“Loạn” giá vàng, nhà đầu tư cẩn trọng

Thứ Bảy, 16/03/2024, 17:55

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Dù đã được dự báo gia tăng nhưng việc giá vàng nhảy múa, tăng giảm theo giờ, thậm chí rơi tự do chỉ trong một phiên giao dịch luôn chứa đựng những yếu tố rủi ro, nên nhà đầu tư luôn phải thận trọng khi lướt sóng, nhất là khi giá mua và giá bán đang chênh lệch khá lớn.

Giá vàng nhảy múa

Có thể thấy từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tục thiết lập các đỉnh mới. Thông thường sau ngày vía Thần tài, giá vàng luôn giảm, thế nhưng năm nay, giá vàng có những cú đảo chiều ngoạn mục, lúc tăng nóng, lúc lại rơi tự do. Chỉ trong phiên ngày 13/3/2024, giá vàng bốc hơi vài triệu đồng/lượng thì đến ngày 14/3/2024, giá vàng lại bật tăng trở lại.

Chỉ trong phiên chiều ngày 14/3, giá vàng đã tăng hơn 300 nghìn đồng/lượng so với phiên sáng. Theo đó, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng SJC tại 79,2 - 81,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng gần 1 triệu đồng so với thời điểm cuối ngày 13/3.

“Loạn” giá vàng, nhà đầu tư cẩn trọng -0
Muốn đầu tư vàng hiệu quả thì trước tiên nên coi vàng là một tài sản trong danh mục đầu tư dài hạn chứ không phải là một tài sản đầu cơ mua đi bán lại trong ngắn hạn.

Công ty Bảo tín Minh Châu duy trì giá vàng SJC tại 79-80,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). DOJI có mức giá cho vàng SJC tại hai thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 79,1-81,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty Bảo Tín Minh Châu duy trì vàng nhẫn là 68,58 - 70,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng đáng kể so với mốc 69,8 triệu đồng phiên ngày 13/3. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có mức giá cho vàng nhẫn là 67,7 - 69 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết vàng nhẫn tại 67,9 - 69 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chỉ trong 2 ngày, giá vàng nhảy múa chóng mặt tới vài triệu đồng, khiến nhà đầu tư, người mua vàng bất ngờ. Mức chênh lệch hai chiều mua - bán vẫn được duy trì bền bỉ tại ngưỡng khá cao, 2 triệu đồng. Đây không chỉ là lần đầu thị trường vàng biến động lớn đến thế.

Mua vàng nhẫn với giá 71 triệu đồng một lượng, chị Nguyễn Minh Nguyệt (Hà Đông) lỗ nặng chỉ sau một tuần đầu tư. Từng thất bại cách đây hơn một năm vì trót ôm 20 lượng vàng SJC với mục đích đầu tư nên lần này chị Nguyệt cũng lừng chừng, đắn đo mãi mới quyết định xuống tiền mua 10 lượng vàng nhẫn.

“Năm 2022, khi ấy giá vàng SJC là 60 triệu đồng một lượng, tôi đầu tư 20 lượng, vì thấy anh em bạn bè chơi chứng khoán, đầu tư đất nhiều quá, mình lại không biết chơi nên chọn vàng đầu tư cho an toàn. Thế nhưng suốt mấy tháng tôi mua, giá vàng lên xuống thất thường, đến khi có việc làm ăn, tôi đành phải ngậm ngùi bán lỗ mất mấy chục triệu. Lần này tôi xác định mua vàng nhẫn rẻ hơn, không chênh lệch nhiều như SJC, lại thấy đang đà lên nên đầu tư vì nghĩ rằng sẽ lên nữa, nhưng sau 1 tuần tôi lại sốc vì giá vàng rớt xuống dưới 70 triệu. Giá hiện nay vẫn đang tăng giảm chóng mặt, nhưng nếu tôi bán đi là lỗ vì giá mua vào vàng nhẫn vẫn chưa đầy 69 triệu đồng 1 lượng”, chị Nguyệt than thở.

Còn bà Trần Thị Tình (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa tất toán được một sổ tiết kiệm 200 triệu đồng, thấy giá vàng liên tục tăng nóng, bà bàn với chồng mang tiền đi mua 2 lượng vàng SJC, còn lại dồn thêm tiền mua thêm 1 lượng vàng nhẫn. Khi bà mua giá vàng SJC cũng lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 82 triệu đồng và vàng nhẫn hơn 71 triệu đồng. Và chỉ sau vài ngày, bà đã lỗ nặng. Bà xác định nếu không lướt sóng được thì đành để đó tiết kiệm cho con cho cháu sau này.

Theo anh Trần Minh Đức, chuyên gia tài chính một ngân hàng cho biết, diễn biến thị trường vàng thời gian gần đây cho thấy, hiệu ứng tâm lý đám đông đã chi phối dự tính của nhiều người về kỹ năng đầu tư vốn để sinh lời. Nhiều người thấy giá vàng tăng nóng thì lao vào mua vì tâm lý sợ tăng tiếp, còn nhiều nhà đầu tư muốn tranh thủ để kiếm lời. Thế nhưng vàng, hay bất kỳ sản phẩm đầu tư nào cũng có rủi ro, bởi không chỉ là khả năng phán đoán giá tăng - giảm theo cảm tính đối với thị trường, mà đòi hỏi người đầu tư vốn phải tạo lập cho mình kỹ năng phân tích từ nhiều nguồn thông tin để đưa ra quyết định hợp lý cho từng thời điểm.

“Đầu tư lướt sóng với vàng đòi hỏi phải nhanh, lượng cũng phải đủ lớn mới có lợi nhuận. Thực tế, đầu tư lướt sóng như vậy khá nguy hiểm chứ không đơn giản, nhà đầu tư nên cẩn trọng khi giá vàng Việt Nam cách giá vàng thế giới tương đối xa. Cạnh đó, chính sách có thể thay đổi trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới hoạt động mua bán và kinh doanh vàng. Nguyên tắc đầu tư sinh lời là mua tài sản khi giá thấp, bán lại khi giá cao nên khi giá vàng đang tăng nóng, nhà đầu tư không nên mua đỉnh nếu mục đích là kinh doanh, kiếm lời. Muốn đầu tư vàng hiệu quả thì trước tiên nên coi vàng là một tài sản trong danh mục đầu tư dài hạn chứ không phải là một tài sản đầu cơ mua đi bán lại trong ngắn hạn”, anh Đức cho biết.

“Loạn” giá vàng, nhà đầu tư cẩn trọng -0
Người dân đổ xô mua vàng ngày thần Tài.

Kỳ vọng xóa cơ chế độc quyền vàng miếng

Tuy nhiên giá vàng tăng nóng vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có sự bắt tay làm giá của giới kinh doanh vàng khiến giá vàng thay đổi chóng mặt, thậm chí nhiều cửa hàng không sẵn vàng giao cho khách mà phải hẹn cả tháng mới đủ lượng giao dịch, tạo tình trạng khan hiếm, đẩy giá vàng lên cao. Nhiều cửa hàng, người dân vẫn phải xếp hàng để mua vàng.

Anh Nguyễn Minh Lâm, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội cho hay, hiện có một số đầu mối đang găm giữ vàng miếng SJC nhằm gây áp lực đến cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo hướng trao quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp. Với vàng nhẫn 24K, theo anh Lâm, giá vàng nhẫn đã “căng thẳng” từ dịp Tết, nhất là sau ngày Thần Tài khi nhu cầu mua vào lớn hơn bán ra. Đặc biệt khi giá vàng SJC tăng cao, chênh lệch giữa mua vào, bán ra khá lớn, nên nhiều người chuyển sang vàng nhẫn, đẩy giá vàng nhẫn tăng chóng mặt. Một nguyên nhân nữa khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh, là hiện nay người tiêu dùng chuyển từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn để tránh rủi ro vàng miếng SJC rớt giá nếu có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì vậy, nhu cầu vàng nhẫn tăng đột biến so với bình thường, trong khi nguồn cung hạn chế nên đẩy giá vàng nhẫn tăng cao.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ và giá vàng tăng vọt những ngày qua, ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC), góp ý NHNN có thể tạm thời ủy quyền cho một số công ty kinh doanh vàng - là đơn vị trực thuộc các ngân hàng lớn nhập khẩu vàng để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang. Lập tức, giá vàng nhẫn sẽ lùi về ngang bằng với giá thế giới.

Thế nhưng, một số lãnh đạo Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, việc này chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, năng lực tài chính, kinh nghiệm thị trường của những công ty kinh doanh vàng trực thuộc các ngân hàng hết sức khiêm tốn, có thể nhập khẩu vàng mức giá không hợp lý.

Mặt khác, NHNN không có chức năng kinh doanh nên việc ủy quyền cho đơn vị khác nhập khẩu vàng là không phù hợp với Nghị định 24. Giải pháp cốt lõi để hạ nhiệt giá vàng trong nước là NHNN đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 24 theo hướng trả lại việc nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp.

Theo VGTA, NHNN cần điều tra, khảo sát nhu cầu nguyên liệu sản xuất vàng ở tại thời điểm hiện tại (khoảng 20 tấn/năm). Sau đó, NHNN tiến hành khảo sát, kiểm tra quy mô hoạt động, năng lực tài chính, kế hoạch sản xuất… của các doanh nghiệp hàng đầu để chọn đơn vị làm đầu mối nhập khẩu vàng.

Khi đó, NHNN chỉ đóng vai trò cấp hạn mức, giám sát doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ đăng ký mua nguyên liệu từ đơn vị nhập khẩu.

“Loạn” giá vàng, nhà đầu tư cẩn trọng -0
Bà Tình thất thần khi mới mua vàng đã lỗ.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời là một trong các yếu tố chính làm nên sự thay đổi của thị trường 12 năm qua. Theo nghị định này, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Cho đến nay, chỉ duy nhất Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được phép sản xuất, gia công vàng miếng.

Nghị định đã thành công trong việc ngăn chặn cũng như chấm dứt tình trạng vàng hóa. Vàng “thoát ly” ra khỏi các hoạt động và biến số kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự ổn định an toàn của nền tài chính quốc gia. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trước năm 2012 thường xuyên bị thâm hụt, nhưng sau khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã liên tục được bổ sung và tăng lên rất cao hiện nay.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24 cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết. Tuy nhiên, tinh thần chung là Chính phủ và NHNN cần tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa, giảm vàng hóa trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đôla hóa nền kinh tế.

Theo chuyên gia này, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24 đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 12 năm và đã đến lúc cần thay đổi, sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập sự cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.

Đối với quy định về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng cũng cần được rà soát và đánh giá lại. Cụ thể, với doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, NHNN quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Thị trường kỳ vọng sớm sửa Nghị định 24, xóa độc quyền vàng miếng nhưng việc sửa đổi Nghị định 24 cần nhiều thời gian, vì còn phải lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trước khi trình Thủ tướng ký ban hành. Trước mắt, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mong NHNN sớm tăng nguồn cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng và sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới, thu hẹp chênh lệch giá. Bởi những bất cập từ mức chênh lệch so với giá thế giới quy đổi, tình trạng buôn lậu sẽ tăng lên khi chênh lệch giá cao. Điều này không chỉ gây ra thất thu thuế, mà còn khiến thất thoát ngoại tệ. Đã có thời điểm, giá USD trên thị trường tự do tăng bất thường khi vàng miếng SJC nới rộng khoảng cách với vàng thế giới, đặt dấu hỏi lớn về sự liên quan giữa hai thị trường.

Ngọc Mai
.
.