Nâng tầm quan hệ Nga - Triều

Thứ Bảy, 22/06/2024, 10:05

Kết quả nổi bật nhất trong chuyến thăm CHDCND Triều Tiên ngày 19/6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đó là việc lãnh đạo hai nước đã ký kết văn kiện quan trọng - Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một bước nâng tầm quan hệ hai nước giữa những thách thức chiến lược toàn cầu...

Tổng thống Nga Putin đã đặt chân đến Bình Nhưỡng sáng sớm ngày 19/6, mở đầu chuyến thăm CHDCND Triều Tiên 1 ngày. Ông được nhà lãnh đạo Kim Jong-un đón tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, sau đó di chuyển qua những con phố rực rỡ của thủ đô, ngang qua các tòa nhà được trang trí cờ Nga và chân dung của nhà lãnh đạo Nga. Khi hai nhà lãnh đạo tiến vào quảng trường Kim Nhật Thành, hàng chục nghìn người đã tập trung chờ sẵn, trong đó có trẻ em cầm bóng bay và người dân mặc áo phông phối hợp màu đỏ, trắng, xanh của cờ Nga và CHDCND Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng, chưa bao giờ CHDCND Triều Tiên chào đón vị nguyên thủ quốc gia nào long trọng như thế.

Nâng tầm quan hệ Nga - Triều -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Cuộc hội đàm trong chuyến thăm này là lần thượng đỉnh thứ hai của Tổng thống Nga Putin với ông Kim trong 9 tháng qua. Tháng 9 năm ngoái, trong Hội nghị thượng đỉnh ở Vladivostok, Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã đạt được các thỏa thuận hợp tác kinh tế (năng lượng, lương thực) và quân sự đáng chú ý, trong đó Nga sẽ giúp đỡ chương trình không gian của CHDCND Triều Tiên.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc hội đàm, Tổng thống Putin cảm ơn Chủ tịch Kim vì sự hỗ trợ của CHDCND Triều Tiên đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, gọi đây là một phần của “cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại các chính sách bá quyền đế quốc của Mỹ và các vệ tinh của nước này chống lại Liên bang Nga”. Kết quả, sau nhiều giờ thảo luận, hai bên ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện - một hiệp hước vô cùng quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Phát biểu sau lễ ký kết, Chủ tịch Kim gọi thỏa thuận này là “hiệp ước mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” được ký kết giữa hai nước, nâng mối quan hệ lên “cấp độ liên minh cao hơn”. Ông nói, hiệp ước này sẽ dẫn đến sự hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn; đồng thời ca ngợi thỏa thuận này là “đẩy nhanh việc tạo ra một thế giới đa cực mới”.

Theo giới quan sát, một điểm quan trọng đáng chú ý trong hiệp ước là hai nước đã lồng vào một điều khoản phòng thủ chung và điều này sẽ làm tăng thêm cảnh báo của phương Tây về mối quan hệ kinh tế và quân sự ngày càng tăng giữa CHDCND Triều Tiên và Nga.

“Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện được ký ngày hôm nay cung cấp, cùng với những điều khác, sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành vi gây hấn chống lại một trong các bên tham gia thỏa thuận này”, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass dẫn lời ông Putin nói trong bài phát biểu đầu tiên của mình trong chuyến thăm CHDCND Triều Tiên sau 24 năm.

Giới quan sát chưa hiểu rõ được hình thức hỗ trợ sẽ diễn ra như thế nào và không có thông tin chi tiết về thỏa thuận được công khai. Tổng thống Putin sau đó mô tả sự hợp tác quốc phòng nêu trong hiệp ước này mang tính “phòng thủ”, trên cơ sở quyền tự vệ của CHDCND Triều Tiên. Ông nói thêm rằng, Nga sẽ không loại trừ khả năng phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với CHDCND Triều Tiên.

Nâng tầm quan hệ Nga - Triều -0
Lễ đón chính thức Tổng thống Nga tại sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng

Chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Putin được giới chức chính trị cũng như ngoại giao, quân sự phương Tây theo dõi với sự chú ý rất cao. Trong hơn 2 năm qua, phương Tây luôn quan ngại về mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Moscow và Bình Nhưỡng giữa lúc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra những bình luận gay gắt về chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Putin. Ông Blinken cho rằng Nga đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về vũ khí, đạn dược từ CHDCND Triều Tiên để sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ở chiều ngược lại, Nga cũng hỗ trợ Bình Nhưỡng trong nhiều lĩnh vực về kinh tế, khoa học, an ninh, quân sự, đặc biệt là các cơ chế “chống cấm vận” một cách hiệu quả.

Trong một bài báo được truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đăng tải, Tổng thống Putin đã nêu rõ: “Chúng ta sẽ phát triển các cơ chế thương mại thay thế mà phương Tây không kiểm soát và cùng nhau chống lại các lệnh trừng phạt. Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng một cấu trúc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở Á-Âu bất chấp sức ép, sự bắt nạt và các mối đe dọa quân sự của Mỹ”.

Chính quyền Tổng thống Biden hoàn toàn nhận thức được những tác động “tiêu cực” về mặt chiến lược và địa chính trị của việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ Nga-Triều. Nhưng, về mặt thực tế, việc chính quyền Mỹ cố gắng cản trở tiến trình này hầu như không có tác dụng gì. Đến thăm khu phi quân sự Bàn Môn Điếm vào tháng 4/2024, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield thừa nhận việc Mỹ thiếu “đòn bẩy” trong đối sách với CHDCND Triều Tiên nên đã đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc là hai nước “che chở cho CHDCND Triều Tiên”. Ông kêu gọi Nga và Trung Quốc “đảo ngược tiến trình và... thúc giục Bình Nhưỡng lựa chọn biện pháp ngoại giao, đến bàn đàm phán để cam kết đối thoại mang tính xây dựng”.

Nhưng, người Mỹ dường như chỉ muốn phía đối phương nhượng bộ chứ chưa bao giờ tự mình chủ động chìa “cành ô liu” ra một cách thực chất để cho đối phương thấy rằng “có thể tin tưởng” vào thiện chí của Washington. Kể từ thời ông Donald Trump làm tổng thống, Washington rất ít có liên hệ với Bình Nhưỡng. Sau sự sụp đổ của cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Kim tại Hà Nội vào năm 2019, các cuộc đàm phán với Washington và các đối tác của họ về bình thường hóa quan hệ, dỡ bỏ lệnh trừng phạt và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ hoàn toàn. Chủ tịch Kim đã rút ra kết luận rõ ràng và thay đổi chiến thuật. Ông chuyển hước hoàn toàn sang Moscow - Bắc Kinh. Chủ tịch Kim trở thành người ủng hộ Tổng thống Putin đến cùng trong chiến dịch quân sự Ukraine.

An Châu (Tổng hợp)
.
.