Nhật Bản: Nội các chính phủ lao đao vì bê bối

Thứ Ba, 03/01/2023, 14:49

Những ngày cuối năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lại đối mặt với những trở ngại chính trị gay gắt sau khi Bộ trưởng Tái thiết của ông trở thành thành viên thứ tư trong nội các dính bê bối và phải từ chức trong vòng 2 tháng qua. Những bê bối trong thời gian qua khiến Chính phủ Nhật Bản lao đao có một phần liên quan đến nhà thờ Thống nhất.

Ông Kenya Akiba tuyên bố từ chức hôm Thứ ba sau khi các nghị sĩ đối lập cáo buộc ông vi phạm luật bầu cử và có quan hệ với nhà thờ Thống nhất, một nhóm tôn giáo gây tranh cãi có mối liên hệ với đảng cầm quyền đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Kishida xuống mức thấp kỷ lục.

“Tôi rất coi trọng trách nhiệm của mình với tư cách là người đã bổ nhiệm các nhân sự này. Bằng cách nâng cao trách nhiệm chính trị của mình, tôi hy vọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là thủ tướng” - ông Kishida nói với các phóng viên sau khi ông Akiba xin từ chức.

Nhật Bản: Nội các chính phủ lao đao vì bê bối -0
Thủ tướng Fumio Kishida gặp khó khăn do những bê bối trong nội các.

Theo truyền thông Nhật Bản, ông Kishida đã yêu cầu ông Akiba từ chức, một phần để ngăn vụ bê bối can thiệp vào các cuộc tranh luận sắp tới của quốc hội về dự luật ngân sách, trong đó bao gồm việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng mà ông Kishida đã lập luận là cần thiết để chống lại các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đối với Nhật Bản.

Ông Akiba cũng bị cáo buộc xử lý sai các quỹ bầu cử và chính trị cũng như có quan hệ với nhà thờ Thống nhất - thường được gọi là Moonies. Những tiết lộ rằng nhóm tôn giáo Moonies có mối liên hệ với nhiều chính trị gia của đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã đeo bám ông Kishida kể từ sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 7/2022.

Tetsuya Yamagami, hung thủ đã bắn ông Abe khi ông đang có bài phát biểu tranh cử ở thành phố Nara, đã nói với các nhà điều tra rằng y bắn ông Abe vì tin rằng ông ấy có quan hệ với Moonies. Yamagami cho rằng Moonies là nguyên nhân khiến gia đình y phá sản.

Ông Akiba đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhà thờ Moonies, nhưng thừa nhận rằng chi nhánh LDP mà ông lãnh đạo đã trả 48.000 yên cho hai thực thể có liên quan đến Moonies.

Ông Kishida đã ra lệnh điều tra về tài chính và tổ chức của nhà thờ Moonies, trong tháng này đã ủng hộ một luật mới để giúp đỡ các nạn nhân của các phương pháp gây quỹ gây tranh cãi, nhưng việc ông Akiba từ chức đã làm dấy lên những chỉ trích mới về phán quyết chính trị của ông.

Trước ông Akiba đã có một số thành viên nội các chính phủ của ông Kishida từ chức. Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Daishiro Yamagiwa đã từ chức vào tháng 10 sau khi không giải thích được mối quan hệ của mình với nhà thờ Moonies. Tháng 11, Bộ trưởng Tư pháp Yasuhiro Hanashi cũng đã từ chức sau khi bông đùa về án tử hình. Còn Bộ trưởng Nội vụ Minoru Terada thì bị sa thải vì một vụ bê bối quỹ chính trị.

Cuộc tranh cãi liên tục về nhà thờ Moonies dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới. Nhà thờ Moonies được biết đến với việc tổ chức đám cưới tập thể tại các sân vận động thể thao, được thành lập ở Hàn Quốc vào năm 1954 bởi linh mục Sun Myung Moon, kẻ tự xưng là “đấng cứu thế”, đã rao giảng những cách giải thích mới về Kinh thánh và các giá trị bảo thủ, bao gồm cả đường lối chống cộng mạnh mẽ.

Mặc dù có nguồn gốc từ Hàn Quốc, nhà thờ Moonies lại phát triển mạnh ở Nhật Bản, với hàng trăm nghìn thành viên.

Ở Nhật Bản, tổ chức tôn giáo này có một đồng minh là Kishi, một tội phạm chiến tranh bị cáo buộc nhưng chưa bao giờ bị buộc tội và chủ nghĩa bảo thủ xã hội và chính trị cánh hữu của ông ta phản ánh học thuyết của linh mục Sun Myung Moon. Hai người đã gặp nhau tại một địa điểm gần núi Phú Sĩ vào năm 1967 để thảo luận về sứ mệnh của họ. Theo giáo sư Mark Mullins, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Auckland, những giá trị được chia sẻ tương tự đó duy trì mối quan hệ ngày nay giữa nhà thờ Moonies và LDP.

3 tuần sau khi ông Abe qua đời đã xuất hiện nhiều chi tiết cho thấy mối quan hệ của nhà thờ này với các chính trị gia rất nhiều và rất sâu sắc, từ đó khiến cử tri tức giận và đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của nhà thờ đối với các chính sách của đảng LDP cầm quyền. Mạng lưới Luật sư quốc gia chống buôn thần bán thánh (NNLASS), với 300 luật sư đại diện cho những người tố cáo thiệt hại, cáo buộc nhà thờ Moonies tẩy não các tín đồ để giao nộp số tiền khổng lồ. NNLASS đã nhận được 34.000 khiếu nại liên quan đến Moonies, với tổng trị giá thiệt hại hơn 120 tỷ yên kể từ năm 1987. Các luật sư đã liên tục yêu cầu ông Abe và các nhà lập pháp LDP khác ngừng gửi tin nhắn chúc mừng hoặc xuất hiện tại các sự kiện do nhà thờ Moonies tổ chức. Các luật sư đã phản đối khi ông Abe gửi điện mừng tới một đám cưới tập thể ở nhà thờ Moonies vào năm 2006. Các tiết lộ còn cho thấy các nghị sĩ của đảng cầm quyền và đảng đối lập đã thúc đẩy quan hệ với nhà thờ, từ việc tham dự các sự kiện đến tranh thủ các thành viên trong các chiến dịch để đổi lấy việc vận động cử tri. Đầu tháng 11/2022, Chính phủ Nhật Bản đã mở cuộc điều tra đối với nhà thờ Moonies và các mối quan hệ của chính trị gia với nhà thờ này.

Vấn đề về nhà thờ Moonies bên cạnh những bê bối khác của các cá nhân thành viên nội các đã khiến dư luận cử tri Nhật Bản bất bình, thậm chí phẫn nộ. Những vấn đề bê bối ấy đã khiến mức ủng hộ nội các của ông Kishida giảm gần đến “mức nguy hiểm” và đảng của ông phải đối mặt với các cuộc bầu cử địa phương có khả năng gây tổn hại vào mùa xuân năm sau. Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Kyodo, tỷ lệ ủng hộ nội các đã giảm xuống còn 33,1% - mức thấp nhất kể từ khi ông Kishida nhậm chức thủ tướng vào tháng 10 năm ngoái. Một cuộc thăm dò khác cũng do hãng tin Kyodo công bố cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Kishida đã giảm hơn 12 điểm % xuống còn 51% chỉ trong vài tuần.

An Châu (Tổng hợp)
.
.