Mỹ lại muốn can dự vào WTO

Thứ Ba, 19/10/2021, 09:13

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden luôn lặp lại cam kết ủng hộ các thể chế quốc tế và chuyến công du châu Âu của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhằm phát đi thông điệp Mỹ muốn can dự trở lại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo thông báo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai có chuyến công du châu Âu từ ngày 11 đến 15 tháng 10, với 2 điểm dừng chân đáng chú ý là Sorrento ở Italy và Geneva (Thụy Sĩ). Tại Italy, bà Tai tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20. Còn tại Geneva, bà có cuộc gặp với các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới. Điều đáng quan tâm là các cuộc họp làm việc này đều là họp kín, không công khai với báo giới. Tuy nhiên, bài phát biểu ngày 14-10 của một quan chức thương mại hàng đầu Mỹ tại WTO lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua đã phát đi tín hiệu rằng bà Tai đang thúc đẩy thông điệp của chính quyền ông Joe Biden về việc củng cố quan hệ với WTO vốn bị hủy hoại dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Mỹ muốn “phá băng” quan hệ với WTO

Kể từ khi lên nắm quyền, trong nỗ lực đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã không ngừng đưa ra cam kết ủng hộ các thể chế quản trị quốc tế. “Nhạc trưởng” về thương mại của ông giờ đây đang đóng vai trò phát đi thông điệp đó trên toàn châu Âu khi bà Tai kêu gọi các đối tác hỗ trợ trong công cuộc cải tổ và củng cố WTO vốn đang ở tình thế khó khăn, đặc biệt liên quan đến những kêu gọi cải tổ và phê duyệt những thành viên mới phụ trách giải quyết những tranh chấp thương mại.

Mỹ lại muốn can dự vào WTO -0
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai mang thông điệp đến Geneva.

Phát biểu tại Geneva, Đại diện Thương mại Mỹ Katherin Tai đã tái khẳng định cam kết của chính quyền ông Biden đối với WTO: “Chính quyền Biden-Harris tin rằng thương mại và WTO có thể và nên là một động lực có lợi, khuyến khích cuộc chạy đua lên đỉnh cao và giải quyết những thách thức toàn cầu khi chúng nảy sinh. Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của WTO và tất cả đều muốn tổ chức này thành công”.

Hãng tin Bloomberg bình luận rằng những thông điệp thân thiện của bà Tai hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Robert Lighthizer dưới thời ông Donald Trump. Ông Lighthizer đã luôn chỉ trích WTO và từ chối thăm tổ chức mà ông cho là đã không kiềm chế được các hoạt động thương mại nghiêm trọng nhất của Trung Quốc.

Hiện, tổ chức thương mại toàn cầu 25 năm tuổi này đang đối mặt với những vấn đề về vai trò trong hoạt động thương mại hiện nay và sức ép cải cách nhanh chóng. Liên quan đến vấn đề này, bà Tai đã kêu gọi một "sự điều chỉnh", đặc biệt đối với ban phúc thẩm giải quyết các tranh chấp tại WTO, khẳng định Washington cởi mở với quan điểm của các thành viên khác về cách tái cấu trúc hệ thống giải quyết tranh chấp để "tạo niềm tin rằng hệ thống này là công bằng". Bà Tai cũng lưu ý rằng các điều khoản giải quyết tranh chấp đã khiến các vụ kiện bị kéo dài, tốn kém và gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, bà không đưa ra bất kỳ tầm nhìn cụ thể nào để phục hồi hoạt động của ban phúc thẩm này. Trong một động thái được cho là thể hiện sự can dự của Mỹ đối với WTO trước thềm Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 dự kiến diễn ra ngày 30-11-2021, bà Tai hé lộ rằng Mỹ đang nghiên cứu quyết định dự thảo bộ trưởng trong đó đề cập việc nâng cao công tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và những bài học từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nhằm giúp các cơ quan quản lý biên giới ứng phó tốt hơn với những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Công tác chống đại dịch là một ưu tiên của Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala.

Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu này, bà Tai đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20 tại Italy. Thông điệp của bà tập trung vào “sự cần thiết củng cố hợp tác đa phương trong WTO đối với những vấn đề như khả năng chống đỡ và sẵn sàng ứng phó với đại dịch” cũng như “cải cách WTO, bao gồm tăng cường tính minh bạch đối với vấn đề trợ cấp chính phủ và tạo ra sân chơi bình đẳng cho công nhân Mỹ”. Quan điểm trên của bà Tai “mang âm hưởng” tuyên bố Sorrento mà Hội nghị G20 đưa ra ngày 12-10, trong đó nhấn mạnh cam kết của các bên trong thực hiện cải cách WTO thông qua cách tiếp cận toàn diện và minh bạch.

Hiệu ứng Donald Trump

Cựu Tổng thống Donald Trump đã gây khó khăn cho WTO khi từ chối phê duyệt các thành viên mới cho Ban Phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các vụ kiện và tranh chấp thương mại trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng.

Chính quyền ông Trump chỉ trích WTO vì đã không kiểm soát được một số thành viên, đặc biệt là Trung Quốc, đồng thời cản trở nỗ lực của ông trong việc bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Việc chính quyền ông Trump cản trở quá trình bổ nhiệm các vị trí mới trong Ban phúc thẩm 7 thành viên đã khiến cơ quan này không có đủ thẩm phán để hoạt động và bị tê liệt kể từ cuối năm 2019. Ban phúc thẩm, do Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, gồm 7 thành viên là những chuyên gia pháp lý và thương mại quốc tế có kinh nghiệm lâu năm.

Chính quyền ông Biden có những mối lo ngại của riêng mình và hiện vẫn chưa xác nhận các ứng cử viên tham gia cơ quan giải quyết tranh chấp nói trên. Đó là lý do vì sao một số ý kiến cho rằng thực chất chính sách thương mại của ông Biden cũng giống như của ông Trump. Điểm khác biệt là ông Biden thể hiện chính sách của mình theo đường lối thân thiện hơn. Và sự hiện diện lần đầu tiên của bà Tai tại Geneva là minh chứng cho điều này.

Mặc dù vậy, các quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden như bà Tai đã kêu gọi thực hiện các bước đi nhằm hiện đại hóa WTO để tổ chức này có thể giải quyết tốt hơn những thách thức mà những hoạt động kinh tế hiện nay đặt ra. Sau động thái này của bà Tai, giới quan sát chờ đợi chính quyền ông Biden sẽ đưa ra những bước đi cụ thể liên quan đến những tuyên bố nói trên của nữ đại diện thương mại Mỹ.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.