Nước Mỹ chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực
Ngày 6/1 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã chính thức phê chuẩn kết quả bầu cử Tổng thống. Nội các mới đã được hình thành hoàn chỉnh và ông Donald Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Tuy chưa chính thức nhậm chức, ông Trump cũng đã làm “dậy sóng” khắp nơi trên thế giới, nhất là châu Âu - nơi từng không hòa hợp với ông trong nhiệm kỳ thứ nhất.
Nỗi ám ảnh ngày 6/1
Ngày 6/1 năm nay cũng là tròn 4 năm sự cố bạo loạn tại Điện Capitol khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu phê chuẩn kết quả ông Biden thắng cử năm 2021. Bà Phó Tổng thống Kamala Harris - người vừa thất bại dưới tay ông Trump tháng 11/2024 vừa qua, chủ trì hội nghị.
Khi bà Harris tuyên bố kết quả cuối cùng xác nhận ông Trump thắng cử, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, reo hò của các thành viên đảng Cộng hòa. Như dự kiến, đảng Dân chủ không phản đối kết quả theo bất kỳ cách nào, vì thông lệ lâu đời quy định rằng việc chứng nhận chỉ là thủ tục hình thức trong quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Tuy nhiên, các thủ tục diễn ra trong bối cảnh các biện pháp an ninh chưa từng có từ Điện Capitol và cảnh sát Washington DC, lo ngại sự kiện hỗn loạn ngày 6/1/2021 sẽ lặp lại, khi những người ủng hộ ông Trump cố gắng ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong bối cảnh có cáo buộc sai sự thật rằng “chiến thắng đã bị đánh cắp”.
Trong một bài xã luận được tờ Washington Post đăng trước đó một ngày, ông Biden đã kêu gọi người Mỹ hãy nhớ lại những bài học đau đớn sau vụ tấn công ngày 6/1 vào Điện Capitol. Hơn 1.500 người đã bị buộc tội liên quan đến vụ tấn công ngày 6/1/2021, khiến 9 người tử vong, bao gồm cả cảnh sát. Khoảng 1.000 người tham gia đã bị kết án.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ ân xá cho một số kẻ tấn công ngày 6/1 bắt đầu từ “giờ đầu tiên” ông lên nhậm chức ngày 20/1 tới, nhưng đã có nhiều lời cảnh báo rằng quyết định như vậy có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của tất cả các nhân viên thực thi pháp luật của Mỹ. Bản thân ông Trump cũng đã bị cáo buộc “kích động bạo lực” sau khi phát biểu của ông được cho là tạo động lực cho nhóm người tấn công Điện Capitol.
Đồng minh bất an
Chưa đến ngày nhậm chức mà ông Trump cũng đã đưa ra nhiều vấn đề khiến cho các đồng minh “ăn không ngon, ngủ không yên”. Đầu tiên là câu chuyện áp sắc thuế gây tranh cãi. Cụ thể, cuối tháng 11/2024, ông Trump nói rằng ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico, Canada và các mức thuế bổ sung đối với Trung Quốc, khi ông trở thành Tổng thống Mỹ.
“Vào ngày 20/1, như một trong nhiều sắc lệnh hành pháp đầu tiên của tôi, tôi sẽ ký tất cả các tài liệu cần thiết để áp mức thuế 25% đối với Mexico và Canada với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ”, ông Trump cho biết trong một bài đăng trên diễn đàn Truth Social. Ông cho biết, các mức thuế sẽ vẫn được áp dụng cho đến khi hai nước này siết chặt ma túy, đặc biệt là fentanyl và những người vượt biên trái phép.
Việc áp sắc thuế này đã đẩy Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào tình thế vô cùng khó khăn, bởi cách xử lý vấn đề do ông Trump đặt ra đã tạo nên áp lực chính trị to lớn từ phía đối lập và cả nội bộ đảng Liberal khiến ông Trudeau phải tuyên bố từ chức. Trong khi đó, Mexico có cách xử trí khéo léo hơn, tuyên bố “không có chiến tranh sắc thuế” đối với chính quyền mới của ông Trump và cũng không có chuyện Mexico phải chịu áp lực nào từ phía Mỹ với chuyện áp thuế.
Câu chuyện ồn ào tiếp theo đó là những tuyên bố “gây sốc” của ông Trump về vấn đề “thôn tính” đối với một số quốc gia. Vào dịp Giáng sinh năm 2024, ông Trump đã viết trên diễn đàn Social Truth một câu bông đùa với Thủ tướng Canada Trudeau về việc “Canada nên là bang thứ 51 của Mỹ”, đồng thời đưa ra ý định “muốn mua lại Greenland”.
Ông viết trên diễn đàn rằng “người dân Greenland, nơi mà Mỹ cần vì mục đích an ninh quốc gia, họ muốn Mỹ có mặt ở đó và chúng tôi sẽ làm như vậy”. Tiếp theo, ông lại khiến chính quyền và người dân Panama dậy sóng phản đối khi tuyên bố sẽ “lấy lại” quyền kiểm soát vùng kênh đào Panama” về cho nước Mỹ khi ông lên làm tổng thống.
Khoảng 2 tuần sau khi đưa ra các tuyên bố nêu trên, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Canada Trudeau tuyên bố từ chức, ông Trump đã nhắc lại câu chuyện “bang thứ 51” đối với Canada và lần này khẳng định là “nói nghiêm túc”, không từ bỏ tham vọng “thôn tính Canada”. Điều này đặt chính trường Canada vào tình trạng cảnh giác cao độ, các đảng phái đang “canh chừng” nhau để xem ai nghe theo ông Trump, ai không.
Ngày 8/1, Chính phủ Đan Mạch đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn về vấn đề “thôn tính Greenland” (vì Greenland là vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch). Cả châu Âu cũng lên tiếng phản đối ý định của ông Trump đối với Greenland, chẳng hạn như Đức, Pháp,... đã cảnh báo tuyên bố của ông Trump là bất khả thi, vì không phù hợp luật pháp quốc tế về lãnh thổ quốc gia các nước. Ngoài ra, ông Trump còn gây “bực mình” cho Tổng thống láng giềng Mexico Claudia Sheinbaum với tuyên bố đòi đặt lại tên Vịnh Mexico là Vịnh America.
Giới phân tích bình luận rằng, các tuyên bố về lãnh thổ của ông Trump rất khó khả thi, nhưng việc ông đưa ra tuyên bố mang hàm ý khác, có thể đó là ông muốn tạo “thế” cho mình trong các cuộc thương lượng, mặc cả sắp tới chăng?