Libya: Cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên nhiều rủi ro

Thứ Sáu, 29/10/2021, 07:31

Lần đầu tiên trong lịch sử, Libya sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo của một tổng thống sau cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, Libya cũng phải trải qua nhiều giằng co chính trị. Có người muốn, có người không.

Sau nhiều ngày trì hoãn, cuối cùng Ủy ban Bầu cử tối cao quốc gia (HNEC) của Libya cũng ra thông báo sẽ tiến hành việc đăng ký ứng cử viên vào cuối tháng 10 này và vào đầu tháng 11 sẽ bắt đầu mở quy trình đề cử ứng viên. Tiến sĩ Emad al-Sayeh, người đứng đầu HNEC cho biết, cuộc bầu cử sẽ được tiến hành qua 2 vòng bỏ phiếu, trong đó vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử quốc hội. Mỗi ứng cử viên tổng thống sẽ phải thu thập đủ 5.000 người đề cử để được phép ra ứng cử.

1_image006.jpg -0
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (bên phải) chào đón Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah tại hội nghị Berlin.

Zara Linghi, một thành viên của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) của Liên Hợp Quốc, cho biết HNEC hiện là cơ quan có đủ khả năng đứng ra bảo đảm về mặt thể chế cho cuộc bầu cử Tổng thống Libya. Bà nói: “Có những rủi ro khi tổ chức bầu cử nhưng sẽ có nhiều rủi ro hơn nếu không tổ chức bầu cử. Sự ổn định của Libya sẽ được quyết định bởi nền dân chủ hợp pháp và thiết lập lại trật tự chính trị”.

Libya đã trải qua một thập niên bất ổn định, tính hợp pháp chính trị không đảm bảo sau khi nền tảng chính trị của đất nước này bị lung lay do việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Những chính quyền được dựng tạm bởi các thế lực bên ngoài đều không được xem là hợp pháp. Mỹ và một số cường quốc khác đang gây áp lực lên giới chính trị Libya để thúc đẩy sự ủng hộ đối với cuộc bầu cử, bởi đất nước Libya sẽ không bao giờ được khôi phục trở lại nếu được điều hành bởi các chính quyền bất hợp pháp.

Có 2 vấn đề lớn giới quan sát chính trị cho rằng đang cản trở cuộc bầu cử này. Thứ nhất, đó là sự không đồng tình từ trong nội bộ chính trị Libya. Vấn đề thứ hai cũng chính là mối lo của nhiều người xung quanh an ninh cho cuộc bầu cử.

Những người đang nắm quyền trong cái gọi là thể chế chính trị lâm thời do Liên Hợp Quốc và các cường quốc phương Tây bảo trợ tại Tripoli không muốn có cuộc bầu cử này. Lý do rất đơn giản, trước hết là họ sợ sau cuộc bầu cử sẽ không còn được ngồi trên chiếc ghế quyền lực tạm thời này nữa, vì vậy muốn trì hoãn, dây dưa để kéo dài thời gian nắm quyền.

Chính phủ lâm thời Libya được Liên Hợp Quốc và các cường quốc phương Tây dựng lên vào tháng 2-2021, với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cho việc thống nhất toàn lãnh thổ Libya và chuẩn bị mọi điều kiện để tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ nhất xem như không thể hoàn thành, bởi đất nước Libya còn lâu mới thống nhất theo đúng nghĩa của từ này. Hiện tại, nước này chỉ tạm thời yên ổn nhờ một thỏa thuận ngừng bắn nhưng tính ổn định của thỏa thuận đó cũng không chắc chắn. Vì vậy, nguy cơ an ninh là rất lớn, với dự báo chiến dịch tranh cử sẽ gặp phải những sự cố an ninh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng các ứng cử viên.

2_image004.jpg -0
Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah.

Việc chuẩn bị bầu cử cũng lắm gian truân. Một hội nghị về hòa bình Libya đã diễn ra tại Berlin (Đức) hồi tháng 6-2021, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 15 cường quốc, trong đó có cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tại hội nghị này, việc bầu cử tổng thống và quốc hội được đặt ra và đi đến thống nhất lấy ngày 24-12-2021 là ngày bầu cử. Vấn đề hết sức gay cấn được đặt ra tại hội nghị này là việc rút toàn bộ 20.000 quân của các lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi Libya thì vẫn bỏ ngỏ, chưa đạt được thỏa thuận. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng việc rút quân nước ngoài khỏi Libya cần được tiến hành từng bước, theo lộ trình thỏa thuận giữa các bên liên quan.

Lực lượng quân sự chính thức và lính đánh thuê Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại miền Tây Libya từ nhiều năm qua và họ cho rằng đến Libya bằng con đường hợp pháp, do chính quyền ở Tripoli mời đến. Sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đề tài nhiều năm qua ở Libya và trên thế giới.

Dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị Berlin mơ hồ về cơ sở pháp định cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, tạo cơ hội cho những người không muốn có cuộc bầu cử tìm cách trì hoãn nhằm kéo dài thời gian nắm quyền. Mỹ và các cường quốc đã gây áp lực để buộc chính quyền Tripoli dừng việc tổ chức một “hội nghị về sự ổn định” tại Tripoli, với mục tiêu trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Một bản dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị này đã nêu rõ mục tiêu này, đồng thời chuẩn bị kế hoạch để “giải băng” tài sản Libya ở nước ngoài và chuyển chúng về tay chính quyền lâm thời.

Mỹ và phương Tây muốn thúc đẩy nhanh tiến trình bầu cử, chậm nhất là tháng 12-2021, để “khôi phục tính hợp pháp thể chế” cho Libya, nhằm chấm dứt tình trạng chia đôi Đông - Tây như hiện nay. Nhiều người cũng mong muốn cuộc bầu cử diễn ra để tái lập chính quyền hợp pháp ở đất nước Libya. Nhưng, thực tế việc tái lập đó diễn ra như thế nào thì chưa ai có thể hình dung. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình một số quan điểm trong bản dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị Berlin, trong đó có việc giao cho EU giám sát lệnh cấm vận vũ khí. Những người trong nội bộ chính quyền lâm thời Libya thì lo ngại sau cuộc bầu cử, hiến pháp sẽ được vận hành như thế nào và với một tổng thống nắm toàn quyền trong tay, đất nước lại chia rẽ với nhiều vùng cát cứ.

An Châu (Tổng hợp)
.
.