G20 tìm lời giải cho các vấn đề “nóng”

Thứ Tư, 16/11/2022, 14:20

Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) diễn ra trong ngày 15 và 16/11 tại Bali, Indonesia. Hội nghị sẽ bàn bạc những vấn đề “nóng” trên thế giới hiện nay, đồng thời cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương bên lề hội nghị. Tổng thống Ukraine được mời dự để phát biểu về cuộc chiến tại Ukraine.

G20 sẽ bàn những vấn đề gì?

G20 bao gồm 19 quốc gia cộng với EU chiếm gần 2/3 dân số toàn cầu, 85% sản lượng kinh tế thế giới và 75% thương mại thế giới. Hội nghị của nhóm này đang ngày càng trở thành tâm điểm gây chú ý thay thế nhóm G7. Không nói thẳng ra nhưng thế giới đang có cái nhìn mới về vai trò của các nhóm (G). Theo đó G7 đang dần đánh mất sự chú ý vì không thể giải quyết được nhiều vấn đề hệ trọng của thế giới, mà chủ yếu là nhóm lợi ích hạn hẹp của các quốc gia được cho là “giàu nhất” thế giới. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự lớn mạnh của các quốc gia đang phát triển, vai trò, vị thế của các nước dần thay đổi và vị thế của các nhóm cũng thay đổi. Vì thế, hội nghị thượng đỉnh G20 hằng năm được chú ý và trông đợi hơn.

7_1668425750_7992_1668425759-1668563309900.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu gặp nhau trực tiếp tại Hội nghị Bali.

Vấn đề bao trùm nhất tại hội nghị lần này sẽ là cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tiếp diễn với những dấu hỏi lớn về cục diện chiến trường, khả năng đàm phán và sự mặc cả trong thương lượng giữa Nga và Mỹ. Mặc dù Tổng thống Vladimir Putin không tham dự hội nghị, nhưng nước Nga cử đại diện là nhà ngoại giao kỳ cựu, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov. Một số thành viên G20 phản đối gay gắt, đề xuất hội nghị thảo luận việc loại nước Nga ta khỏi nhóm G20. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần sự đồng thuận của tất cả thành viên và sẽ rất khó để cả nhóm cùng đi đến quyết định cuối cùng. Chắc chắn rằng đa số các quốc gia và EU sẽ tiếp tục đưa ra quan điểm phản đối Nga trong cuộc chiến Ukraine, những vẫn có một số quốc gia không phản đối Nga và thể hiện quan điểm trung lập, kêu gọi đàm phán để giải quyết xung đột.

Liên quan vấn đề Ukraine, truyền thông phương Tây ngày 14/11 đưa tin Giám đốc CIA William Burns đã gặp người đồng cấp Nga, Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại SVR Sergei Naryshkin tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 14/11 trong một cuộc họp cấp cao hiếm hoi. Giới chức Mỹ khẳng định cuộc gặp không nhằm mục đích đàm phán hòa bình bí mật, khẳng định Mỹ sẽ không tham gia đàm phán hòa bình với Moscow mà không có sự hiện diện của các quan chức Ukraine. Trong nhiều ngày qua, truyền thông thế giới cũng suy đoán rằng một số nhân vật cấp cao của Mỹ muốn Ukraine tham gia đàm phán với Điện Kremlin để chấm dứt chiến tranh. Các quan chức Mỹ cho biết mục đích chính của cuộc gặp là truyền tải “thông điệp về hậu quả của việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân” và thảo luận về các trường hợp người Mỹ bị giam giữ tại nước Nga.

Những vấn đề lớn khác cũng cần sự quan tâm của G20, đó là khủng hoảng năng lượng, lương thực và giá tiêu dùng đang gây ra những khó khăn chung trên phạm vi toàn cầu và có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào đợt suy thoái mới. Bên cạnh đó, vấn đề khủng hoảng khí hậu vừa được mang ra bàn bạc rất nhiều tại Hội nghị Khí hậu toàn cầu COP27 tại Ai Cập cũng sẽ tiếp tục được đặt ra với hội nghị, bởi G20 bao gồm hầu như tất cả các quốc gia chịu trách nhiệm chính gây ra khủng hoảng khí hậu toàn cầu, do đó nhóm này cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với vấn đề này.

Những cuộc gặp bên lề G20

Như thường lệ, sẽ có những cuộc gặp bên lề hội nghị giữa lãnh đạo các quốc gia có mối quan hệ song phương khác nhau. Đáng chú ý nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai ông đã gặp nhau ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Bali để dự hội nghị, 14/11. Hai nhà lãnh đạo của hai siêu cường, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi ông Biden lên làm Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021. Tại cuộc gặp kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề lớn mà hai bên cùng quan tâm.

Thông cáo của hai nước sau cuộc gặp đều cho thấy hai bên vẫn giữ quan điểm của mình, không có sự nhượng bộ hay đồng thuận nào giữa hai nhà lãnh đạo trong các vấn đề thảo luận. Tổng thống Mỹ Biden khẳng định ông giữ nguyên quan điểm từ trước đến nay của Mỹ về vấn đề Đài Loan; cho rằng Mỹ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, nhưng Mỹ yêu cầu Trung Quốc duy trì nguyên trạng eo biển Đài Loan. Về vấn đề tranh chấp thương mại giữa hai nước, quan điểm của hai nhà lãnh đạo cũng khác nhau: Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ-Trung hợp tác cùng có lợi, để cùng làm cho thế giới “ổn định”, trong khi Tổng thống Biden khẳng định Mỹ vẫn sẽ cạnh tranh với Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc cùng tham gia quản lý tốt vấn đề cạnh tranh, không để cho cạnh tranh trở thành xung đột lợi ích.

Các vấn đề khác, như xung đột Ukraine, tình hình Myanmar, an ninh khu vực, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu,... hai bên cũng đưa ra quan điểm khác nhau và đều bảo lưu quan điểm của mình. Trung Quốc không công khai ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine, nhưng cũng không đồng tình với cách Mỹ và các đồng minh phương Tây đối đầu với Nga trong cuộc chiến này. Chỉ duy nhất một vấn đề hai lãnh đạo cùng nhất trí: Không để cho những bất đồng hiện nay leo thang thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ngoài cuộc gặp đáng chú ý giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung, còn có 2 cuộc gặp khác cũng đáng quan tâm, đó là cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Anthony Albanese với Tổng thống Mỹ Joe Biden và với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây sẽ là 2 cuộc gặp mang tính quyết định đến vị thế, các mối quan hệ đối ngoại của Australia. Canberra cần phải tìm kiếm một tư thế cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc nếu muốn duy trì ổn định cả về kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao. Cho nên, có thể nói những cuộc gặp này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Australia hơn là đối với Mỹ và Trung Quốc.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.