Iran: Ai sẽ thay thế ông Raisi?

Thứ Bảy, 25/05/2024, 21:35

Cái chết bất ngờ của Tổng thống Ebrahim Raisi trong vụ tai nạn máy bay hôm 19/5 tại vùng núi hẻo lánh Tây Bắc Iran để lại một khoảng trống đáng kể trên chính trường, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cho Tehran trong bối cảnh căng thẳng khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Cùng đi trên chuyến bay xấu số với Tổng thống Raisi hôm 19/5 còn có Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và các quan chức cấp cao khác. Ngay trong sáng 20/5, khi thông tin cứu hộ xác nhận toàn bộ người đi trên chiếc máy bay trực thăng Bell 212 đều tử nạn, Iran đã tuyên bố 5 ngày quốc tang.

Bắt đầu từ ngày 21, hàng chục nghìn người dân Iran đã đổ xuống đường phố cả nước để tưởng niệm ông Raisi. Người dân Iran, cũng như một số lãnh đạo, quan chức ngoại giao một số quốc gia trong khu vực và thế giới đã bày tỏ niềm tiếc thương đối với ông Raisi, như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Ông Raisi là người bạn thực sự đáng tin cậy của nước Nga”.

Từng được coi là người có khả năng kế nhiệm Lãnh tụ tối cao của Iran, Tổng thống Raisi đã qua đời khi đương nhiệm đã để lại khoảng trống khá lớn, một sự hụt hẫng không nhỏ trong hệ thống quyền lực của Iran.

Iran: Ai sẽ thay thế ông Raisi? -0
Ông Mohammad Mokhber (bên phải) tại cuộc họp đầu tiên trên cương vị Tổng thống lâm thời.

Ông và Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã góp công trong sự thay đổi quan hệ của Iran với các nước láng giềng Arab, giúp bình thường hóa quan hệ với “đối thủ lâu năm” là Saudi Arabia. Nhưng, hai ông cũng chứng kiến Cộng hòa Hồi giáo Iran lần đầu tiên khởi động một cuộc tấn công trực tiếp quy mô lớn vào Israel, sau vụ tấn công của Israel vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria. Các chuyên gia cho rằng, cái chết của ông Raisi khó có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Iran, vốn hầu như chỉ thuộc về Lãnh đạo tối cao. Chính sách đối ngoại của Iran do Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao quyết định.

Cái chết của ông Raisi đến vào thời điểm nhạy cảm khi Iran đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong và ngoài nước. Một mặt gửi lời chia buồn đến Chính phủ Iran, mặt khác giới chức phương Tây cũng đang theo dõi sát tình hình để cân nhắc các phương án làm việc với Iran trong thời gian sắp tới, nhất là theo dõi xem liệu Iran sẽ tổ chức bầu cử tổng thống như thế nào và ai sẽ là người được chọn thay thế ông Raisi?

Trong thông điệp chia buồn sau vụ tai nạn cướp đi sinh mạng Tổng thống Raisi, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei thông báo về việc bổ nhiệm ông Mohammad Mokhber, Phó Tổng thống thứ nhất làm người đứng đầu lâm thời của cơ quan hành pháp Iran. Ông khẳng định hoạt động điều hành các công việc hằng ngày của Cộng hòa Hồi giáo Iran không thể bị gián đoạn, vì vậy cần phải có người thay thế ông Raisi tạm thời điều hành đất nước.

Ông Mokhber sinh năm 1955 tại Dezful, tỉnh Khuzestan, phía Tây Nam Iran, trong một gia đình giáo sĩ. Ông từng là sĩ quan quân y của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980. Phần lớn thời gian hoạt động của ông nằm trong “bóng tối” so với các chính trị gia khác ở Iran. Cái chết của ông Raisi đã đưa ông “ra mắt” công chúng Iran và cả thế giới.

Theo Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran: Nếu một tổng thống qua đời khi đang tại nhiệm thì Phó Tổng thống thứ nhất sẽ lên thay, sau khi có xác nhận của Lãnh tụ tối cao vốn là người có tiếng nói quan trọng nhất trong mọi vấn đề của Iran. Sau đó, một hội đồng gồm Phó Tổng thống thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu cơ quan tư pháp phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong thời gian tối đa là 50 ngày. Như vậy, ông Mokhber sẽ giữ chức Tổng thống tạm quyền trong khoảng 50 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống bắt buộc ở Iran, đã được ấn định vào ngày 28/6 tới.

Bất chấp hồ sơ kín đáo của mình, ông Mokhber vẫn giữ những vị trí nổi bật trong cơ cấu quyền lực của đất nước, đặc biệt là trong các tổ chức từ thiện (bonyad). Những tổ chức này được duy trì bởi các khoản quyên góp hoặc tài sản bị tịch thu sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran, đặc biệt là những tài sản trước đây có liên quan đến Shah của Iran hoặc những người trong chính phủ của ông ta. Hiện, ông Mokhber phụ trách giám sát một bonyad được gọi bằng tiếng Anh là Thi hành mệnh lệnh của Imam Khomeini (viết tắt là EIKO), ám chỉ cố Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini. Với tư cách là người đứng đầu EIKO, ông Mokhber giám sát nỗ lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, cam kết sản xuất hàng chục triệu liều vaccine cung cấp cho cộng đồng.

Ông Mokhber trước đây làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và viễn thông. Ông cũng làm việc tại Quỹ Mostazafan, một tổ chức khác quản lý các dự án và doanh nghiệp lớn của đất nước. Khi đó, ông vướng vào một cuộc tranh chấp pháp lý gay gắt giữa nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động Turkcell và MTN của Nam Phi về khả năng thâm nhập thị trường Iran. MTN cuối cùng đã vào Iran.

Theo truyền thông Iran, ông Mokhber có bằng tiến sĩ luật quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Iran nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành dầu mỏ của nước này. Ông là thành viên của Hội đồng Nghĩa vụ Iran kể từ năm 2022, cơ quan này cố vấn cho Lãnh tụ tối cao và giải quyết các tranh chấp giữa Quốc hội và Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát hiến pháp của Iran cũng giám sát các cuộc bầu cử của đất nước.

Một số chuyên gia nói rằng cuộc bầu cử tạo cơ hội cho những người ôn hòa lên nắm quyền. Các chuyên gia cũng nói rằng, mặc dù Lãnh tụ tối cao Khamenei có khả năng duy trì sự lãnh đạo bảo thủ, nhưng ông ấy “luôn nhấn mạnh tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu được xem như một phép thử về tính hợp pháp của hệ thống”.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin chính thức về các ứng viên bầu tổng thống mới thay thế ông Raisi, nhưng giới chuyên gia hầu như thống nhất ý kiến rằng ông Mokhber cũng giống như ông Raisi, đều là người thân cận với Lãnh tụ tối cao Iran, do đó mọi người ngầm hiểu ông có thể được bầu lên thay ông Raisi.

An Châu (Tổng hợp)
.
.