Israel: Ông Netanyahu thành lập chính phủ cực hữu
Chính phủ liên hiệp cực hữu của ông Benjamin Netanyahu được thành lập vào phút cuối, chỉ vài tiếng trước khi hết thời hạn chót cho việc hình thành chính phủ. Việc thành lập chính phủ đánh dấu sự trở lại quyền lực nhanh hơn dự kiến của ông Netanyahu, đồng thời cảnh báo một giai đoạn đầy khó khăn cho người Palestine cũng như quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab trong khu vực.
Thành lập Chính phủ vào phút chót
Theo luật định, hạn chót để ông Netanyahu thành lập chính phủ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng 11/2022 là giữa đêm 21/12. Chiều cùng ngày, đảng Likud của ông Netanyahu ra thông báo đã đàm phán xong và đạt thỏa thuận liên minh cầm quyền với các đảng phái nhỏ ở cánh hữu và ông Netanyahu đã thông báo với Tổng thống Isaac Herzog rằng ông thành lập xong chính phủ. Chính phủ mới của ông sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2/1/2023.
Thỏa thuận liên minh chính phủ của ông Netanyahu bao gồm đảng Likud dẫn đầu và 2 đảng cực hữu là Jewish Power của ông Itamar Ben-Gvir và đảng Religious Zionist do Bezalel Smotrich làm lãnh đạo. Theo thỏa thuận liên minh, ông Itamar Ben-Gvir sẽ được giao trọng trách Bộ trưởng An ninh quốc gia trong nội các mới; còn ông Bezalel Smotrich sẽ được trao quyền kiểm soát hoạt động tháo dỡ nhà ở của người Palestine ở các khu vực người Israel muốn xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine, đồng thời nắm luôn quyền kiếm soát cung cấp nước sinh hoạt cho người Palestine.
Bước tiến quan trọng trong việc thành lập chính phủ của ông Netanyahu đã hoàn tất quy trình trở lại quyền lực chóng vánh của ông. Đây được xem là chính phủ có quan điểm chính trị cực hữu nhất từ trước đến nay ở Israel, vì thế hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều sóng gió cho an ninh và chính trị trong khu vực, nhất là trong vấn đề người Palestine.
Thỏa thuận liên minh giữa Likud với các đảng cực hữu ngoài việc trao quyền lực cho các thế lực cực hữu, còn nhằm mục đích hợp pháp hóa các khu định cư bất hợp pháp và chuyển quyền tài phán đối với những người định cư từ các nhà quản lý quân sự sang các bộ, ngành dân sự. Điều này sẽ đặt những người định cư và người Palestine dưới sự quản lý bởi các hệ thống hoàn toàn khác nhau.
Lãnh đạo đảng Religious Zionist Smotrich, giống như các chính trị gia của Jewish Power và Likud, ủng hộ việc sửa đổi toàn bộ hệ thống tư pháp nhằm hạn chế quyền lực của tòa án tối cao cũng như các biện pháp kiểm soát và cân bằng quyền lực khác. Những thay đổi như vậy có thể mở đường cho việc hủy bỏ các thủ tục tố tụng tham nhũng chống lại ông Netanyahu, vốn có thể khiến ông phải ngồi tù, để ông có động cơ xoa dịu các đối tác của mình.
Ông Alon Liel, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israel và là người sáng lập đảng All Its Citizens đối lập, chủ trương thúc đẩy hợp tác Do Thái-Arab cho rằng, ông Netanyahu không chỉ có động cơ là tránh ngồi tù mà còn muốn thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình. Liel cho rằng điều này bao gồm việc thủ tiêu mọi khả năng còn lại đối với giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Lãnh đạo đảng Jewish Power Ben-Gvir, người bị cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và kích động phân biệt chủng tộc, đồng thời là môn đệ của giáo sĩ Do Thái Meir Kahane có quan điểm chống Arab kịch liệt, đã vận động với cam kết trục xuất những công dân “không trung thành”, “khôi phục trật tự và quản lý” tập trung vào các khu vực Arab và nới lỏng các hạn chế về quy định nổ súng đối với lực lượng an ninh. Trên thực tế, thống kê của Liên hợp quốc cho biết, các hành động nổ súng của quân đội Israel trong các cuộc đối đầu với người Palestine đã gây ra nhiều cái chết không cần thiết cho người Palestine.
Ông Ben-Gvir, được ủng hộ của người phát ngôn của Knesset (Quốc hội) Yariv Levin (thuộc đảng Likud), gần đây đã đưa ra một dự luật quy định quyền miễn trừ chung cho các binh sĩ khi gây ra cái chết hoặc thương tích “trong khuôn khổ hoàn thành nhiệm vụ của họ trong hoạt động tác chiến”.
Ông cho biết thỏa thuận khung với Likud đánh dấu sự hoàn thành các cam kết trong chiến dịch tranh cử. “Giống như chúng tôi đã hứa với công chúng, chúng tôi đã làm mọi thứ để thành lập một chính phủ hoàn toàn theo cánh hữu, sẽ lập lại trật tự và niềm tự hào cho quốc gia Israel, đồng thời hỗ trợ binh lính và cảnh sát trong các nhiệm vụ quan trọng của họ”.
Thỏa thuận giữa Likud và đảng Jewish Power cũng kêu gọi loại bỏ lệnh cấm ứng cử vào quốc hội đối với những người phạm tội “kích động phân biệt chủng tộc”, điều này sẽ mở đường cho các cộng sự cực đoan của hai ông Ben-Gvir và Smotrich được tự do hơn trong các phát ngôn kích động thù hận của họ và cho phép các bên mở rộng nhóm ứng cử viên của họ.
Cho đến nay, phe đối lập đã không thể theo kịp tốc độ mà ông Netanyahu và các đồng minh đang định hình lại cấu trúc chính phủ của Israel. “Ben-Gvir và Smotrich đã có thể thành lập chính phủ cực đoan nhất trong lịch sử của bang”, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yair Lapid, một người theo đường lối trung dung, than thở. Còn Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm Avigdor Lieberman thì gọi liên minh này có thể khiến Israel trở thành một “nhà nước halacha”, hay luật pháp nghiêm khắc của người Do Thái.
Nhưng, ông Lieberman không thể trách ai khác, vì chính ông là một trong những người đã đề xuất sửa đổi luật bầu cử, nâng ngưỡng tỉ lệ phiếu phổ thông để có ghế đại biểu trong quốc hội, để rồi chính mình bị gạt ra ngoài bởi điều luật sửa đổi đó, từ đó vô tình giúp ông Netanyahu và các lực lượng cực hữu giành chiến thắng sát nút, mở ra cơ hội thành lập chính phủ.