Nước Mỹ và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Vì cuộc đua xem như đã bắt đầu

Thứ Ba, 26/09/2023, 11:00

“Đóng cửa chính phủ”, trên thực tế, là một điều quen thuộc, một dạng “đặc sản” của nền chính trị nước Mỹ. Tình trạng ấy thường xuyên diễn ra ở nửa sau của các nhiệm kỳ tổng thống, đặc biệt là nếu đảng đối lập giành được ưu thế rõ rệt ở cuộc bầu cử giữa kỳ, để có thể gây áp lực mạnh mẽ lên tổng thống thuộc đảng cầm quyền tại Nhà Trắng, nhằm giành thêm lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp.

Và hiện tại, đúng như dự báo của giới quan sát quốc tế, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lại thúc đẩy “cuộc chiến chính trường” theo quỹ đạo quen thuộc ấy.

Điều gần như chắc chắn

Chỉ tính từ năm 1976 đến năm 2019, Chính phủ liên bang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã có 17 lần phải “đóng cửa” (shutdown) -  tình huống mà chính phủ buộc phải tạm thời ngừng cung cấp một số dịch vụ công ích không thiết yếu, xảy ra khi không đạt được một thỏa thuận về ngân sách hoạt động của chính phủ giữa Quốc hội và Tổng thống, dẫn tới thiếu ngân sách cho một số cơ quan chính phủ hoạt động.

Nước Mỹ và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Vì cuộc đua  xem như đã bắt đầu -0
Kịch bản đóng cửa chính phủ Mỹ đã ở rất gần.

Lần “đóng cửa chính phủ” lâu nhất lịch sử chính trị Mỹ kéo dài tới 34 ngày, diễn ra vào cuối năm 2018 - đầu năm 2019, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, khi đảng Dân chủ bất đồng với Nhà Trắng về kinh phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, khiến 800.000 trong tổng số 2,1 triệu nhân viên của chính phủ liên bang phải “ngồi chơi xơi nước”.

Thời điểm ấy, nhiều doanh nghiệp địa phương bị đẩy vào cảnh chật vật, vì bị cắt đứt nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho các viên chức chính phủ cũng như các du khách đến thủ đô tham quan những địa điểm nổi tiếng, như tượng đài kỷ niệm và viện bảo tàng. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump buộc phải mời các vị khách là đội vô địch giải bóng bầu dục sinh viên Mỹ đồ ăn nhanh - pizza và hamburger - khi các đầu bếp của Nhà Trắng nghỉ việc không lương.

Còn hiện tại, từ ngày 22/9, Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa chính phủ, khi không hiện hữu kế hoạch khả thi nào nhằm cung cấp kinh phí để chính phủ tiếp tục hoạt động trong ngắn hạn.

Nước Mỹ và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Vì cuộc đua  xem như đã bắt đầu -0
Sự phản chiếu tình trạng phân cực chính trị tại Washington.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thừa nhận rằng không có đủ thời gian để Quốc hội thông qua tất cả 12 dự luật ngân sách trước thời hạn nửa đêm 30/9, nhằm đảm bảo ngân sách duy trì hoạt động của Chính phủ để bắt đầu năm tài chính mới (từ 1/10).

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sau ngày 30/9 gần như là chắc chắn, trừ phi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có thể thuyết phục phe cánh hữu của đảng Cộng hòa cho phép Quốc hội thông qua một biện pháp cấp ngân sách tạm thời, trong khi các cuộc đàm phán tiếp tục.

Hạ viện và Thượng viện Mỹ vẫn được hy vọng sẽ cân nhắc một đề xuất ngắn hạn, để các nhà làm luật có thêm thời gian đàm phán. Đề xuất này sẽ cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết các cơ quan liên bang và gia hạn ngân sách đến hết tháng 10. Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa - chiếm ưu thế ở Hạ viện Mỹ - vẫn bất đồng về dự thảo ngân sách cho phép Chính phủ tiếp tục hoạt động sau ngày 30/9.

Tờ The New York Times khái quát: “Việc chính phủ đóng cửa đồng nghĩa với sự đình chỉ nhiều hoạt động của chính phủ, cho đến khi Quốc hội hành động để khôi phục nguồn tài trợ. Đối với hàng trăm nghìn nhân viên liên bang, điều đó có nghĩa là họ phải nghỉ phép trong khi chính phủ đóng cửa, hoặc tiếp tục làm việc không lương. Đối với công chúng, điều đó thường có nghĩa là phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nhiều dịch vụ của chính phủ và phải đối mặt với hàng loạt bất tiện cũng như gián đoạn trong cuộc sống hằng ngày”.

Tờ The Times làm rõ hơn: “Trong thời gian đóng cửa, chính phủ chỉ có thể chi tiền cho các dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như những dịch vụ liên quan đến thực thi pháp luật và an toàn công cộng. Điều đó có nghĩa là hàng trăm nghìn công nhân liên bang sẽ không nhận được tiền lương kịp thời, trong khi những người khác sẽ bị cho nghỉ phép, điều này có thể gây ra khó khăn tài chính nghiêm trọng cho một số gia đình Mỹ, vào thời điểm nhiều người vẫn đang phải vật lộn với giá cả tăng cao do lạm phát”.

Trước tình hình gay cấn đó, ngày 23/9, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden “đăng đàn” cho biết, từ hồi tháng 5/2023, Nhà Trắng và các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã nhất trí rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục được cấp ngân sách cho các ưu tiên về an ninh quốc gia và các vấn đề thiết yếu trong nước. Ông chỉ trích: "Giờ đây, một nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa cực đoan không muốn tuân thủ thỏa thuận này, vì thế người dân Mỹ có thể phải trả giá", và kêu gọi: "Đã đến lúc phe Cộng hòa làm nhiệm vụ mà cử tri Mỹ đã giao phó cho họ. Hãy thực hiện thỏa thuận!".

Nhưng tất nhiên, bởi đây chỉ là sự lặp lại những gì chính đảng Dân chủ của ông đã thực hiện để công kích cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa hồi năm 2018, nên khả năng lời kêu gọi của người đứng đầu Nhà Trắng hiện tại rơi vào thinh không là không nhỏ.

Vòng lặp và những hệ lụy

Nếu không đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá trước nửa đêm 30/9 (giờ Mỹ), một cách ngắn gọn, sẽ không ai trả lương cho quân đội, lực lượng hành pháp, các chương trình an toàn và hỗ trợ thực phẩm, duy trì xử lý các vấn đề hộ chiếu, lữ hành… Những điều này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, và bởi vậy, hệ quả tất yếu của nó là sự ảnh hưởng tiêu cực toàn cầu.

Nước Mỹ và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Vì cuộc đua  xem như đã bắt đầu -0
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.

Hãng tin Anh Reuters, ngày 25/9, dẫn nhận định của cơ quan đánh giá tài chính uy tín Moodys: Việc chính phủ liên bang buộc phải đóng cửa sẽ làm tổn hại đến uy tín tín dụng của nước Mỹ, một “cảnh báo nghiêm khắc” sau khi hãng Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ hồi tháng trước (xuống AA+), do khủng hoảng trần nợ. 

Nhà phân tích William Foster của Moodys nói với Reuters rằng việc đóng cửa có thể là bằng chứng tiếp theo cho thấy sự phân cực chính trị ở Washington đang làm suy yếu việc hoạch định chính sách tài chính như thế nào. vào thời điểm áp lực ngày càng tăng đối với khả năng chi trả nợ của chính phủ Mỹ do lãi suất tăng cao.

Moody's đánh giá chính phủ Mỹ ở mức "Aaa" với triển vọng ổn định, mức tín nhiệm cao nhất mà tổ chức này dành cho người đi vay, song cũng cho rằng: “Khả năng hoạch định chính sách tài khóa ở Mỹ kém hiệu quả hơn so với nhiều nước được xếp hạng Aaa, và việc buộc phải đóng cửa thêm một lần nữa sẽ là bằng chứng rõ ràng hơn cho sự yếu kém này”.

Bởi vậy, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, Lael Brainard (đồng thời cũng là giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia) nhận xét: “Đánh giá của Moody's nhấn mạnh rằng việc đảng Cộng hòa quyết tâm hướng đến khả năng đóng cửa chính phủ sẽ là liều lĩnh, tạo ra những rủi ro hoàn toàn không cần thiết cho nền kinh tế của chúng ta”.

Nước Mỹ và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Vì cuộc đua  xem như đã bắt đầu -0
Nửa nhiệm kỳ còn lại đang tiếp diễn trong sóng gió với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết báo cáo của Moody's đã đưa ra "bằng chứng bổ sung cho thấy việc đóng cửa có thể làm suy yếu động lực kinh tế hiện tại", tại thời điểm lạm phát và thất nghiệp đều dưới 4%.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc làm của nhân viên liên bang, viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa còn có thể có tác động sâu rộng đến các dịch vụ công của chính phủ cũng như gây thiệt hại cho thị trường tài chính. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính: Cứ mỗi tuần chính phủ đóng cửa, tăng trưởng kinh tế lại giảm 0,2%, dù sau đó sẽ tăng lại khi chính phủ mở cửa. Trong khi đó, theo Hiệp hội Công nghiệp du lịch Mỹ, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày. Cũng xuất hiện lo ngại việc chính phủ Mỹ đóng cửa hoàn toàn và kéo dài có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất vào tháng 11 tới.

Theo Phòng Thương mại Mỹ, một nền kinh tế hoạt động tốt cần có một chính phủ hoạt động ổn định. Tờ Financial Times nhận định: Việc ngừng hoạt động kéo dài có thể gây ra những tác động lan tỏa khắp nền kinh tế Mỹ, làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng khi đã có lo ngại rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh: "Thông điệp của chúng tôi là: Điều này không được phép xảy ra. Việc của họ (lưỡng viện Quốc hội Mỹ) là duy trì hoạt động của các chương trình thiết yếu, duy trì hoạt động của chính phủ".

Nước Mỹ và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Vì cuộc đua  xem như đã bắt đầu -0
Chính phủ đóng cửa luôn đồng nghĩa với những ảnh hưởng tiêu cực toàn diện.

Tuy nhiên, ở phía ngược lại, các nghị sĩ đối lập cũng có những cơ sở lập luận bảo vệ cho quan điểm của họ. Vào tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật tăng thẩm quyền vay nợ, đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm. Vấn đề là, phe Cộng hòa tại Hạ viện muốn tiến xa hơn, với khoản cắt giảm bổ sung khoảng 120 tỷ USD, ngay trong năm tài chính mới.

Đại diện đảng Cộng hòa Tim Burchett nói với đài CNN rằng ông chưa bao giờ bỏ phiếu cho một dự luật tài trợ tạm thời, và lần này cũng sẽ không bỏ phiếu. Ông cũng đe dọa: Nếu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho phép Hạ viện thông qua dự luật với sự ủng hộ của đảng Dân chủ, thì chính ông "sẽ xem xét kỹ lưỡng" việc tước bỏ quyền lực của ông McCarthy. Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ cảnh báo: “Không ai chiến thắng, nếu chính phủ phải đóng cửa”.

Nhưng thật ra, có đúng là như vậy không? Bởi trong sâu thẳm, việc Nhà Trắng dưới quyền chỉ huy của một tổng thống đảng Dân chủ không có đủ kinh phí hoạt động, để thực hiện các biện pháp xoa dịu tâm trạng xã hội, qua đó cải thiện và củng cố vị thế của mình, hướng đến những ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2024… lại không liên quan mật thiết đến lợi ích chính trị của đảng Cộng hòa (như điều đã từng nhiều lần diễn ra giữa tương quan hai đảng xuyên suốt lịch sử chính trường Mỹ)?

Mây Linh
.
.