Liz Truss - Gương mặt mới trên chính trường Anh
Việc Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss trở thành một ứng cử viên trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và trong tương lai sẽ là chiếc ghế Thủ tướng Anh là một điều đáng được chú ý, bởi vì chỉ cách đây chừng 2 năm, bà được cho là ngày càng xa rời, chứ đừng nói đến việc có chân trong hàng ngũ chạy đua quyền lực của xứ sở sương mù.
Theo đuổi sự nghiệp kinh doanh với tư cách là Giám đốc thương mại của Shell và Giám đốc kinh tế của Cable & Wireless, bà chỉ bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị một cách nghiêm túc từ năm 2010, khi được bầu làm nghị sĩ đảng Bảo thủ đại diện cho vùng nông thôn Tây Nam Norfolk. Một số tổ chức của đảng này tại địa phương từng kêu gọi gạt bỏ bà khi có thông tin về mối quan hệ ngoài hôn nhân của bà với Mark Field, một nghị sĩ đảng Bảo thủ được chỉ định làm cố vấn cho bà nhiều năm về trước. Tuy nhiên, thủ lĩnh đảng David Cameron đã đứng về phía bà.
Chồng bà, Hugh O'Leary, là một nhân viên kế toán và cũng ủng hộ bà. Liz Truss và chồng có 2 cô con gái đang tuổi thiếu niên là Liberty và Frances. Theo các đồng nghiệp, bà Truss không phải là người có quan hệ rộng. Bà nói đùa với bạn bè rằng bà có một cuộc sống nhàn nhã bên ngoài chính trị - bà dành thời gian đi dạo, nấu ăn với gia đình hoặc đọc sách.
Ban đầu, sự nghiệp của bà ở Westminter rất thuận lợi dưới sự dẫn dắt của cựu Thủ tướng George Osborne, người của đảng Bảo thủ. Bà đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau - ban đầu là Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề về trẻ em và sau đó là Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn, vai trò đưa bà đến với bài phát biểu ca ngợi thị trường thịt lợn của Trung Quốc. Bà trở thành bộ trưởng vào thời điểm căng thẳng giữa chính phủ và cơ quan tư pháp xoay quanh việc thực hiện Brexit đã lên đến cao độ. Sau khi các thẩm phán tại Tòa án cấp cao bị tờ Daily Mail chỉ trích là "kẻ thù của nhân dân" vì khăng khăng cho rằng Quốc hội nên bỏ phiếu thông qua các biện pháp thực hiện Brexit, cơ quan tư pháp nước này đã quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của Truss, nhưng bà đã từ chối. Bà Truss cho rằng sự ủng hộ của bà đối với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí lấn át sự ủng hộ đối với các cơ quan tư pháp độc lập của nước Anh.
Dưới thời Thủ tướng Theresa May, sự nghiệp của bà đi xuống. Bà dừng lại ở vị trí số 2 trong Bộ Tài chính và nhiều người cho rằng sự nghiệp của bà như thế là chấm hết. Tuy nhiên, sự trở lại của bà bắt đầu vào tháng 7-2019, khi ông Boris Johnson trở thành thủ tướng và bổ nhiệm bà - người ủng hộ ông vào vị trí lãnh đạo đảng - làm Bộ trưởng Thương mại quốc tế. Tuy nhiên, vị trí thì có nhưng được cho là không có mấy triển vọng. Thế nhưng, trong 2 năm tiếp theo, bà đã tận dụng vị trí này để xây dựng danh tiếng của mình trong đảng và nổi lên như một người hùng của những người ủng hộ Brexit, dù sự thật rằng bà đã là người ủng hộ việc nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, thời điểm bà Truss được thăng chức lên làm Ngoại trưởng Anh, tháng 9-2021 khi bà ở tuổi 46, là thời điểm bà được "phát hiện". Sự trỗi dậy bất ngờ của bà - một số tờ báo gọi là "Nữ hoàng Liz" - sau đó, được định hình không phải bằng lời nói, mà bằng hình ảnh, chẳng hạn như hình ảnh bà ngồi trên xe tăng trong chuyến thăm Estonia, hay sải bước trên boong tàu sân bay hoặc đứng giữa mô hình quả địa cầu và lá cờ Anh tại văn phòng làm việc, gửi lời chào Giáng sinh đến mọi người. Những hình ảnh này dường như đã phản ánh toàn bộ quá trình chuyển đổi khó lường của bà - từ một bộ trưởng không mấy tên tuổi trở thành thủ tướng tiềm năng của nước Anh.
Bức ảnh được chụp vào tháng 1-2022 đã ghi lại khoảnh khắc Ngoại trưởng Liz Truss đứng trầm ngâm trên bậc thềm của Chevening House - tòa dinh thự 15 phòng ngủ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Palladia - chuẩn bị chào đón quan chức cấp cao từ Brussels đến thăm. Khi Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic đến gần, ông đã vấp ngã dưới chân bà. Trong bức ảnh, bà Liz Truss đưa tay ra đỡ ông này với một nụ cười rạng rỡ. Còn trong chuyến công du toàn cầu sau khi nhậm chức ngoại trưởng, bà đã khiến các nhà ngoại giao nước ngoài sửng sốt trước phong cách của mình. Điều này lại càng khiến nhiều người nhận định câu chuyện về việc bà thay thế Thủ tướng Johnson dường như không còn xa vời.
Trong suốt năm 2021 bà là thành viên nội các nổi bật nhất trong số các nhà hoạt động của đảng Bảo thủ, những nhân vật sẽ chọn ra người kế nhiệm ông Johnson. Liz Truss, người từng đóng vai Margaret Thatcher trong một vở kịch ở trường, không giấu giếm mong muốn theo bước nữ chính trị gia anh hùng và trở thành nữ thủ tướng thứ ba của nước Anh. Việc bà nhiệt tình ủng hộ quyền tự do, thương mại tự do, thuế thấp và một bộ máy nhà nước nhỏ gọn đều là sự lặp lại những hành động của bà Thatcher trước đây và điều này đã giúp bà Truss gây được tiếng vang đối với những người ủng hộ đảng Bảo thủ. Hình ảnh bà ngồi trên chiếc xe tăng ở Estonia như đã nói ở trên, dường như là động thái cố tình bắt chước hình ảnh "Bà đầm thép" nổi tiếng thời Chiến tranh Lạnh.
Liz Truss sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Oxford. Bố bà là giáo sư toán học và mẹ bà là y tá kiêm giáo viên, đều thuộc cánh tả, ủng hộ việc nước Anh đơn phương giải trừ hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và không quá coi trọng Margaret Thatcher. Nhưng, cô con gái Liz Truss lại bị cuốn hút bởi cách "Bà đầm thép" đứng lên giữa quần hùng. Thậm chí, sự ác cảm của cha mẹ bà lại là động lực thôi thúc bà "đến gần hơn" với "Bà đầm thép".
Sau khi tốt nghiệp trường công ở Leeds, bà theo học tại trường Đại học Oxford để tìm hiểu về triết học, chính trị và kinh tế. Truss là một người cấp tiến nhưng chưa phải là thành viên đảng Bảo thủ. Thay vào đó, bà trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ tự do tại Oxford và đã có một bài phát biểu gay gắt tại Hội nghị đảng Dân chủ tự do năm 1994 ủng hộ phong trào kêu gọi bãi bỏ chế độ quân chủ. Bà tuyên bố: "Chúng tôi - những người theo đảng Dân chủ tự do - tin vào cơ hội cho tất cả mọi người. Chúng tôi không tin rằng mọi người được sinh ra để nằm dưới sự cai trị". Còn theo lời kể của David Laws, Cựu Bộ trưởng Nội các thuộc đảng Dân chủ tự do, lãnh đạo đảng khi đó là Paddy Ashdown từng lẩm bẩm: "Nếu chuyện này xảy ra, thì đảng này đã không còn".
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Truss gia nhập đảng Bảo thủ. Bà nói với bạn bè rằng chuyến đi đến Đông Âu vào những năm 1990 là một sự kiện quan trọng đối với mình. Một đồng nghiệp của bà nói: Những quốc gia đó vừa giành lại tự do và cảm giác tự do mới tìm được ngập tràn trong lòng Truss. Đó là một trong những lý do khiến bà hành động theo bản năng như vậy và cho rằng mọi người đang cố gắng khôi phục sự tự do đó.
Sức hấp dẫn của bà đối với các nhà hoạt động thuộc đảng Bảo thủ ngày nay không phải là điều khó hiểu. Một bộ trưởng thân cận với bà nói: "Bà ấy thích được so sánh với Margaret Thatcher". Một cựu thành viên nội các nói về Liz Truss: "Mọi nữ nghị sĩ đều bị đặt câu hỏi là họ có giống Margaret Thatcher hay không. Nhưng, có vẻ như bà ấy đang thực sự chuyển tải điều đó bằng sự gợi mở có chủ ý của mình. Điều đó phản ánh sự bộc trực và cách nhìn nhận của bà".
Một trong những lời được cho là "Tuyên ngôn của Truss", được viết vào năm 2021 cùng 4 đồng nghiệp theo chủ nghĩa Thatcher, là tác phẩm mang tên "Britannia Unchained" (tạm hiểu là Tháo xiềng cho nước Anh) ca tụng các thị trường tự do. Trong tác phẩm này có đoạn nhận xét: "Người Anh nằm trong số những người lười biếng nhất, làm việc ít giờ nhất, nghỉ hưu sớm nhất và năng suất kém nhất thế giới". Theo cuốn sách này, Anh nên ngừng tham gia các cuộc tranh luận không liên quan về việc chia sẻ miếng bánh giữa sản xuất và dịch vụ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa phụ nữ và đàn ông.
Liệu Liz Truss có thể thuyết phục các cử tri tại các khu vực bầu cử mà đảng Bảo thủ mới giành được ở các khu vực thuộc tầng lớp lao động ở miền Bắc nước Anh tiếp tục bỏ phiếu cho một phiên bản chặt chẽ như vậy của chủ nghĩa bảo thủ thế kỷ 21 hay không là một trong những câu hỏi gây khó khăn cho mọi nỗ lực giành quyền lãnh đạo đảng của bà. Và, Ngoại trưởng Truss cũng không phải không có những vấn đề của mình. Việc giữ thái độ không khoan nhượng về kinh tế và không ưa thích sự đúng đắn về chính trị khiến bà trở thành một nhân vật gây chia rẽ. Nhiều người cho rằng bà là một bộ trưởng mới mẻ, chú trọng đến tư tưởng và không ngừng tỏ ra năng động. Trong khi đó, một vài người khác lại xem bà là một trò đùa chính trị.
Bài phát biểu quan trọng của Ngoại trưởng Liz Truss về chính sách đối ngoại vào năm 2021 có vẻ không được đánh giá cao nhưng đối với một số người, tên tuổi của Truss sẽ còn mãi mãi gắn với bài phát biểu kỳ quặc của bà tại Hội nghị đảng Bảo thủ năm 2014 với ấn tượng không tốt chút nào. Tuy nhiên, 8 năm là một chặng đường dài trong sự nghiệp chính trị của một người. David Gauke, cựu Bộ trưởng Tư pháp Anh thuộc đảng Bảo thủ, cho rằng mọi thứ đã thay đổi. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng bà ấy (Liz Truss) có cơ hội để trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ".