Ukraine) làm Bộ trưởng Tài chính.
Được biết, ngoài quốc tịch Gruzia và Ukraine, Thống đốc M. Saakashvili còn được cấp quốc tịch Mỹ từ năm 1993, khi ông kết hôn với bà Sandra Roelofs vốn là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng mang 2 quốc tịch Hà Lan và Mỹ.
Được sự giúp sức từ vợ, đến nay ông Saakashvili đã sử dụng thông thạo 5 ngoại ngữ gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Nga và tiếng Ukraine. Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, chức danh Thống đốc vùng có nhiệm kỳ kéo dài 4 năm.
Lợi bất cập hại
Việc Tổng thống Poroshenko bổ nhiệm Saakashvili được giới quan sát đánh giá là con dao hai lưỡi đối với Ukraine và bản thân ông Poroshenko, bởi Saakashvili là một con người nhiều mâu thuẫn khi còn đương nhiệm.
Sống lưu vong, sự nghiệp chính trị trong nước của Saakashvili coi như đã chấm hết, và một lệnh truy nã dành cho ông với tội danh bị cáo buộc là biển thủ công quỹ, mặc dù Saakashvili nói với báo chí phương Tây rằng đó là cáo buộc mang động cơ chính trị.
Điều trớ trêu là Saakashvili lại được phương Tây ca ngợi là một người chủ trương chống tham nhũng triệt để, và các biện pháp chống tham nhũng của ông lúc đương thời được đánh giá là rất hiệu quả và đã giúp mang lại cho Gruzia những tiến bộ rõ rệt về mặt kinh tế. Đó là điểm mâu thuẫn lớn nhất trong những mâu thuẫn vốn có trong cuộc đời làm chính trị của Saakashvili.
Saakashvili cũng được phương Tây tán dương là người hùng với phong cách dân chủ kiểu phương Tây. Thế nhưng, những vụ việc gây bất ổn xã hội và tạo nên khủng hoảng chính trị trong thời gian Saakashvili cầm quyền ở Gruzia vào các năm 2007 và 2012 cho thấy các chính sách được Saakashvili áp đặt thi hành mà không thông qua ý kiến công chúng.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ "soi" hệ thống nhà tù với điều kiện tệ hại vào năm 2012 đã khiến Gruzia rơi vào khủng hoảng chính trị, biểu tình phản đối diễn ra rầm rộ và Saakashvili đã ra lệnh cho quân đội, cảnh sát đàn áp thẳng tay, bắt giam giữ những người đối lập cầm đầu.
Tân Thống đốc Mikhail Saakashvili. |
Giới bình luận chính trị am hiểu đều thống nhất với nhận định rằng, động thái bổ nhiệm cựu Tổng thống Gruzia M. Saakashvili làm người đứng đầu một khu vực hành chính quan trọng của Ukraine, cũng là địa bàn chiến lược tiếp giáp biển Đen, có thể làm gia tăng mối căng thẳng hiện hữu giữa Kiev và Moscow, bởi trong thời gian ông M. Saakashvili làm Tổng thống Gruzia, đã xảy ra xung đột quân sự ác liệt giữa Nga và Gruzia vào tháng 8/2008, kết quả là Tbilisi buộc phải công nhận nền độc lập của 2 nước Cộng hòa tự trị Nam Ossetia và Abkhazia.
Thêm một đồng minh chung chiến tuyến chống Putin là đúng yêu cầu, mong muốn của ông Poroshenko. Nhưng với lai lịch quá khứ có nhiều vấn đề mâu thuẫn khi còn làm Tổng thống Gruzia, cộng với việc chống đối Tổng thống Nga Putin, Saakashvili có thể sẽ tạo thêm một "món nợ" cho Ukraine hơn là một đồng minh hữu ích.
Ngay hôm 30/5, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chê bai việc Ukraine bổ nhiệm Saakashvili làm Thống đốc vùng Odessa là một "trò hề của một gánh xiếc". Và theo đánh giá của giới quan sát, có thể "trò hề" này sẽ trở thành ngòi nổ cho những xung đột mới phát sinh giữa Ukraine và Nga.