Làn gió mới ở Ecuador
Khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 của Ecuador chính thức được công bố hôm 16/10, phần lớn người dân của đất nước này cũng như những nhà quan sát quốc tế mới ngỡ ngàng nhận ra, họ đã có một gương mặt mới trên sân khấu chính trị.
Chiến thắng bất ngờ
Ông Daniel Noboa sinh ngày 25/11/1987, là con trai của tỷ phú Alvaro Noboa - một trong những người giàu nhất Ecuador. Mặc dù sinh ra ở một trong những gia đình nổi tiếng nhất đất nước nhưng hồ sơ chính trị của ông Daniel Noboa có thể nói là "không có gì". Người ta biết đến Daniel Noboa chủ yếu với tư cách là một doanh nhân, con trai và người kế thừa được lựa chọn của tỷ phú Alvaro Noboa - người cũng đã từng 5 lần tham gia tranh cử tổng thống nhưng đều thất bại hơn là với tư cách một chính trị gia.
Tập đoàn Noboa của gia đình ông Daniel là nơi sản xuất và xuất khẩu chuối chủ lực của đất nước với văn phòng trên khắp thế giới cùng đế chế tài sản hàng tỷ USD. Sớm tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình từ năm 18 tuổi, ông Daniel Noboa có 3 bằng thạc sĩ từ các trường đại học tại Mỹ. Dù có chân trong quốc hội Ecuador từ năm 2021, nhưng trong giai đoạn này ông chủ yếu sinh sống làm việc ở Mỹ khi đang theo học ngành Truyền thông chính trị và Quản trị chiến lược tại Đại học George Washington.
Là một "nghị sĩ mờ nhạt", ông Daniel Noboa chỉ thực sự được biết tới khi ông đứng ra bác bỏ Luật Đầu tư mới do Chính phủ tiền nhiệm đề xuất vào tháng 3/2023. Hành động này đã khiến Tổng thống Guillermo Lasso cầm quyền từ năm 2021 phải tuyên bố giải tán Quốc hội và thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm vào tháng 8/2023. Ông Daniel Noboa đã thành lập đảng riêng của mình ngày 30/5/2023 có tên đảng Hành động dân chủ quốc gia (ADN) để tiến vào chính trường. Dù còn non trẻ, nhưng đảng ADN đã giành được 15 số ghế ở quốc hội mới dẫn để hậu thuẫn cho ông Daniel Noboa tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm nay.
Trước và trong suốt thời gian đầu của cuộc bầu cử, ông Daniel Noboa không hề được coi là ứng viên mạnh mẽ đáng lưu ý. Những ứng cử viên nặng ký khi đó là bà Luisa Gonzalez đến từ Phong trào Cách mạng công dân do cựu Tổng thống nổi tiếng Rafael Correa ủng hộ, ứng cử viên đối lập Yaku Perez, cựu Phó tổng thống Otto Sonnenholzner hay Jan Topic, một chính trị gia được quân đội hậu thuẫn. Tuy nhiên, sau vụ ám sát dẫn đến cái chết của ứng viên tiềm năng khác là nhà báo Fernando Villavicencio vào ngày 9/8/2023 ngay tại một buổi míttinh vận động tranh cử ở thủ đô Quito đã tạo nên bước ngoặt.
Nếu cuộc thăm dò dư luận đầu tháng 8/2023 còn cho thấy bà Gonzalez dẫn đầu với 29,3% tỷ lệ ủng hộ. Ông Perez nắm giữ 14,4% trong khi hai ông Sonnenholzner và Topic lần lượt nắm giữ 12,4 và 9,6%. Sự ủng hộ khi đó dành cho ông Noboa là "không đáng kể" ở mức 3,7% và ông được dự đoán sẽ không thể vượt qua cuộc bầu cử vòng 1 vào ngày 20/8/2023. Tuy nhiên, sau vụ ám sát ứng viên Fernando Villavicencio, một bộ phận lớn cử tri Ecuador đã quay sang ủng hộ ông Noboa làm đảo ngược lại những dự đoán ban đầu khi đem đến 23% số phiếu bầu cho ông ở vòng 1, biến ông thành đối thủ của bà Gonzalez trong cuộc đấu quyết đấu trực tiếp ở vòng 2 hôm 15/10 vừa qua. Chiến dịch tranh cử trong tháng cuối cùng tập trung vào những người trẻ với đối tượng sinh viên tại các trường đại học đã đem đến chiến thắng quyết định cho ông Noboa với 52% số phiếu bầu. Ở tuổi 35, ông Daniel Noboa trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Ecuador và là nguyên thủ quốc gia trẻ thứ hai trên thế giới, đồng thời là nguyên thủ quốc gia được bầu cử dân chủ trẻ nhất thế giới hiện nay.
Cương lĩnh thách thức
Không được đánh giá cao bởi kinh nghiệm chính trị nhưng ông Noboa được cho là đã đưa ra một cương lĩnh tranh cử đầy tham vọng nhắm vào tất cả những vấn đề trọng yếu của Ecuador là vấn nạn bạo lực, việc làm và kinh tế yếu kém.
Dù sở hữu lượng tài nguyên dầu khí lớn nhưng trong những năm qua kinh tế Ecuador khá èo uột. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) tăng mạnh nhờ giá dầu lên cao trong hai năm 2020, 2021 nhưng nền kinh tế vẫn lâm vào khủng hoảng khi phần lớn thu nhập từ dầu mỏ thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp ở Ecuador hiện là 8,6% cao hơn mức bình quân khu vực Mỹ Latinh (khoảng 8,1%). Tỷ lệ nghèo đói (thu nhập dưới 5,5 USD/ngày) của Ecuador hiện ở mức trên 30% theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), cao thứ 3 Mỹ Latinh. Nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ nên người trẻ Ecuador rất khó tìm được việc làm trong các lĩnh vực mới trong khi tội phạm trở thành một trong những vấn đề nhức nhối nhất.
Bạo lực đã gia tăng trong những năm gần đây khi các băng đảng ma túy và tổ chức tội phạm quốc tế từ Mexico và Colombia mở rộng hoạt động ở Ecuador, một quốc gia ven biển có vị trí chiến lược giữa các khu vực sản xuất cocaine hàng đầu ở Peru và Colombia. Điều này đã biến Ecuador, từng là một trong những quốc gia yên bình nhất ở Mỹ Latinh, hiện đang trên đà trở thành quốc gia bạo lực thứ ba trong khu vực, sau Honduras và Venezuela. Từ tháng 1 đến tháng 6, cảnh sát Ecuador ghi nhận 4.374 vụ giết người, với khoảng 19 người thiệt mạng mỗi ngày. Số vụ cướp trong năm 2022 lên tới 31.485 vụ, cao hơn 50% so với năm 2020. Nạn bạo lực đường phố trở nên phổ biến với những vụ thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng. Chính điều này đã thúc đẩy người dân quay sang bỏ phiếu cho ông Daniel Noboa khi ông dường như là người quyết liệt nhất trong số những ứng viên còn lại muốn trấn áp vấn nạn tội phạm này. Ông Noboa đã từng tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vai trò của lực lượng quân đội trong cuộc chiến chống tội phạm và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.
Không bị phụ thuộc nhiều vào hệ thống chính trị hiện tại, ông Daniel Noboa mang đến sự trẻ trung, mới mẻ và cả kỳ vọng thay đổi cho nền chính trị trì trệ của quốc gia. Với đế chế kinh doanh rộng lớn, gia đình Noboa đem đến hy vọng về sự thay đổi cho người trẻ, những người không nhìn thấy cơ hội của mình sau những năm tháng đất nước chìm trong khủng hoảng chính trị, bê bối tham nhũng và bạo lực. Tuy nhiên, giữa tham vọng và thực tế luôn có những khoảng cách rất xa.
Những khó khăn
Khó khăn đầu tiên của ông Noboa trong nhiệm kỳ của mình là ông không có nhiều thời gian. Quyết định giải tán quốc hội cũng như bầu cử sớm của cựu Tổng thống Guillermo Lasso khiến cho nhà lãnh đạo kế nhiệm chỉ có thể ngồi ở nhiệm sở trong phần còn lại của nhiệm kỳ dang dở mà ông Lasso để lại. Cụ thể, ông Noboa chỉ làm Tổng thống đến tháng 5/2025, với một nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử là 18 tháng. Với chương trình nghị sự đầy tham vọng của mình, thời gian dành cho ông Noboa nói đúng ra là không đủ.
Santiago Basabe, giám đốc Hiệp hội Khoa học Chính trị Ecuador nhận định: “Ông ấy (Daniel Noboa) phải đối mặt với sự bất an". Nhà theo dõi chính trị hàng đầu Ecuador cũng sớm đưa ra lời khuyên cho vị tân Tổng thống: "Ông ấy nên thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ những người nghèo khó nhất và tạo cơ hội cho giáo dục đại học”, bởi “Ngoài điều đó ra, tôi không nghĩ ông ấy có thể làm được gì nhiều hơn trong thời gian này” - Trích phát biểu của ông Basabe trên truyền hình nhà nước ngay sau khi ông Noboa thắng cử.
Chưa hết, ông Noboa cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh hệt như người tiền nhiệm Lasso khi không có sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội Ecuador. Đảng ADN của ông chỉ chiếm 10% số ghế, quá thấp để có thể hỗ trợ ông trong bất cứ nỗ lực chính trị nào. Lực lượng cánh tả hùng mạnh của cựu Tổng thống Rafael Correa, được biết tới với tên gọi "phong trào Correista" sẽ vẫn chiếm phần lớn ghế trong Quốc hội do bà Gonzalez lãnh đạo. Năm 2020, ông Correa bị kết án vắng mặt 8 năm tù vì tội tham nhũng dù ông từng giữ chức tổng thống từ năm 2007 đến 2017 và hiện đang sống lưu vong ở Bỉ. Tuy nhiên ảnh hưởng của ông Correa đến chính trị Ecuador vẫn còn rất lớn khi Phong trào Cách mạng công dân của ông vẫn đang chiếm 52 trên 137 ghế của quốc hội mới. Tổng thống sắp phải rời khỏi nhiệm sở Guillermo Lasso cũng từng là một người chống lại phong trào Correista và đã thất bại. Ông Noboa cố gắng tránh sai lầm của người tiền nhiệm khi mô tả mình là một người trung tả, tuy nhiên, gốc gác doanh nhân giàu có trước khi vào chính trường khiến cho ông Noboa bị coi là Lasso 2.0.
Sự chia rẽ chính trị trong nước cùng những phức tạo trong đời sống xã hội đã ngăn cản Ecuador tiến lên trong gần 1 thập kỷ vừa qua. Khi ông Daniel Noboa bước vào tranh cử với khẩu hiệu "xây dựng một nền chính trị trẻ, một nền chính trị mới", nhiều người nhìn thấy ở đó hy vọng. Tuy nhiên, thời gian mới là thước đo cho những quyết tâm của vị tổng thống trẻ tuổi. Còn ngay lúc này, hãy chúc mừng ông Daniel Noboa vì đã bước vào tiếp quản Palacio de Carondelet, dinh tổng thống của Ecuador.