Georgia: Chọn hướng đông?
Một bước đi mới của lực lượng chính trị cầm quyền ở Georgia là bầu chọn một người thân Nga, chống EU để làm tổng thống mới trong cuộc bầu cử tại nghị viện ngày 14/12 vừa qua. Đây được xem là sự chọn lựa mang tính lâu dài vì sự ổn định chính trị của một đất nước vốn cũng từng được xem là “điểm nóng” địa chính trị giữa Nga và phương Tây.
Bất ổn vì chống phương Tây
Năm 2024 chứng kiến nhiều sự kiện bất ổn chính trị tại Georgia - một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nằm ngay phía Nam nước Nga. Tháng 5/2024, Georgia thông qua đạo luật mới được gọi là Luật Cơ quan đại diện nước ngoài, với 84 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống. Từ trước khi đạo luật này được thông qua, phe đối lập với sự ủng hộ của tổng thống khi đó là bà Salome Zourabichvili đã vận động cử tri xuống đường biểu tình rầm rộ để phản đối nhằm gây sức ép để ngăn Quốc hội thông qua luật. Tuy nhiên, với đa số ghế do đảng cầm quyền kiểm soát, Quốc hội Georgia vẫn thông qua luật bất chấp sự phản đối của phe đối lập.
Tổng thống Zourabichvili được cho là có quyền phủ quyết đạo luật mới này nhưng đã không làm được và luật vẫn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Jim O’Brien đã bày tỏ lo ngại rằng việc Quốc hội Georgia thông qua dự Luật Cơ quan đại diện nước ngoài có thể là một “bước ngoặt” khác trong lịch sử đầy rắc rối của quốc gia thuộc Liên Xô cũ này. Mỹ xem việc Quốc hội Georgia thông qua luật mới này là đi ngược lại với các tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây nói chung, vì vậy Washington đã đưa ra lời cảnh báo không chỉ về sự bất ổn mà cả về những biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như cắt viện trợ.
Ông O’Brien cho biết, Mỹ đã chi hàng tỷ USD để “tái thiết” Georgia sau khi Liên Xô sụp đổ và hàng trăm triệu USD nữa đã được lên kế hoạch viện trợ về kinh tế và quân sự cho nước này. Tuy nhiên, nhận thấy rằng Chính phủ Gruzia đang ngày càng có xu hướng “liên kết” với Nga, Washington đã tuyên bố nguồn tài trợ cho Georgia có thể sớm bị cắt.
Theo Luật Cơ quan đại diện nước ngoài của Georgia, các cơ quan truyền thông hoặc xã hội dân sự tại Georgia nếu nhận hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài sẽ phải đăng ký là “tổ chức phục vụ lợi ích của nước ngoài”. Bộ Ngoại giao Mỹ đã gọi dự luật này là “lấy cảm hứng từ Điện Kremlin”, vì nó có điểm tương đồng với luật được đưa vào sách luật của Nga năm 2012.
Ông O'Brien cho biết, mối quan hệ chiến lược của Mỹ với Georgia đã bị đe dọa bởi luật mới và sự gia tăng của các bài phát biểu chống phương Tây trong vài tháng gần đây của Tbilisi, ám chỉ tỉ phú ẩn dật Bidzina Ivanishvili, nhà sáng lập và hiện là Chủ tịch danh dự của đảng cầm quyền Georgian Dream (Giấc mơ Georgia), người được cho là sẽ thúc đẩy chính sách của chính phủ. Ông O’Brien đã yêu cầu một cuộc gặp với tỉ phú Ivanishvili nhưng đã bị từ chối với lý do Mỹ đã đóng băng 2 tỷ USD của ông thông qua các lệnh trừng phạt “trên thực tế”. Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze tuyên bố rằng đất nước ông là nạn nhân của một “liên minh chiến tranh toàn cầu” do Mỹ dẫn dắt.
Phản đối vì không theo EU
Đúng như người Mỹ tuyên bố, những bất ổn khi thông qua Luật Cơ quan đại diện nước ngoài là “bước ngoặt” mở màn cho loạt những bất ổn chính trị của Georgia trong năm 2024 này, chủ yếu là xoay quanh chuyện theo hay không theo EU, nói cách khác là “thân” hay “chống” phương Tây.
Cuộc bầu cử Quốc hội Georgia ngày 26/10/2024 là một minh chứng rõ nhất cho điều đó. Tại cuộc bầu cử đó, đảng Georgian Dream thân Nga đã tuyên bố chiến thắng sau một ngày bỏ phiếu bị ảnh hưởng bởi bạo lực và mất trật tự tại các điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước. Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) cho biết đảng Georgian Dream đã giành được gần 54% số phiếu bầu.
Tuy nhiên, phe đối lập, với sự ủng hộ của Tổng thống Zourabichvili, đã không chấp nhận thua cuộc. Tổng thống Zourabichvili không chỉ là người ủng hộ mà còn là người chủ xướng nhiệt tình nhất cho các cuộc biểu tình suốt từ sau cuộc bầu cử. Bà đã kêu gọi người dân Georgia xuống đường phản đối kết quả bầu cử để “bảo vệ tương lai EU” của Georgia, ám chỉ việc đảng Georgian Dream lên nắm quyền sẽ hủy bỏ chương trình gia nhập EU mà các chính quyền thân phương Tây trước đây theo đuổi. EU đã cấp quy chế đàm phán thành viên đối với Georgia nhằm xúc tiến quá trình kết nạp quốc gia này. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã gặp trở ngại khi giới chính trị do tỉ phú Ivanishvili lãnh đạo lên nắm quyền đã ban hành nhiều chính sách “thân Nga” và xa rời phương Tây, trong đó có việc thông qua đạo Luật Cơ quan đại diện nước ngoài như đã nói ở trên, khiến Mỹ tạm dừng viện trợ.
Cuối tháng 11/2024, người dân Georgia ủng hộ phe đối lập tiếp tục biểu tình để phản đối việc chính phủ mới do đảng Georgian Dream lãnh đạo đình chỉ việc đàm phán gia nhập EU. Tổng thống Zourabichvili tiếp tục là người đi đầu trong các hành động phản đối của phe đối lập. Bà tuyên bố với báo chí rằng, Georgia “đang trở thành một quốc gia gần giống Nga” và Georgian Dream kiểm soát các thể chế chính của đất nước. “Chúng ta đã thấy những gì đang xảy ra ở đất nước này - đó là một đất nước mà chúng ta không còn bất kỳ thể chế độc lập nào nữa, không phải tòa án, không phải Ngân hàng Trung ương và tất nhiên là không phải Quốc hội. Chúng ta đã và đang ngày càng nhanh chóng chuyển sang mô hình gần giống Nga” - bà nói.
Thủ tướng Kobakhidze mô tả các cuộc biểu tình là “bạo lực”. Trong một tuyên bố hôm 29/11, ông Kobakhidze cho biết “các thực thể nước ngoài” không xác định muốn nhìn thấy Georgia bị “Ukraine hóa” theo “kịch bản kiểu Maidan” - ám chỉ cuộc cách mạng Maidan năm 2014 của Ukraine.
Thông báo của chính phủ rằng họ sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán để gia nhập EU được đưa ra vài giờ sau khi Nghị viện châu Âu thông qua một nghị quyết lên án cuộc bỏ phiếu vào tháng trước là không tự do và không công bằng. EU đã cấp tư cách ứng cử viên cho Georgia vào tháng 12/2023 với điều kiện nước này phải đáp ứng các khuyến nghị của khối, nhưng đã hoãn việc gia nhập và cắt giảm hỗ trợ tài chính vào tháng 5/2024 sau khi thông Luật Cơ quan đại diện nước ngoài. Các nhà lập pháp EU thúc giục tổ chức lại cuộc bỏ phiếu của Quốc hội trong vòng 1 năm dưới sự giám sát quốc tế chặt chẽ và bởi một cơ quan quản lý bầu cử độc lập. Họ cũng kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế các cuộc tiếp xúc chính thức với Chính phủ Georgia.
Thủ tướng Georgia Kobakhidze đã phản pháo, lên án những gì ông mô tả là “một loạt lời lăng mạ” từ các chính trị gia EU và tuyên bố rằng “những kẻ xấu xa của đất nước chúng ta đã biến Nghị viện châu Âu thành vũ khí tống tiền thô bạo chống lại Georgia”. Ông Kobakhidze cũng cho biết Georgia sẽ từ chối mọi khoản tài trợ ngân sách từ EU cho đến hết năm 2028.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Kobakhidze đã bác bỏ những chỉ trích của Mỹ, nước đã lên án việc sử dụng “vũ lực quá mức” đối với những người biểu tình. Ông Kobakhidze cũng phớt lờ thông báo của Washington hôm 30/11 rằng họ sẽ đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Georgia. Ông cho biết đây là “sự kiện tạm thời” và Georgia sẽ nói chuyện với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025.
Quay lại quỹ đạo thân Nga
Những người biểu tình lại tụ tập ở Tbilisi vào tối 1/12 trên đại lộ Rustaveli ở trung tâm. Ngoài thủ đô, hãng thông tấn Interpress của Georgia cho biết những người biểu tình đã chặn một con đường dẫn vào cảng thương mại chính của đất nước tại thành phố Poti ở Biển Đen.
Truyền thông Georgia đưa tin về các cuộc biểu tình ở ít nhất 8 thành phố và thị trấn. Kênh truyền hình đối lập Formula đã chiếu cảnh người dân ở Khashuri, một thị trấn có 20.000 người ở miền trung Georgia, ném trứng vào văn phòng Georgian Dream địa phương và xé nát lá cờ của đảng.
EU và Mỹ đang lo ngại về những gì họ thấy là sự thay đổi của Georgia khỏi con đường thân phương Tây và quay trở lại quỹ đạo thân Nga. Georgian Dream cho biết họ đang hành động để bảo vệ chủ quyền của đất nước trước sự can thiệp từ bên ngoài.
Nga đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận định “một cuộc cách mạng đang diễn ra” và viết trên Telegram rằng Georgia đang “di chuyển nhanh chóng theo con đường của Ukraine, vào vực thẳm đen tối. Thông thường, những điều như thế này sẽ kết thúc rất tồi tệ”. Chưa bình luận về những sự kiện mới nhất ở Georgia, nhưng từ lâu Điện Kremlin đã cáo buộc phương Tây kích động các cuộc “cách mạng” ở các quốc gia hậu Xôviết mà Moscow vẫn coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của mình.
Trong một động thái nóng tiếp theo, ngày 14/12, Quốc hội Georgia đã bầu ông Mikheil Kavelashvili, một người ủng hộ Nga, chỉ trích phương Tây một cách cứng rắn, làm tổng thống mới của đất nước. Ông Kavelashvili, một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp từng chơi ở giải Ngoại hạng Anh, có quan điểm chống phương Tây mạnh mẽ. Trong các bài phát biểu trước công chúng năm nay, ông nhiều lần cáo buộc rằng các cơ quan tình báo phương Tây đang tìm cách đẩy Georgia vào cuộc chiến với Nga.
Các Tổng thống Georgia được lựa chọn bởi một nhóm cử tri gồm các đại biểu Quốc hội và đại diện của chính quyền địa phương. Trong số 225 cử tri có mặt, 224 người đã bỏ phiếu cho ông Kavelashvili, ứng cử viên duy nhất được đề cử.
Phe đối lập đã lên án cuộc bầu cử là “bất hợp pháp” và cho biết Tổng thống đương nhiệm Zourabichvili vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của đất nước. Bà Zourabishvili đang bất đồng quan điểm với đảng Georgian Dream, từ chối từ chức và đang yêu cầu bầu cử Quốc hội mới, mở đường cho một cuộc đối đầu về mặt hiến pháp. Những người ủng hộ bà và phe đối lập đã lại tụ tập biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội, nơi đã bị lực lượng cảnh sát phong tỏa.
Với việc bà Zourabishvili từ chối rời nhiệm sở, các nhà lập pháp đối lập tẩy chay Quốc hội và các cuộc biểu tình không có dấu hiệu lắng xuống, chức Tổng thống của ông Kavelashvili có khả năng bị phá hỏng ngay từ đầu.
Ông Vakhtang Khmaladze, một trong các tác giả của Hiến pháp Georgia, đã lập luận rằng mọi quyết định của Quốc hội mới đều vô hiệu. Ông giải thích rằng điều này là do Quốc hội đã phê chuẩn các nhiệm vụ của các nhà lập pháp mới được bầu trước khi có kết quả của vụ kiện tại tòa do tổng thống đương nhiệm đệ trình phản đối cuộc bầu cử. “Georgia đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiến pháp chưa từng có”, ông Khmaladze cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ chính phủ sẽ phản ứng thế nào trước việc bà Zourabishvili từ chối từ chức sau khi người kế nhiệm bà nhậm chức vào ngày 29/12 tới.