IPEF sẽ giúp tái cơ cấu chuỗi cung ứng?

Thứ Hai, 25/07/2022, 14:57

Trong chuyến công du Nhật Bản hồi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Ngay sau đó, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết các vòng đàm phán liên quan đến 13 quốc gia sáng lập ban đầu sẽ được khởi động ngay trong mùa hè này.

“Vòng cung bạn bè”

Mặc dù không có chính sách ưu đãi thuế đặc biệt đối với các nước tham gia IPEF nhưng việc Mỹ tái thiết “vòng cung bạn bè” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa khác thường. Đặc biệt là khi chuỗi đầu tư nước ngoài bị rối loạn do đại dịch COVID-19 ở Thượng Hải, việc thiết lập một chuỗi cung ứng đa dạng bên ngoài Trung Quốc đã trở thành lựa chọn hiện nay.

IPEF sẽ giúp tái cơ cấu chuỗi cung ứng? -0
IPEF được coi như đối trọng của RCEP và là bước sải dài của Mỹ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Từ tài khóa 2013-2014 đến 2020-2021, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Nhưng, vị trí này giờ đây đã được Mỹ thay thế, với kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ - Mỹ đạt kỷ lục lịch sử. Tờ Hindustan Times dẫn số liệu thống kê mới nhất do Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ công bố cho thấy Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong tài khóa 2021-2022, với kim ngạch thương mại song phương lên tới 119,42 tỷ USD. Đây là mức tăng 48% so với 80,51 tỷ USD trong tài khóa 2020-2021.

Cụ thể, mức xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ đã từ 51,62 tỷ USD trong năm 2021 tăng lên 76,11 tỷ USD năm 2022, đồng thời nhập khẩu cũng từ 29 tỷ USD tăng lên 43,31 tỷ USD và xuất siêu của Ấn Độ sang Mỹ lên tới 32,8 tỷ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ - Trung Quốc đạt 115,42 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ 2021, đứng thứ hai trong số các đối tác thương mại của Ấn Độ. Trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc tăng từ 21,18 tỷ USD lên 21,25 tỷ USD, nhập khẩu tăng từ 65,21 tỷ lên 94,16 tỷ USD và nhập siêu của Ấn Độ từ Trung Quốc tăng từ 44 tỷ lên 72,91 tỷ USD. Khalid Khan, Phó Chủ tịch Liên đoàn Xuất khẩu Ấn Độ cho rằng Ấn Độ đang trở thành một đối tác thương mại đáng tin cậy, nhất là đối với những công ty xuyên quốc gia đang muốn giảm sự phụ thuộc vào cung ứng của Trung Quốc để phân tán hoạt động kinh doanh của họ sang các nước khác. Ông nhận định việc Ấn Độ tham gia IPEF do Mỹ nắm vai trò chủ đạo sẽ tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.

Làm lung lay chuỗi cung ứng cũ

Ngày 1-6, sau 65 ngày thành phố đóng cửa, Thượng Hải bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, 2 tháng đóng cửa như một cơn ác mộng, đã có quá nhiều thay đổi ở thành phố này. Thượng Hải không còn như trước đây, niềm tin của người dân giảm sút, lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Thượng Hải bị lung lay. Họ sợ hãi trước những chính sách thay đổi của chính quyền.

Trong thời gian đóng cửa, hoạt động sản xuất và cung ứng quy mô lớn bị ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như sản xuất ô tô, chip điện tử, chăm sóc y tế. Xuất phát từ những cân nhắc an toàn, các nhà đầu tư buộc phải tăng thêm cơ sở sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc. Nếu chiến lược “Trung Quốc+1” và “Trung Quốc+2” sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang trong giai đoạn quan sát đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì hiện nay đã trở thành một lựa chọn khôn ngoan: năng lực sản xuất hiện có của Trung Quốc chủ yếu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và năng lực sản xuất cung cấp cho thế giới có thể được chuyển sang những nước khác.

Sau khi Tổng thống Biden chính thức tuyên bố khởi động IPEF tại Tokyo, 13 nước đầu tiên trở thành các thành viên sáng lập. Đó là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam và Brunei. Fiji đã được Mỹ tuyên bố hoan nghênh tham gia và trở thành thành viên sáng lập thứ 14.

IPEF được cho là phản ứng trực tiếp với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa có hiệu lực. Theo khuôn khổ RCEP, tỷ lệ sản phẩm hưởng mức thuế 0% ngay lập tức giữa Trung Quốc và ASEAN, Australia, New Zealand đã vượt quá 65% trong 10 năm tới, 90% sản phẩm về cơ bản sẽ được áp dụng thuế suất 0%. Các nhà chức trách Trung Quốc ban đầu hy vọng sử dụng RCEP để tăng tốc hội nhập khu vực và hưởng lợi từ liên kết ASEAN và các khu vực xung quanh.

Báo cáo Hội nhập kinh tế châu Á (năm 2022) do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố cho thấy chỉ số hội nhập của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 là 0,479, chỉ đứng sau Vương quốc Anh, châu Âu và Bắc Mỹ trong số các khu vực lớn trên thế giới, vốn đã đạt đến mức độ hội nhập cao. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại và khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất của Trung Quốc. Xét về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, ASEAN đã vượt qua EU vào năm 2020 và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN là 483,7 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng xuất khẩu của Trung Quốc nhập khẩu từ ASEAN là 394,5 tỷ USD, chiếm 14,7% nhập khẩu của Trung Quốc.

Những dữ liệu thống kê cho thấy, mức độ hội nhập giữa Trung Quốc và ASEAN đã rất cao, nhưng phải chú ý rằng Mỹ mới là cường quốc tiêu dùng lớn nhất thế giới, không chỉ là khách hàng lớn của hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà còn là khách hàng lớn của ASEAN. Trong bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho rằng chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc có thể được mô tả trong 3 từ: “Đầu tư, liên minh, cạnh tranh”. Đầu tư là Mỹ sẽ tăng cường đầu tư trong nước, bao gồm cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ... để đảm bảo khả năng cạnh tranh. Liên minh nghĩa là đoàn kết với đồng minh và tăng cường hợp tác để đạt được các mục tiêu chung, bao gồm cơ chế Đối thoại an ninh 4 bên (Bộ tứ), Liên minh quân sự AUKUS, IPEF xuất hiện gần đây và  hợp tác với đồng minh châu Âu và NATO. Cạnh tranh là đọ sức với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.