“Khoảnh khắc của sự thật” cho các cuộc đàm phán hạt nhân Iran

Thứ Năm, 24/02/2022, 10:05

Những tín hiệu vui đã xuất hiện ở Hội nghị An ninh Munich tại Đức những ngày qua khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, có cơ hội để đạt được một thỏa thuận và các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, trong khi Tehran khẳng định "chưa bao giờ đạt được một thỏa thuận gần như thế này".

Thời điểm của sự thật

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các nhà ngoại giao cấp cao, ông Olaf Scholz nói: “Bây giờ là thời điểm của sự thật. Nếu chúng tôi không sớm thành công trong việc này, các cuộc đàm phán có nguy cơ thất bại".

Theo Thủ tướng Đức, cuộc đàm phán hạt nhân Iran đã đi một chặng đường dài trong 10 tháng qua và “tất cả các yếu tố để kết thúc đều đã có trên bàn”. Điều này có nghĩa đây là khoảng thời gian để xác định liệu thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới (được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) có thể được cứu vãn hay không và lãnh đạo Iran cần phải đưa ra lựa chọn.  Ông Olaf Scholz cho biết: “Giờ đây chúng tôi có cơ hội đạt được một thỏa thuận giúp các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ. Ban lãnh đạo Iran hiện có một sự lựa chọn”.

“Khoảnh khắc của sự thật” cho các cuộc đàm phán hạt nhân Iran -0
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 58 hôm 19-2. Ảnh: Getty

Theo CNN, trong các cuộc đàm phán nói trên, Mỹ chỉ tham gia gián tiếp vì nước này đã rút khỏi JCPOA vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nay Tổng thống Joe Biden báo hiệu rằng ông muốn tham gia lại thỏa thuận.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã tái áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Iran và Tehran đáp trả bằng cách tăng độ tinh khiết và lượng uranium mà nước này làm giàu và dự trữ, vi phạm JCPOA. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận, "tiến bộ đáng kể đã đạt được trong tuần trước và nếu Iran thể hiện sự nghiêm túc, chúng ta có thể và nên đạt được sự hiểu biết về việc hai bên quay lại thực hiện đầy đủ JCPOA trong vòng vài ngày tới”. Nhưng, "bất cứ điều gì vượt quá giới hạn sẽ khiến khả năng quay trở lại thỏa thuận gặp rủi ro nghiêm trọng”.

Ranh giới đỏ

Đáp lại cái gọi là thiện chí của Mỹ và phương Tây, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian khẳng định sẵn sàng đạt được một thỏa thuận tốt trong thời gian sớm nhất có thể nếu bên kia đưa ra quyết định chính trị cần thiết. Đồng thời, ông Hossein Amirabdollahian cho rằng, các nước phương Tây phải thể hiện sự linh hoạt.

“Khoảnh khắc của sự thật” cho các cuộc đàm phán hạt nhân Iran -0
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: Reuters

"Quả bóng giờ đã ở trong sân của họ. Vấn đề đảm bảo từ Mỹ về tương lai của một thỏa thuận được khôi phục là điểm mấu chốt. Chúng tôi tin rằng trao đổi tù nhân là một vấn đề nhân đạo... không liên quan đến hiệp định hạt nhân. Chúng tôi có thể làm điều đó ngay lập tức”, ông Amirabdollahian nói. Thực tế, Tehran cho đến nay vẫn từ chối nói chuyện trực tiếp với Washington. Bộ trưởng Ngoại giao Iran khẳng định, các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ chỉ có ý nghĩa nếu Washington dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt hoặc giải phóng số tài sản của Iran bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài.

Iran từ lâu đã khẳng định chương trình hạt nhân của họ là hòa bình nhưng việc quốc gia này tránh xa các nghĩa vụ theo JCPOA đã khiến đối thủ trong khu vực là Israel và các cường quốc trên thế giới lo ngại. Tehran kể từ đó bắt đầu làm giàu uranium có độ tinh khiết lên tới 60% - một bước kỹ thuật ngắn so với 90% cần thiết để chế tạo bom nguyên tử và quay những máy ly tâm tiên tiến hơn nhiều so với những máy được phép theo thỏa thuận. Các nhà đàm phán từ Iran và các bên còn lại của thỏa thuận JCPOA gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đang làm việc tại Vienna (Áo) để khôi phục lại sự sống cho hiệp định, vốn đã cấp cho Iran các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết các nhà đàm phán của ông vẫn đang đưa ra các lằn ranh đỏ của Tehran và yêu cầu các đảm bảo pháp lý, chính trị-kinh tế rằng Mỹ sẽ không một lần nữa vi phạm hiệp định như Tổng thống Donald Trump từng làm vào năm 2018. Thứ nữa, Mỹ và các bên khác của JCPOA phải cam kết không sử dụng một cơ chế tích hợp gây tranh cãi trong JCPOA. (Cơ chế, được gọi là “snapback”, cho phép các bên tham gia thỏa thuận, ngoại trừ Iran, áp dụng lại tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Iran mà không có sự đồng ý của các bên tham gia khác nếu Iran không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận).

Ông Amirabdollahian khẳng định, Iran sẽ không từ bỏ ranh giới đỏ của mình và trong trường hợp không có được thỏa thuận, Tehran cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi nước này đã giảm sự giám sát của quốc tế đối với chương trình nguyên tử của mình, ngay cả khi các kỹ sư của nước này đang chạy đua trong quá trình sản xuất các công nghệ làm giàu uranium tiên tiến và nhiên liệu hạt nhân. Hiện Iran cũng đã nhân cơ hội Hội nghị An ninh Munich để kết bạn và thắt chặt hơn nữa quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.

Chi Anh
.
.