Những cuộc “ra đi” gây chấn động

Thứ Hai, 13/12/2021, 09:06

Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Áo đã thay đến 2 thủ tướng. Cáo buộc tham nhũng và gian lận quyền lực đang làm rung chuyển chính trường nước này, với sự “ra đi” của 2 cựu Thủ tướng Sebastian Kurz và Alexander Schallenberg.

Cuộc ra đi gây chấn động nhất là việc cựu Thủ tướng Sebastian Kurz tuyên bố rời khỏi chính trường, gần 2 tháng sau khi ông từ chức thủ tướng do cáo buộc tham nhũng, gian lận quyền lực.

1_image003.jpg -0
Cựu Thủ tướng Sebastian Kurz.

Ông Sebastian Kurz, năm nay 35 tuổi, từng được xem là “cậu bé vàng” của chính trị châu Âu và thế giới khi lên làm Thủ tướng Áo vào tháng 12-2017, khi mới 31 tuổi. Trước đó, ông Kurz cũng từng gây chú ý khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Áo khi mới 27 tuổi - cái tuổi được xem là quá trẻ để một con người đủ trí tuệ để đảm nhiệm công tác đối ngoại vốn đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm từng trải về xã giao, nhất là ở tầm quốc tế. Ông Kurz bỏ học đại học ngành luật ở độ tuổi 20 để tập trung vào chính trị, với địa vị ban đầu là lãnh đạo nhánh thanh niên của đảng Bảo thủ Áo. Ở tuổi 24, ông trở thành Bộ trưởng Hội nhập của Áo, tuyên bố rằng ông muốn “đưa mọi người hòa trung tâm của xã hội” và giúp hòa nhập những người (nhập cư) mới đến. Vì quan điểm đó, người nhập cư rất ưa thích ông Kurz.

Quá trình làm thủ tướng ngắn ngủi của ông Kurz đã trải qua những giai đoạn đầy khó khăn, với những cáo buộc tham nhũng, gian lận và gián điệp gây chấn động nước Áo và châu Âu. Một biến cố chính trị xảy ra vào năm 2019 sau bê bối của Phó Thủ tướng Heinz-Christian Strache khiến liên minh cầm quyền tan vỡ và Thủ tướng Kurz đã bị quốc hội phế truất thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 27-5-2019. Ông đã chính thức bị miễn nhiệm theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Alexander Van der Bellen, thay thế bởi ông Hartwig Loger vào ngày hôm sau.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo năm 2019, ông Kurz lại ra tranh cử với tư cách ứng cử viên hàng đầu cho đảng OVP và đảng OVP của ông đã giành được nhiều phiếu nhất. Sau đó, ông Kurz lãnh đạo các cuộc đàm phán liên minh với đảng Xanh (GRÜNE) kết thúc thành công vào ngày 1-1-2020. Chính phủ thứ hai do ông Kurz lãnh đạo là một chính phủ liên minh bao gồm 2 đảng OVP và GRÜNE, đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7-1-2020.

Các cáo buộc tham nhũng, gian lận quyền lực lại nổi lên, cùng với đó là sự “nổi loạn” chống đối từ trong nội bộ đảng OVP khiến ông Kurz lần thứ hai lâm vào cảnh phải chống đỡ trước áp lực chính trị từ nhiều phía. Các cáo buộc nhắm vào xuất phát từ chính việc ông Kurz lên nắm quyền khi tuổi đời còn rất trẻ. Các công tố viên cáo buộc chính ông Kurz và các cố vấn đã thiết kế con đường để đưa ông lên nắm quyền bằng cách sử dụng tiền ngân sách nhà nước để chi trả cho các cuộc thăm dò dư luận giả mạo và hối lộ một tờ báo lá cải hàng đầu để đăng các kết quả thăm dò này. Ông Kurz đã “phủ đầu” để vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội bằng cách từ chức vào đầu tháng 10-2021. Hồi tháng 11, các nhà lập pháp đã nhất trí bỏ phiếu tước quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ của ông, từ đó cho phép tiến hành một cuộc điều tra chống tham nhũng đối với ông.

Cáo buộc và điều tra chống tham nhũng buộc ông Kurz phải tuyên bố từ chức Thủ tướng vào ngày 9-10 nhưng ông vẫn giữ chức vụ lãnh đạo đảng OVP. Nhiều ý kiến chống đối cho rằng hành động từ chức chỉ là động tác giả của ông Kurz nhằm xoa dịu dư luận, sau một thời gian lắng dịu, ông sẽ quay trở lại nắm quyền như cũ. Tuy nhiên, việc các nhà điều tra làm việc quá ráo riết, quyết tâm làm “cho ra lẽ” các vấn đề khuất tất liên quan đến tham nhũng và gian lận khiến ông Kurz cảm thấy áp lực ngày càng đè nặng lên cuộc sống cá nhân. Ngày 2-12, ông Kurz tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng OVP, qua đó hoàn toàn rút khỏi các hoạt động chính trị. Người ta không rõ ông Kurz có hoàn toàn không dính líu đến chính trị nữa hay không nhưng với tuyên bố này, ông đã gây nên cơn địa chấn lớn trong chính trường Áo. Lâu nay, việc các lãnh đạo chính trị của các quốc gia tuyên bố từ chức do nhận thấy mình không còn đủ uy tín hay do mắc sai lầm chính trị là chuyện bình thường, không có gì đáng bàn. Nhưng, việc một chính khách từng nổi đình đám trên chính trường tuyên bố từ giã chính trường lại là chuyện khác, rất đáng quan tâm.

Nước Đức cũng đang xôn xao với việc bà Angela Merkel rời ghế thủ tướng, trao quyền lại cho người kế nhiệm thuộc đảng SPD, ông Olaf Scholz. Nhưng, sự “ra đi” của bà Merkel là chấm dứt một chặng đường dài đầy vinh quang, danh tiếng lẫy lừng và gây nên sự tiếc nuối cho rất nhiều người. Nó khác với sự “ra đi” của ông Kurz - ra đi trong tai tiếng, với các cáo buộc tham nhũng, gian lận quyền lực vây quanh mình. Trong thông báo từ giã chính trường của mình, ông Kurz nêu ra một số lý do để giải thích, trong đó ông nêu đậm nét vấn đề ông có cảm giác sống trong áp lực của việc luôn phải tìm cách đối phó các cáo buộc và điều tra mà bản thân ông cho rằng mình không làm gì sai. Ông Kurz cũng cho rằng ông muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Đặc biệt là việc vợ ông mới vừa sinh cho ông một cậu con trai và ông muốn dành thời gian để chăm sóc con trai mình. Ông cho rằng mình đã nhận ra cuộc sống “ngoài chính trị còn nhiều thứ khác cũng đẹp và quan trọng không kém”.

Người lên thay ông Kurz trên cương vị Thủ tướng là ông Alexander Schallenberg ngay lập tức đối mặt với những khó khăn bề bộn do ông Kurz để lại và cảm thấy mình không thể “kham nổi”. Vì thế, trong ngày 2-12, ông Schallenberg cũng tuyên bố sẽ từ chức ngay khi đảng OVP bầu được lãnh đạo mới.

Vị thủ tướng thứ 3 của nước Áo là ông Karl Nehammer vừa nhậm chức ngày 6-12 vừa qua. Trong phát biểu đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Nehammer tuyên bố sẽ nghiêm túc giải quyết các vấn đề khúc mắc chính trị mà ông Kurz để lại. Việc ông Kurz từ chức và rút khỏi chính trị đang đặt đảng OVP của ông trước thách thức sống còn - sự tín nhiệm của cử tri trong thời gian tới sẽ như thế nào sau bê bối tham nhũng và gian lận vừa diễn ra.

An Châu (Tổng hợp)
.
.