Mỹ mất dần ảnh hưởng trên “sân nhà” Mỹ Latinh
Việc Mỹ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ tại Los Angeles đầu tháng 6 vừa qua được cho là “cơ hội vàng” để Tổng thống Mỹ Joe Biden thắt chặt quan hệ với Mỹ Latinh và vùng Caribe. Thế nhưng, việc ông Biden không mời các nhà lãnh đạo mà ông cho là “độc tài” của Cuba, Nicaragua và Venezuela đã dẫn tới việc nhiều lãnh đạo quốc gia Mỹ Latinh tẩy chay sự kiện này.
Thay vì đánh dấu việc mở ra một kỷ nguyên mới, Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần này lại bộc lộ rõ tình trạng chia rẽ, rối loạn và thiếu lãnh đạo của châu Mỹ.
Mỹ luôn trông chờ hội nghị thượng đỉnh này sẽ tái thiết các mối quan hệ với khu vực Mỹ Latinh. Danh tiếng của Mỹ ở khắp châu lục đã bị lu mờ trong hơn 2 thập kỷ qua, phần lớn là do khoảng cách quá lớn giữa tuyên bố của họ về vai trò lãnh đạo có ý nghĩa và sự thờ ơ đối với khu vực này. Trong quá khứ, chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh vẫn còn bế tắc, chậm chạp tới mức không thể đáp ứng kịp các nhu cầu của một khu vực đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội.
So với người tiền nhiệm, ông Joe Biden đã có giọng điệu “nhẹ nhàng” hơn nhiều đối với khu vực Mỹ Latinh. Cựu Tổng thống Donald Trump, vốn công khai thể hiện thái độ thù địch và coi thường, thậm chí còn không tham dự hội nghị cấp cao gần đây nhất được tổ chức ở Lima, Peru 4 năm trước. Mặc dù chính quyền hiện tại đã nhận ra rằng khu vực này không giống như cách đây 10 năm hoặc thậm chí chỉ 5 năm nhưng nhận thức đúng đắn này lại không thúc đẩy họ xác định lại các chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Ông Biden đã có những tuyên bố lớn lao về vai trò của Mỹ ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, những cam kết này lại không đi đôi với hành động, như đã thấy rõ trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Trong khi Trung Quốc và Nga đã nhanh chóng theo đuổi chính sách ngoại giao vaccine ở Mỹ Latinh thì phải nhiều tháng sau, chính quyền ông Biden mới bắt đầu tài trợ vaccine cho khu vực này, bất chấp nguồn cung trong nước dư thừa. Thái độ xao lãng này là điều đáng chú ý trong bối cảnh đại dịch gây thiệt hại nặng nề cho Mỹ Latinh: Khu vực này đã ghi nhận gần 1,7 triệu ca tử vong do dịch COVID-19 - chiếm hơn 1/4 số ca tử vong trên toàn thế giới mặc dù chỉ chiếm 8% dân số thế giới. Những hậu quả về kinh tế cũng rất nặng nề: Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe đã giảm 7% vào năm 2020.
Khoảng cách giữa lời nói và hành động cũng thể hiện rõ ràng trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực này. Trong 2 thập kỷ qua, các tập đoàn và ngân hàng Trung Quốc đã nổi lên là lực lượng áp đảo trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng ở hầu hết các nước Mỹ Latinh. Các quan chức Mỹ thường xuyên cảnh báo các nhà lãnh đạo khu vực này về nguy cơ mà sự can dự kinh tế của Trung Quốc có thể gây ra. Tuy nhiên, Mỹ lại không thể sánh với Trung Quốc về khả năng tài chính và các sáng kiến của Mỹ như “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) vẫn chưa sẵn sàng.
Tương tự, lời hô hào bảo vệ thị trường tự do của các quan chức Mỹ vẫn tỏ ra chưa thực chất trong bối cảnh chính quyền ông Biden tiếp tục cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc và các khoản trợ cấp lớn dành cho nông dân Mỹ đã làm tổn hại đến các sản phẩm Mỹ Latinh được bày bán tại thị trường Mỹ. Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã bày tỏ sự quan tâm đến một hiệp định thương mại tự do với Mỹ, nhưng hiện tại ở Washington, một hiệp định như vậy không có khả năng được ký kết. Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Lasso hiện đang tìm kiếm một thỏa thuận tương tự với Trung Quốc.
Mỹ cũng thiếu uy tín về các vấn đề dân chủ và pháp quyền. Lênh cấm vận kéo dài nhiều thập kỷ đối với Cuba - bắt đầu từ năm 1962, được ông Trump tăng cường vào năm 2017 - và các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc đối với Venezuela vào năm 2019 đều là những thất bại về chính sách. Nhiều người Mỹ Latinh nhận ra rằng, chính sách của Mỹ đối với các nước này chủ yếu là do sức ép chính trị trong nước Mỹ chứ không phải vì lợi ích của một cộng đồng nào cả.
Thêm vào đó, Mỹ không còn có thể tự coi mình là một nền dân chủ đáng được noi theo. Nền chính trị hướng nội, phân cực của nước này đã làm suy giảm nghiêm trọng quyền lực đạo đức ngay cả trước khi một cuộc bầu cử dân chủ gần như bị đảo ngược vào tháng 1-2021. Tỷ lệ ủng hộ ông Biden ở mức thấp, cùng với việc đảng Cộng hòa có khả năng tiếp quản Quốc hội vào tháng 11 là điều không thể che giấu. Điều này lý giải tại sao các nhà lãnh đạo trong khu vực tỏ ra nghi ngờ về triển vọng chương trình nghị sự ủng hộ dân chủ của Washington sẽ tồn tại lâu hơn chính quyền hiện tại. Mặc dù nhiều nước Mỹ Latinh cuối cùng cũng thực hiện các bước đi để giải quyết vấn đề bất bình đẳng về chủng tộc và giới tính vốn đã ăn sâu bén rễ tại nơi đây nhưng Mỹ dường như đang trì hoãn, thậm chí thụt lùi trong những vấn đề này.
Mỹ cũng đã đưa ra nhiều hứa hẹn về các vấn đề nổi cộm khác trong khu vực. Mặc dù ông Biden đã nhiều lần cam kết giải quyết nguyên nhân gốc rễ của việc di cư từ Trung Mỹ, đặc biệt là bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Gói viện trợ 4 tỷ USD của chính quyền ông Biden cho khu vực này vẫn chưa được Quốc hội thông qua và các chính phủ Trung Mỹ đã chống lại áp lực từ Mỹ để củng cố pháp quyền. Tổng thống Biden thừa nhận rằng, nhu cầu ma túy ở Mỹ đã thúc đẩy bạo lực và tội phạm có tổ chức ở Mỹ Latinh, nhưng không có một tiến bộ nào trong việc giảm nhu cầu ma túy và hầu như không có nỗ lực nào được thực hiện nhằm chấm dứt cuộc chiến chống ma túy thất bại mà Washington đã dẫn đầu ở Tây bán cầu trong nhiều thập kỷ.
Không ai kỳ vọng chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh thay đổi trong một sớm một chiều. Việc xây dựng lại lòng tin đã mất là một quá trình lâu dài và khó có thể giải quyết tại một hội nghị cấp cao. Chính phủ Mỹ cần sớm theo đuổi và thể hiện các cam kết nghiêm túc trong việc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn hoặc có nguy cơ xa lánh hơn nữa một khu vực đang trở nên xa cách và vỡ mộng với nước láng giềng phương Bắc.