Nhà kinh tế học làm Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga
Ngày 12/5, Tổng thống Nga Putin phê chuẩn ông Andrey Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các mới. Điều này đã khiến báo chí phương Tây ngạc nhiên, bởi ông Belousov chưa một ngày nào phục vụ trong quân đội.
Vì sao ông Belousov, một nhà kinh tế học, lại được giao nhiệm vụ chỉ huy Bộ Quốc phòng trong bối cảnh Nga đang có xung đột tại Ukraine và đối đầu với NATO ở nhiều nơi trên thế giới?
Andrei Belousov là ai?
Andrey Belousov đã chính thức trở thành Bộ trưởng Quốc phòng thứ 9 trong lịch sử nước Nga. Quyết định này thật bất ngờ vì ông là người không xuất thân quân ngũ đầu tiên giữ chức vụ này. Ông Belousov chưa bao giờ phục vụ trong các cơ quan thực thi pháp luật và dành phần lớn sự nghiệp của mình để làm việc với tư cách là một nhà kinh tế hàn lâm.
Việc bổ nhiệm nhà kinh tế 65 tuổi này thể hiện mong muốn hiện đại hóa bộ máy công nghiệp-quân sự hơn là việc nối lại quan hệ với Ukraine. Chắc chắn ông Andrei Beloussov quan tâm đến các vấn đề quân sự, nhưng vị tiến sĩ kinh tế và toán học nổi tiếng liêm khiết này, trên hết lại là một chuyên gia về các vấn đề công nghiệp.
Ông Beloussov tiếp xúc với quyền lực từ những năm 2000, giữ chức Cố vấn của Thủ tướng Nga, trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế vào năm 2012. Năm sau, ông còn trở thành Cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin, tham gia Hội đồng quản trị của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft vào năm 2015. Do đó, việc xuất hiện một hồ sơ lý lịch như vậy đối với người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga dường như nhằm mục đích hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả của tổ hợp công nghiệp-quân sự, nơi tham nhũng thường được mô tả là đặc hữu.
Cách đây vài tuần, Timur Ivanov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bị bắt vì tội tham nhũng. Ông Andrei Beloussov chắc chắn sẽ được yêu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế Nga sang nền kinh tế chiến tranh, vốn đã được triển khai ngay từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine. Tất nhiên, không có thay đổi nào liên quan đến xung đột ở Ukraine
Việc bổ nhiệm này cũng có một ý nghĩa: Việc tiến hành hoạt động quân sự giờ đây hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của Bộ Tổng tham mưu quân đội, cũng như Điện Kremlin. Bởi vì sự thay đổi trong phương thức hoạt động của lực lượng Nga hiện chưa được dự kiến. Điện Kremlin thông báo rằng Valery Gerasimov, Tham mưu trưởng chịu trách nhiệm về các hoạt động ở Ukraine, vẫn giữ quyền chỉ huy. Do đó, điều này không thể hiện sự thay đổi hướng đi.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Choigou vấp phải nhiều chỉ trích về cách quản lý xung đột ở Ukraine. Hiện diện bên cạnh ông Vladimir Putin trong những tháng đầu tiên Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng sau đó ông Choigou ít khi xuất hiện trong khi những khó khăn của quân đội Nga ngày càng nhân lên. Vấn đề chỉ huy, phối hợp, hậu cần, thiếu đạn dược, chưa kể cáo buộc tham nhũng. Ông Choigou đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp trong 12 năm. Sau đó, ông được bổ nhiệm vào Bộ Quốc phòng, năm 2012. Ông được thăng cấp tướng, mặc dù thiếu kinh nghiệm quân sự cấp cao.
Một khoảng trống mà Yevgeny Prigozhin, cố chỉ huy của Tập đoàn quân sự Wagner, sẽ không bao giờ ngừng nhắc nhở về cuộc nổi dậy và bị loại bỏ vào tháng 6/2023. Ông Sergei Choigou đã để lại một đội quân Nga già cỗi, chịu tổn thất nặng nề trên thực địa. Đội quân này dường như đang giành lại thế chủ động trên mặt trận Ukraine nhưng vẫn gặp vấn đề về chỉ huy.
Quan điểm khác lạ của Tân Bộ trưởng Quốc phòng
Belousov là nhân vật kỳ cựu của giới tinh hoa chính trị Nga, người đã giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ hơn 20 năm qua. Trong những năm này, ông đã cho thấy sự chuyên nghiệp và tầm nhìn độc đáo của mình về tương lai nước Nga.
Theo ông, trong quan hệ với phương Tây và sứ mệnh của Nga, Nga nên đi theo con đường chủ nghĩa bảo thủ hiện đại hóa để có thể bảo tồn các giá trị truyền thống của phương Tây. Phương Tây đã từ bỏ những giá trị truyền thống này và chuyển sang tư duy phản truyền thống trong khuôn khổ chủ nghĩa hậu hiện đại. Ông cho rằng, điều quan trọng là bảo tồn các giá trị truyền thống của phương Tây, hay còn gọi là các giá trị của nền văn minh Thiên Chúa giáo phương Tây, nền văn minh châu Âu.
Và, Nga có thể trở thành người bảo vệ những giá trị này. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật. Ở phương Tây, có một số tầng lớp nhất định và một bộ phận đáng kể của xã hội gắn liền với các giá trị truyền thống này. Về mặt này, họ có thể nắm lấy cơ hội mà Nga mang lại cho họ để bảo tồn một số giá trị.
Liên quan đến toàn cầu hóa, quan điểm của ông Belousov là một thế giới đơn cực. Tư tưởng này bao gồm cốt lõi Anglo-Saxon và châu Âu “cũ” tham gia vào và họ cùng nhau thống trị thế giới. Và rồi, bằng cách nào đó, Nga hòa nhập vào thế giới này. Nhưng, hệ tư tưởng của một thế giới đa cực là phát triển một sự tự lực nhất định, tương tự như khái niệm về bản ngã của Carl Jung. Nó khác với “nhân cách” hay “mặt nạ” mà một người đeo. Tất cả các quốc gia có chủ quyền nên sở hữu khái niệm về “cái tôi” này.
Bàn về “bản ngã” của một dân tộc, ông cho rằng không có lựa chọn nào khác cho Nga ngoài việc đạt được hoặc tái khám phá “cái tôi” này. Một số người nói rằng Nga có nguồn lực khổng lồ với những con người tài năng. Điều đó đúng. Nhưng, điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để hình thành bản ngã của người Nga là nền văn hóa vĩ đại. Nga có bản sắc văn hóa riêng. Nhà văn Dostoevsky nhìn thấy rất rõ điều đó. Dostoevsky, đặc biệt là trong các tác phẩm như “Nhật ký của nhà văn”, đã thể hiện điều đó chính xác 100%. Nhiều nhà văn khác của thế kỷ 19 và 20 cũng đã nói về điều này. Đó là nguồn lực quan trọng nhất mà người Nga cần sử dụng. Người Nga mang trong mình quy tắc văn hóa này.
Điều đó được thực hiện thông qua nhiều cơ chế khác nhau - thông qua lòng yêu nước, giáo dục, kinh nghiệm của cha ông... Nếu Nga muốn giải quyết vấn đề này, các nhiệm vụ kinh tế sẽ chỉ là thứ yếu. Chúng phức tạp, nhưng ông Belousov chắc chắn rằng Nga có thể giải quyết chúng, bởi vì về cơ bản, nước này có mọi thứ cần thiết để đạt được điều này.
Nói về giới tinh hoa Nga, ông Belousov cho rằng mọi người không thể nhìn về cùng một hướng. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ và sẽ không bao giờ xảy ra. Đặc biệt là ở nước Nga. Đất nước luôn bị đánh dấu bởi những giá trị bị chia rẽ, tình trạng này luôn trở nên tồi tệ hơn trong các thời kỳ đổi mới. Và, ông Belousov thậm chí còn không nhắc về cuộc cách mạng Nga, khi quân đoàn sĩ quan của nước này chia làm hai: 50% ủng hộ phe Đỏ (người Bolshevik) và 50% ủng hộ phe Trắng (các lực lượng chống cộng đã chiến đấu với những người Bolshevik). Những người này là ai?
Họ đã hình thành nên giới thượng lưu theo một kiểu đặc biệt. Điều tương tự cũng xảy ra vào những năm 1990, khi một sự chia rẽ lớn xảy ra trong xã hội Nga. Việc buộc mọi người phải đi theo một hướng nhất định là khá khó khăn, thậm chí là không thể và phản tác dụng. Nhưng, phải có một cốt lõi xã hội nào đó sẽ tạo ra môi trường này. Cốt lõi này không liên quan gì đến kinh tế, nó liên quan đến ý nghĩa.
Xem xét tình hình, ông Belousov sẽ đặt sản xuất lương thực lên hàng đầu, bởi vì Nga sở hữu một phần đáng kể đất đai màu mỡ trên thế giới. Tất nhiên, còn có năng lượng, bao gồm cả dịch vụ năng lượng và an ninh năng lượng. Nga cũng có thể cung cấp an ninh quân sự. Trong một số lĩnh vực, nước này có thể cung cấp công nghệ và ở những lĩnh vực khác là hậu cần vì một số hành lang vận tải xuyên lục địa đi qua Nga. Vì vậy, nước này có thứ để cung cấp cho thế giới.
Về chiến lược của Nga trong thập kỷ tới, khi trả lời câu hỏi một nền kinh tế quốc gia lớn như Nga nên áp dụng chiến lược nào trong vòng 5 đến 10 năm tới, ông Belousov cho rằng câu trả lời khá đơn giản: cần đảm bảo tính bền vững chiến lược và điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc hình thành các liên minh quốc gia bền vững. Vì vậy, bản chất chiến lược của Nga là xây dựng liên minh với các nước thân thiện.
Một cấu trúc lưỡng cực mới đang nổi lên, nhưng cũng có một cuộc đối đầu mới giữa các khối. Theo ông Belousov, điều này không hoàn toàn đúng. Thay vào đó, Nga cần xem xét một hệ thống liên minh - chẳng hạn như khi các cường quốc tham gia vào một số liên minh, bao gồm cả các liên minh đa phương và song phương. Và, kết quả là thế giới đa cực được hình thành.
Ông Belousov cho biết chủ quyền không có nghĩa là độc lập hoàn toàn. Chủ quyền có nghĩa là đất nước và xã hội có thể đạt được các mục tiêu quốc gia. Nếu bạn có thể đặt ra mục tiêu và đạt được chúng thì bạn là một quốc gia có chủ quyền. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia có thể làm được điều này, nhưng châu Âu thì không. Châu Âu đã mất chủ quyền.
Và, ông Belousov thậm chí không nhắc về một số quốc gia mà không phải do ở đó có chế độ độc tài chính trị hay điều gì tương tự. Đơn giản là các nước này thiếu khái niệm về chủ quyền bao hàm cả tình trạng của một xã hội, bản sắc văn hóa và sự sẵn có của các nguồn lực để phát triển hơn nữa. Đầu những năm 2000, Nga cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng nhưng đã vượt qua. Nhưng, ông Belousov nói rằng, khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn hoặc ở ngã ba đường, mô hình huy động của nền kinh tế không phải là lựa chọn duy nhất, mà là mấu chốt.
Về mục tiêu của ông Belousov với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ Quốc phòng Nga hiện đang tiến hành một hoạt động quân sự đặc biệt. Đương nhiên, những vấn đề cấp bách chủ yếu đều liên quan đến vấn đề cung cấp các thiết bị quân sự và chuyên dụng tiên tiến nhất, đạn pháo, tên lửa, thiết bị bảo vệ cá nhân cho binh lính, thiết bị liên lạc, máy bay không người lái, công cụ tác chiến điện tử,... Phạm vi của những vấn đề này là rất lớn. Mỗi hướng đều có kế hoạch hằng tháng, nhưng việc thực hiện chúng đòi hỏi sự chú ý hằng ngày và thường là hằng giờ. Đây là điều tiên quyết.
Thứ hai, đối thủ thích nghi nhanh chóng. Bối cảnh sử dụng công nghệ mới đang thay đổi hằng tuần. Trong bối cảnh đó, Nga không những phải học hỏi, theo kịp mà còn phải đoán trước được bước đi của đối thủ. Nỗ lực này, phối hợp với Bộ Tổng tham mưu Nga, đang diễn ra nhưng cũng đòi hỏi sự tham gia hằng ngày - nước này phải phân tích việc áp dụng các công nghệ mới và phát triển các phương pháp chiến đấu mới.
Điều cần thiết là phải đảm bảo sự hội nhập hoàn toàn của nền kinh tế lực lượng vũ trang vào nền kinh tế quốc gia rộng hơn. Với mức tăng chi tiêu quốc phòng một cách khách quan, hiện đã vượt quá 6,7% GDP của đất nước, nhiệm vụ này rất phức tạp và nhiều mặt, chủ yếu liên quan đến việc tối ưu hóa chi tiêu quân sự.
Ông Belousov muốn nhấn mạnh tối ưu hóa không có nghĩa là cắt giảm bừa bãi, nó có nghĩa là tăng hiệu quả. Mọi việc có hiệu quả, mọi tiến bộ ở nước Nga đều phải góp phần giành thắng lợi, hoàn thành mục tiêu của lực lượng vũ trang. Ông Belousov hoàn toàn nhận thức được trách nhiệm với đất nước, nhân dân Nga và Tổng thống Liên bang Nga. Đúng như dự định bổ nhiệm, ông Belousov cam kết sẽ cống hiến hết sức lực và cả tính mạng nếu cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông sẽ tuân thủ một nguyên tắc vững chắc: “Việc mắc sai lầm là có thể chấp nhận được nhưng nói dối thì không”.