Mỹ: Giám đốc Cục Mật vụ từ chức sau vụ ông Trump bị ám sát hụt
Giám đốc Cục Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle đã từ chức chỉ một ngày sau phiên điều trần tại Hạ viện, nơi các thành viên của cả hai đảng kêu gọi bà từ chức sau vụ ông Donald Trump bị ám sát hụt tại cuộc vận động cử tri ở bang Pennsylvania.
Cuộc chất vấn nảy lửa tại Quốc hội
Cuộc chất vấn của Ủy ban Giám sát của Hạ viện đối với Giám đốc Cục Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle đã diễn ra hôm 22/7 vừa qua. Các nhà lập pháp Hạ viện đưa ra nhiều câu hỏi gay cấn xung quanh thất bại của Cục Mật vụ Mỹ trong vụ ám sát hụt ông Trump hôm 13/7. Với cách trả lời câu hỏi nửa vời, bà Cheatle đã khiến các thành viên Ủy ban Giám sát thuộc cả hai đảng nổi nóng và gay gắt kêu gọi bà từ chức.
Trong tuyên bố mở đầu cuộc trả lời chất vấn, bà Cheatle thừa nhận Cục Mật vụ đã thất bại trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho ông Trump vào ngày 13/7, khi để cho một thanh niên 20 tuổi có thể dùng súng nhắm bắn vào cựu tổng thống từ trên mái nhà gần cuộc vận động tranh cử của ông ở Butler, bang Pennsylvania. Chủ tịch Ủy ban Giám sát của đảng Cộng hòa James Comer coi vụ ám sát là “khoảnh khắc kinh hoàng trong lịch sử Mỹ” và yêu cầu bà Cheatle từ chức.
Các nghị sĩ Hạ viện đã liên tục tạo sức ép lên bà Cheatle về việc làm sao có thể xảy ra sai sót an ninh nghiêm trọng như vậy, nhưng bà Giám đốc Mật vụ né tránh nhiều câu hỏi của họ, nhắc nhở các thành viên rằng cuộc điều tra vụ nổ súng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Khi bà Cheatle một lần nữa nói với ông Comer rằng bà không thể nói rõ có bao nhiêu nhân viên mật vụ được giao bảo vệ ông Trump vào ngày xảy ra vụ nổ súng, nữ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene không kiềm được bực tức mà xen vào nhắc nhở bà Cheatle.
Bà Cheatle đã phủ nhận những cáo buộc rằng Cục Mật vụ đã bác bỏ yêu cầu của chiến dịch tranh cử của ông Trump về việc tăng cường an ninh vào ngày 13/7, nói với các nhà lập pháp: “Các yếu tố liên quan được yêu cầu cho ngày hôm đó đã được trao”.
Nhưng, bà Cheatle trở nên mơ hồ hơn khi nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Jordan chất vấn về việc “liệu Cục Mật vụ có từ chối các yêu cầu trước đây về việc tăng cường an ninh tại các sự kiện tranh cử của ông Trump hay không”.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và lãnh đạo phe đa số trong Hạ viện Steve Scalise đã kêu gọi bà Cheatle từ chức. Các thành viên đảng Dân chủ cũng tham gia chỉ trích và ít nhất 2 nghị sĩ là Jamie Raskin và Ro Khanna cũng kêu gọi bà Cheatle từ chức. Nghị sĩ Khanna so sánh tình hình với hậu quả sau vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan năm 1981. Giám đốc Cục Mật vụ khi đó là Stuart Knight đã từ chức vài tháng sau vụ ám sát.
Những thất bại lịch sử của Cục Mật vụ
Trước sức ép từ các nghị sĩ Hạ viện, ngày 23/7, bà Cheatle đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Biden, đồng thời gửi thư từ chức cho toàn thể nhân viên Cục Mật vụ. Trong thư, bà Cheatle viết: “Sứ mệnh trọng đại của Cơ quan Mật vụ là bảo vệ các nhà lãnh đạo và cơ sở hạ tầng tài chính của đất nước chúng ta. Vào ngày 13/7, chúng ta đã thất bại trong nhiệm vụ đó. Sự giám sát chặt chẽ trong tuần qua đã diễn ra rất gay gắt và sẽ tiếp tục được duy trì khi nhịp độ hoạt động của chúng ta tăng lên. Với tư cách là giám đốc của các bạn, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về sai sót an ninh”.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố chấp nhận đơn từ chức của bà Cheatle và cho biết một cuộc đánh giá độc lập nhằm tìm hiểu cặn kẽ những gì đã xảy ra vào ngày 13/7 vẫn tiếp tục: “Tôi mong muốn được đánh giá kết luận của nó. Tất cả chúng ta đều biết những gì đã xảy ra ngày hôm đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.
Trong vụ ám sát hụt ông Trump, thất bại rõ ràng nhất của Cục Mật vụ Mỹ đã được báo chí mô tả khá chi tiết, chẳng hạn như việc tay súng 20 tuổi dường như đã dễ dàng vượt qua được mọi lực lượng an ninh xung quanh khu vực cựu Tổng thống Mỹ vận động cử tri và có thể nổ súng từ một mái nhà cách sân khấu nơi ông Trump đang phát biểu chừng 120 mét. Cuộc tấn công xảy ra bất chấp việc anh ta bị người dự cuộc mít-tinh phát hiện và đã chạm trán với cơ quan thực thi pháp luật. Bà Cheatle thừa nhận rằng các nhân viên mật vụ đã được thông báo về “một cá nhân khả nghi” xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử của ông Trump “ở đâu đó từ 2 đến 5 lần” trước khi thanh niên đó nổ súng.
Vụ ám sát thất bại nhưng khiến ông Trump và 2 người khác tham gia cuộc mít-tinh bị thương và một người tử vong. Vụ ám sát đã gây chấn động chính trường Mỹ và gây sốc cho các nhà quan sát chính trị ở tất cả các bên trong bối cảnh lo ngại lan rộng về sự gia tăng bạo lực chính trị trong một chiến dịch bầu cử đầy căng thẳng.
Vụ việc hiện tại khiến người ta nhớ lại lịch sử hàng loạt vụ bê bối trong quá khứ không xa của Cục Mật vụ Mỹ. Một số vụ việc đáng chú ý khác trong quá khứ cho thấy Cục Mật vụ đã bị bất ngờ, như vụ việc năm 2014, khi một kẻ đột nhập cầm dao nhảy qua hàng rào Nhà Trắng và đi vào qua cửa trước. Văn hóa chung tại cơ quan này cũng nhận được rất nhiều lời chỉ trích, như khi các mật vụ say rượu bị cáo buộc đã đâm xe vào Nhà Trắng năm 2015 hoặc khi các mật vụ phải bị trục xuất về nước vì bị phát hiện thuê gái mại dâm trong khi đảm bảo an ninh cho Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du Colombia năm 2012.
Năm 2011, một tay súng dùng súng trường bán tự động bắn nhiều phát vào Nhà Trắng. Theo tờ Washington Post, Cục Mật vụ khi đó đã “không hề tiến hành kiểm tra sơ bộ Nhà Trắng để tìm bằng chứng hoặc thiệt hại”. Phải mất nhiều ngày sau, cơ quan này mới nhận ra rằng những viên đạn thực sự đã bắn trúng Nhà Trắng sau khi một người giúp việc phát hiện kính bị vỡ và cảnh báo Tổng thống Barack Obama về vụ nổ súng.