Italy: Ông Draghi không được từ chức

Thứ Tư, 20/07/2022, 10:45

Hàng trăm thị trưởng, lãnh đạo các địa phương đã gửi thư yêu cầu Thủ tướng Italy Mario Draghi không từ chức, tiếp tục lãnh đạo chính phủ để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang chớm hình thành. Trước đó, ngày 14-7, Tổng thống Sergio Mattarella cũng bác đơn xin từ chức của ông này.

Italy là quốc gia mới nhất rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị do ảnh hưởng bởi những vấn đề phát sinh từ cuộc chiến Ukraine. Phát biểu với báo chí về ý định từ chức của mình, ông Draghi tuyên bố: “Liên minh đa số đoàn kết dân tộc giúp duy trì chính phủ này từ khi thành lập giờ đã không còn tồn tại nữa”.

Tuyên bố này phản ánh một thực trạng chia rẽ trong liên minh, chủ yếu là từ phía đảng Phong trào 5 sao (M5S). Lý do của sự “không tồn tại nữa” chính là việc đảng M5S, một đối tác quan trọng trong liên minh rộng rãi của chính phủ đã tẩy chay, không ủng hộ chính phủ của ông Draghi trong cuộc bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 26 tỉ USD ngày nhằm giải cứu người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao.

Italy: Ông Draghi không được từ chức -0
Thủ tướng Italy Mario Draghi.

Vào tháng 2-2021, ông Draghi, một cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), được bổ nhiệm thành lập chính phủ liên minh rộng lớn - bao trùm hầu hết các đảng phái chính trị lớn nhất Italy - nhằm ổn định đất nước, đưa đất nước vượt qua khó khăn chồng chất do đại dịch COVID-19. Phẩm chất quyết liệt của một lãnh đạo doanh nghiệp đã giúp ông Draghi đạt được những kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 và vượt qua khó khăn do nó gây ra. Ông đã tiến hành một loạt cải cách theo yêu cầu của EU và nhận được sự giúp đỡ của khối bằng gói cứu trợ 200 tỉ USD. Italy dưới sự dẫn dắt của ông Draghi giờ đây đang tiếp tục những cải cách mà ông đã khởi xướng để hướng đến mục tiêu cao hơn, trở lại là một quốc gia kinh tế hàng đầu trong khối.

Tuy nhiên, những vấn đề khó khăn đã xuất hiện và gây tác động nghiêm trọng từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu ở Ukraine vào tháng 2-2022. Cho dù Italy ủng hộ hay không ủng hộ cuộc bao vây kinh tế, chính trị, ngoại giao chống Nga do Mỹ dẫn đầu, thì những khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của cuộc chiến vẫn tác động mạnh lên nền kinh tế Italy vốn đang bắt đầu gượng dậy sau đại dịch. Lãnh đạo đảng M5S đã đưa ra một số yêu sách đòi chính phủ phải nhượng bộ, trong đó có việc thông qua gói cứu trợ khó khăn do giá nhiên liệu tăng. Ông Conte tuyên bố sẽ không tiếp tục đồng hành với chính phủ nếu các yêu sách của M5S không được đáp ứng. Đương nhiên, ông Draghi không đời nào chấp nhận bị “khống chế” bằng yêu sách như thế.

Bất bình trước việc chính phủ không chấp nhận nhượng bộ yêu sách của mình, lãnh đạo đảng M5S, ông Conte rút sự ủng hộ của đảng trong cuộc bỏ phiếu gói cứu trợ 26 tỉ USD. Đồng thời ông Conte và đảng của ông cũng có hành động yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của ông Draghi. Kết quả, chính phủ của ông Draghi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với tỉ lệ áp đảo, 172 phiếu ủng hộ so với 39 phiếu chống.

Tuy nhiên, ông Draghi cho rằng việc mất đi sự ủng hộ của đảng đối tác quan trọng nhất trong liên minh là một tổn thất to lớn và nó làm cho tính hiệu lực của liên minh giảm đi rất nhiều. Về mặt nào đó, gần giống như việc liên minh tan rã. Điều này đặt ra nguy cơ sụp đổ chính phủ liên hiệp đoàn kết dân tộc rộng khắp đã ồn tại một năm rưỡi qua.

Chính vì vậy, ngay sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Draghi đã đến gặp Tổng thống Sergio Mattarella để nộp đơn từ chức nhưng đã bị từ chối. Tổng thống Mattarella khuyên ông Draghi tiếp tục điều hành chính phủ và tiếp tục chương trình nghị sự như đã có, đồng thời phải đối mặt giải quyết các khó khăn do khủng hoảng chính trị đặt ra. Khách quan mà nói, ngay cả trong thời điểm hiện tại, không ai có thể thay thế ông Draghi chèo lái con thuyền Italy đang bắt đầu tròng trành do sóng gió từ cuộc chiến Ukraine.

Tổng thống Mattarella yêu cầu ông Draghi quay trở lại quốc hội và tổ chức một cuộc đối thoại trước quốc hội, thuyết phục sự ủng hộ của các đảng phái trong quốc hội đối với chính phủ của ông. Cuộc đối thoại đó sẽ diễn ra vào ngày 20-7. Nếu nhận được đa số ủng hộ thì chính phủ tiếp tục vận hành. Ngược lại, nếu quốc hội không ủng hộ, Tổng thống Mattarella sẽ giải tán quốc hội để tổ chức bầu cử sớm. Thời gian tổ chức bầu cử dự kiến vào khoảng cuối tháng 9 hoặc tháng 10. Khóa Quốc hội Italy hiện tại hoạt động đến đầu năm 2023, vì vậy khả năng bầu cử sớm là hoàn toàn có thể.

Trước diễn biến tình hình chính trị bất ổn, giới doanh nghiệp và các hội đoàn đã thúc giục các thị trưởng trong toàn quốc lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Draghi không từ chức. Trong một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Draghi, 110 thị trưởng, trong đó có 10 thị trưởng thành phố lớn nhất nước đã đưa ra yêu cầu ông tiếp tục tại vị, giải quyết các khó khăn, khủng hoảng, tránh để cho đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, khó khăn sẽ càng nhiều hơn.

Giới phân tích chính trị Italy cho rằng, hành động tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị không đáng có trong lúc này của lãnh đạo đảng M5S là vô trách nhiệm, một “cú đánh” từ nội bộ Italy làm lợi cho nước Nga trong cuộc đối đầu Nga-phương Tây, xuất phát từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng giờ đây đã vượt qua khuôn khổ cuộc chiến đó và trở thành cuộc đối đầu toàn diện.

Ngay bản thân đảng M5S hiện cũng đang gặp những vấn đề mang tính sống còn. Dưới sự dẫn dắt của ông Conte, nội bộ đảng này đang chia rẽ nghiêm trọng. Cốt lõi của sự chia rẽ này lại xuất phát từ sự thay đổi và bất nhất trong đường lối chính trị, xa rời tôn chỉ ban đầu của đảng. Các lãnh đạo đảng đã có những quyết định chính trị gây tranh cãi. Ít nhất 2 trong số lãnh đạo cao cấp nhất của đảng, ông Conte và ông Matteo Salvini, đã có những động thái không ủng hộ chính sách chống Nga của Chính phủ Italy. Sự tranh cãi trong nội bộ đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Luigi Di Maio rời bỏ đảng M5S và thành lập đảng mới.

An Châu (Tổng hợp)
.
.