Lý do Mỹ nâng vọt chi tiêu quốc phòng

Thứ Hai, 19/12/2022, 10:30

Hạ viện Mỹ tuần trước đã thông qua dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) trị giá 858 tỷ USD cho năm tài khóa 2023, cao hơn 45 tỷ USD so với đề xuất của Tổng thống Joe Biden.

Mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục

NDAA là một trong những đạo luật quan trọng mà Quốc hội Mỹ phải thông qua hằng năm. Đạo luật đề cập mọi vấn đề liên quan quốc phòng, từ việc tăng lương cho binh lính đến số lượng tàu, thuyền và máy bay được trang bị. Dự thảo NDAA tài khóa 2023 là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện. Dự luật bao gồm một điều khoản do các nghị sĩ đảng Cộng hòa thúc đẩy, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng dỡ bỏ quy định các thành viên trong lực lượng vũ trang bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Lý do Mỹ nâng vọt chi tiêu quốc phòng -0
Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo kỷ lục trị giá 858 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2023.

Bên cạnh đó, dự luật còn có điều khoản chi 2,7 tỷ USD thúc đẩy sản xuất đạn dược, phân bổ 800 triệu USD để tài trợ cho Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine, đồng thời phân bổ 6 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Âu. Ngoài ra, dự luật cho phép bổ sung ngân sách để phát triển vũ khí siêu thanh, đóng cửa cơ sở lưu trữ nhiên liệu số lượng lớn Red Hill ở đảo Hawaii và mua các hệ thống vũ khí hiện có bao gồm cả máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin Corp. và tàu chiến do General Dynamics chế tạo.

Tài trợ cho nhóm này để chống nhóm khác?

Trước khi được thông qua lần cuối, ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm 2023 đã cắt giảm hàng chục triệu USD viện trợ quân sự hỗ trợ các nhóm chống khủng bố ở miền Bắc Syria và Bắc Iraq, nhưng vẫn giữ khoản viện trợ hàng triệu USD cho nhóm vũ trang PKK/YPG vốn đe dọa sự ổn định ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và dân thường địa phương.

Trong nhiều năm và qua nhiều chính quyền ở Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt phản đối viện trợ quân sự của Mỹ - dưới hình thức vũ khí, đạn dược, huấn luyện - và đã hợp tác với lực lượng YPG/PKK (Đơn vị Phòng vệ nhân dân/đảng Công nhân người Kurd). Mỹ cho biết họ hợp tác với YPG/PKK để chống lại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, trong khi các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng việc sử dụng một nhóm khủng bố để chống lại một nhóm khủng bố khác là điều vô nghĩa.

Trong dự luật NDAA của Mỹ, gần 500 triệu USD sẽ được dùng để tài trợ cho các đối tác của Mỹ, bao gồm cả lực lượng khủng bố PKK/YPG. Một bảng đính kèm với dự luật cho thấy 35,81 triệu USD trong tổng số 358,15 triệu USD viện trợ cho Iraq được cho là không chính đáng, vì vậy tổng số tiền đã bị cắt giảm xuống còn 322,2 triệu USD. Bảng này cũng chỉ ra rằng 18,37 triệu USD trong tổng số 183,67 triệu USD mà PKK/YPG sẽ được hưởng lợi từ khoản viện trợ cho đồng minh của Mỹ ở Syria là không chính đáng, vì vậy cuối cùng chỉ hơn 165 triệu USD được phê duyệt cho các hoạt động bao gồm hợp tác chống khủng bố.

Các điều khoản liên quan việc bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ với các điều kiện hạn chế cũng đã bị xóa khỏi phiên bản cuối cùng của dự luật. Trong chiến dịch khủng bố suốt hơn 35 năm qua nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, PKK (đảng Công nhân người Kurd) - bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách tổ chức khủng bố - đã gây ra cái chết của hơn 40.000 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

YPG là một nhánh của PKK ở Syria. Sau vụ tấn công khủng bố ở Istanbul hồi tháng 11 vừa qua khiến 6 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, được cho là do YPG/PKK thực hiện, Ankara đã tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của YPG/PKK ở miền Bắc Iraq, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết một chiến dịch trên bộ có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố vào năm 2013 rằng IS là một tổ chức khủng bố. Kể từ đó, quốc gia này đã nhiều lần bị các nhóm khủng bố tấn công. Để đáp trả, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động các hoạt động chống khủng bố trong và ngoài nước để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo.

Sự khác biệt đáng kể

Dự luật NDAA có phạm vi rất rộng, bao gồm phân bổ 10 tỷ USD từ nay đến năm 2027 để cung cấp vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc) - vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt, nhất là kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8 năm nay. Đây là lần đầu tiên Mỹ phê duyệt ngân sách quốc phòng bao gồm khoản viện trợ cho Đài Loan 10 tỷ USD để mua vũ khí, vào thời điểm vùng lãnh thổ này đang chịu sức ép rất lớn từ lục địa.

Ở đây có 2 vấn đề được đặt ra: thứ nhất, Trung Quốc sẽ coi động thái này là một hành động khiêu khích; thứ hai, có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu Mỹ có thể duy trì mức viện trợ như hiện nay cho Ukraine nếu họ bắt đầu viện trợ vũ khí cho Đài Loan hay không. Theo chuyên gia nghiên cứu Diana Soller đến từ Viện Quan hệ quốc tế Bồ Đào Nha, Đại học Nova de Lisboa, biện pháp này thể hiện một bước mới “hướng tới sự kết thúc chính sách trung lập của Mỹ trong vấn đề Đài Loan”.

Chuyên gia này giải thích: “Mỹ đã có chính sách trung lập với vấn đề Đài Loan trong nhiều năm, nhưng điều này dường như đang biến mất trong các nhánh khác nhau của nền chính trị Mỹ”. Chuyên gia nghiên cứu về châu Á Tiago Ferreira Lopes cho rằng sự hỗ trợ quân sự này khẳng định tầm quan trọng của vấn đề Đài Loan đối với Washington. Ông nêu rõ: “Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc liệu Mỹ có thể duy trì mức viện trợ như đã dành cho Ukraine nếu họ bắt đầu hỗ trợ Đài Loan hay không. Mỹ đang cố gắng chứng tỏ họ có thể giúp đỡ cả Đài Loan và Ukraine, nhưng rõ ràng họ cũng báo hiệu Đài Loan rất quan trọng, vì số tiền 10 tỷ USD giúp Đài Loan mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự là khá lớn.

Bà Soller lưu ý, 10 tỷ USD được dành để cung cấp vũ khí cho Đài Loan là một phần trong gói tổng trị giá gần 858 tỷ USD đã được Hạ viện thông qua cho lĩnh vực quốc phòng và dự kiến sẽ được Thượng viện “bật đèn xanh” vào cuối tháng này. Đạo luật NDAA này “phân bổ 10 tỷ USD hỗ trợ, chứ không phải bán, vũ khí cho Đài Loan - đây là một sự khác biệt đáng kể. Và nó được nhánh lập pháp để xuất, có nghĩa là hai đảng Dân chủ và Cộng hòa dường như đồng ý với tổng thống về điều chỉnh chính sách đối với Đài Loan”. Chuyên gia Lopes nhấn mạnh thêm hạn mức tín dụng 10 tỷ USD này “sẽ cho phép Đài Loan mua vũ khí và vật liệu chiến tranh, cũng như thiết bị sửa chữa máy bay và máy bay không người lái”.

Trần Anh
.
.