Khủng hoảng nhân sự ngoại giao của ông Biden

Thứ Tư, 17/11/2021, 10:31

Sau hơn 9 tháng cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang rất nỗ lực thay đổi các chính sách “rút lui” của người tiền nhiệm nhằm đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt thế giới. Nhưng, chính sách đối ngoại này đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu nhân sự ngoại giao để triển khai.

Tính đến ngày 5-11, Tổng thống Biden đã đưa ra 78 đề cử đại sứ nhưng chỉ 7 người trong số đó, tương đương 9%, được Thượng viện xác nhận. Sự chậm chạp này đang khiến cho vị trí đại sứ tại nhiều quốc gia quan trọng trong chiến lược đối ngoại của ông Biden bị bỏ trống - ngay cả nước Anh là đồng minh thân cận bậc nhất cũng chưa có đại sứ.

Các chuyên gia nói rằng việc đến thời điểm này mà chỉ có một phần nhỏ đại sứ được bổ nhiệm là điều không bình thường. Tổng thống Biden luôn khẳng định “Nước Mỹ đã trở lại” nhưng tình trạng khan hiếm người đại diện ngoại giao này đang làm mất đi ý nghĩa của thông điệp ông muốn đưa ra. Chắc hẳn, các ưu tiên hàng đầu về cơ bản vẫn đang được giải quyết nhưng rất nhiều sáng kiến có giá trị đang chờ các đại sứ đến thực hiện. Thật khó tạo được động lực trong mối quan hệ với một quốc gia khi mà đội ngũ triển khai mối quan hệ đó lại đang hoạt động không hết công suất.

Khủng hoảng nhân sự ngoại giao của ông Biden -0
Bà Cindy McCain.

Một minh chứng cho vấn đề này là trong vụ lùm xùm hợp đồng mua bán tàu ngầm hạt nhân với Australia vừa qua khiến nước Pháp nổi giận, thế nhưng trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Mỹ-Pháp đang “nóng” lên như thế lại không có Đại sứ Mỹ tại Paris để xử lý vấn đề một cách thấu đáo với Tổng thống Pháp Macron. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cũng phàn nàn việc thiếu nhân sự ngoại giao đang gây ách tắc trong việc triển khai nhiều chính sách. Bà Sherman cho biết, trong chuyến công du Trung Quốc vừa qua nếu bà có sự tháp tùng của một đại sứ tại Trung Quốc thì kết quả thương thảo với đối tác có lẽ sẽ khá hơn nhiều.

Tình trạng khủng hoảng nhân sự ngoại giao hiện tại phản ánh thực trạng chính trị phân hóa mạnh mẽ và thậm chí phân hóa ngay trong Thượng viện Mỹ. Hai Thượng nghị sĩ cực hữu là Ted Cruz (bang Texas) và Josh Hawley (bang Missouri) đã cố tình kìm hãm tiến trình thông qua nhân sự ngoại giao bằng cách lợi dụng cơ chế lá phiếu đồng thuận để phản đối Thượng viện thông qua nhân sự.

Ông Cruz chống lại việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, vì thế ông muốn chính quyền Mỹ phải áp dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn cản việc này. Văn phòng của ông Cruz tuyên bố ông quyết tâm sử dụng mọi biện pháp có thể để buộc chính quyền Mỹ phải áp lệnh trừng phạt. Còn ông Hawley thì đòi Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin từ chức sau “thất bại” trong việc rút quân khỏi Afghanistan vừa qua.

Khủng hoảng nhân sự ngoại giao của ông Biden -0
Thượng nghị sĩ Josh Hawley và Thượng nghị sĩ Ted Cruz.

Một vấn đề lớn khác cũng đang ảnh hưởng đến tiến trình thông qua nhân sự ngoại giao đó là việc Thượng viện đang có quá nhiều việc phải giải quyết trong chương trình nghị sự dày đặc và do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc nhóm họp trực tiếp để thông qua nhân sự theo cách truyền thống sẽ rất khó khăn. Nếu không thể bỏ phiếu trực tiếp tại tòa nhà Quốc hội thì Thượng viện cũng có thể thông qua nhân sự bằng cách bỏ phiếu bằng giọng nói.

Đây là cách làm để thông qua đến 90% nhân sự dưới thời các Tổng thống George W. Bush và Obama. Nhưng, hai ông Curz và Hawley không đồng ý bỏ phiếu bằng giọng nói mà đòi hỏi phải thông qua theo đúng quy trình trực tiếp tại tòa nhà Quốc hội. Sự giằng co này của hai ông khiến các lãnh đạo đảng Dân chủ bực tức cho rằng hai ông đã chơi trò chính trị với lợi ích quốc gia, là điều khó chấp nhận được.

Tuy nhiên, bất chấp sự giằng co của hai ông Cruz và Hawley, tình hình cũng có tiến triển chút ít vào tháng 10 khi Thượng viện xác nhận bằng hình thức bỏ phiếu bằng giọng nói cho 4 đại sứ, gồm: Cựu Thượng nghị sĩ Jeff Flake làm đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ; bà Cindy McCain, vợ của cố Thượng nghị sĩ John McCain, làm đại sứ tại Cơ quan Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên Hiệp Quốc; cựu Thượng nghị sĩ Tom Udall làm đại sứ tại New Zealand; bà Victoria Reggie Kennedy, vợ góa của cựu Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, làm đại sứ tại Áo. Đáng chú ý là cả 4 người đều có mối liên kết với Thượng viện, một ưu thế không phải ứng viên nào cũng có.

Tốc độ xác nhận nhân sự ngoại giao quá chậm khiến Hiệp hội Ngoại giao Mỹ (AFSA) đưa ra cảnh báo. AFSA vừa là công đoàn vừa là hiệp hội nghề nghiệp của ngành ngoại giao Mỹ với 17.000 thành viên tại 6 cơ quan và bộ, ngành. Chủ tịch AFSA Eric Rubin nhận định: “Không có quốc gia nào không cử đại sứ một cách thường xuyên, kịp thời và không có quốc gia nào khác trong lịch sử có nhiều vị trí đại sứ bị bỏ trống trong một thời gian dài như vậy”.

Các vấn đề về bổ nhiệm nhân sự ngoại giao của Tổng thống Biden còn xuất hiện ngay cả trong hàng ngũ nhân viên ngoại giao, đặc biệt là những người thuộc phái cấp tiến. Đây là những nhà ngoại giao kỳ cựu, phục vụ lâu năm trong ngành ngoại giao của Mỹ.

Những người này đã rất thất vọng khi ông Biden không chiều theo ý họ phá bỏ truyền thống đề cử những người có mối quan hệ mật thiết với tổng thống và có đóng góp tài chính lớn cho chiến dịch tranh cử vừa qua. Việc ông Biden tuyên bố “sẽ cất nhắc những nhà ngoại giao kỳ cựu” khi ông vừa nhậm chức khiến nhiều người hy vọng sẽ được ông quan tâm, chú ý, tạo cơ hội thể hiện mình nhưng nay chứng kiến các đề cử hoàn toàn khác, không như mong đợi, cho nên thất vọng.

An Châu (Tổng hợp)
.
.