Ông Macron và “con đường châu Âu”
Emmanuel Macron là Tổng thống Pháp duy nhất tái đắc cử trong vòng 20 năm qua. Ông được coi là người đàn ông mạnh mẽ ở châu Âu và là “anh cả” trong EU thời đại hậu Angela Merkel. Tuy nhiên, với tỷ lệ phiếu trắng và phiếu không hợp lệ ở vòng bầu cử đầu tiên lên tới 29%, mức cao nhất kể từ năm 2002 cho đến nay và tổng tỷ lệ phiếu bầu của đảng đối lập là 60%, nhiều người đặt câu hỏi về mức độ tín nhiệm của ông trong nhiệm kỳ mới.
Khi kết quả bầu cử được công bố vào buổi tối, các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra ở nhiều nơi như Marseille, Lyon và Toulouse, đụng độ giữa cảnh sát chống bạo loạn và Phong trào chống phát xít đã dẫn đến thương vong. Giới chuyên gia thừa nhận việc ông Macron tái đắc cử giống như một liều thuốc kích thích đối với EU, giúp thắt chặt Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Người dân Pháp đặt nhiều kỳ vọng vào ông Macron nhưng ông vẫn chưa thực hiện cam kết trong các lĩnh vực môi trường, giáo dục và hưu trí. Thay vào đó, ông lại thúc đẩy con đường cánh hữu, tiến gần hơn đến xu hướng chính trị đang thịnh hành.
Ở Pháp, đấu tranh chính trị và việc đưa chủ trương mới lại chứa đựng yếu tố lịch sử. Trong đó, phong trào “Áo vàng” từng được giới truyền thông gọi là phong trào khởi nghĩa, từng lan rộng khắp cả nước và thậm chí từng được so sánh với cuộc đấu tranh chống lại chính sách áp thuế của Vua Louis XVI vào năm 1789. Khi đó, tư tưởng khai sáng đang phát triển mạnh mẽ đã tấn công vào đặc quyền của tầng lớp quý tộc, thúc đẩy tâm lý bất mãn trong xã hội và đẩy mạnh cuộc Đại cách mạng Pháp làm sụp đổ vương triều Bourbon.
Những năm gần đây, chủ nghĩa dân túy Pháp đã âm thầm phát triển. Sự bất mãn với những hành động thao túng nhằm bảo vệ quyền lợi của giới cầm quyền đã “đổ thêm dầu vào lửa”. Lực lượng cấp tiến liên tục nhấn mạnh điều này trong quá trình đấu tranh, khiến chính phủ cuối cùng phải nhượng bộ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực thuế nhiên liệu. Chủ nghĩa dân túy quả thực là rào cản và xiềng xích đối với sự đoàn kết của châu Âu và NATO.
Chính quyền mới sẽ phải đối diện với sự suy thoái về kinh tế, tình trạng lạm phát, cuộc bầu cử quốc hội, xung đột Nga - Ukraine và cuộc đọ sức Trung Quốc - Mỹ. Trong bài phát biểu được gọi là “Khải hoàn ca”, ông Macron đã nhấn mạnh nhiệm kỳ thứ hai của ông không phải là sự kéo dài của nhiệm kỳ thứ nhất, bày tỏ quyết tâm tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự tức giận và chia rẽ khiến phiếu bầu được bỏ cho phe cánh hữu, cam kết nỗ lực giải quyết các vấn đề trong nước liên quan đến dịch vụ công, công nghệ năng lượng và quyền sở hữu nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp nặng, đồng thời cam kết phối hợp với Đức mở rộng sức ảnh hưởng chính trị và kinh tế của châu Âu để thoát khỏi sự chi phối của hai cường quốc Mỹ, Nga và thậm chí hướng tới xây dựng quân đội châu Âu.
Mặc dù Tổng thống Macron ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa kinh tế và đánh bại tầm nhìn hướng nội triệt để của đối thủ, nhưng bà Marine Le Pen sẽ không từ bỏ cuộc cạnh tranh chính trị cho dù thất bại. Đảng của ông Macron lo ngại nguy cơ khó có thể giành được một nửa số ghế quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới, trong khi bà Marine Le Pen lại tự tin khẳng định rằng đảng của bà sẽ giành được thắng lợi vẻ vang mang tính lịch sử, đại diện cho tư duy của dân tộc ở một tầm cao mới. Nói cách khác, phe của Marine Le Pen quyết tâm tỏa sáng với tỷ số mang tính lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sắp tới.
Theo một số học giả, cho dù ông Emmanuel Macron dựa vào mức độ hoặc tâm thế nào để tái cấu trúc nền chính trị Pháp trong tương lai, thì những người ủng hộ bà Marine Le Pen cũng sẽ tăng lên chứ không giảm đi. Ảnh hưởng của bà Le Pen luôn phủ bóng lên bầu không khí của nền chính trị Pháp và khẩu hiệu “nhân danh nhân dân, ưu tiên nước Pháp” của bà mang đậm tính địa phương và tính dân tộc, thể hiện quan điểm mạnh mẽ về chủ quyền, phản ánh yêu cầu quyết liệt, đồng thời đóng vai trò là nền tảng pháp lý của việc phản đối nhập cư và muốn tách khỏi EU.
Trước tình trạng tâm lý bất mãn của người dân tăng cao, có thể nói dư luận xã hội Pháp ngày càng tiến gần tới triết lý của bà Le Pen về chính trị châu Âu. Và, cùng với tâm lý hoài nghi châu Âu ngày càng lan rộng, ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi Tổng thống Macron lắng nghe yêu cầu của người dân miền Bắc về việc tách Pháp khỏi EU. Họ cho rằng “bệnh quan liêu” của EU đã lan tràn khắp nơi, khiến cải cách chính trị trở nên hết sức khó khăn. Sự phức tạp của bộ máy tổ chức và hoạt động kém hiệu quả khiến EU không thể đáp ứng yêu cầu hợp pháp của người dân trong việc bảo vệ biên giới, dẫn đến tình trạng xã hội bất ổn trầm trọng và sự tức giận của người dân tăng lên.
Mâu thuẫn toàn cầu và xung đột khu vực, đặc biệt là cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến cho ngày càng nhiều người châu Âu thức tỉnh. EU và NATO không những thiếu đi cơ sở để tồn tại mà còn biến thành nguồn gốc của vấn đề. Theo Tổ chức khảo sát dư luận Anh Yougov, tỷ lệ ủng hộ các đảng dân tộc chủ nghĩa ở 12 quốc gia châu Âu đã gần chạm ngưỡng cảnh bảo 60%.
Một số nhà chính trị cho rằng toàn cầu hóa do sự thúc đẩy của chủ nghĩa tư bản đang dần kết thúc dưới tác động ngày càng lan rộng của chiến tranh Nga - Ukraine. Khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng an ninh lương thực và sự gián đoạn chuỗi sản xuất do sự tái diễn nhiều lần của dịch bệnh đã dẫn đến nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái, vật giá leo thang, lạm phát nghiêm trọng và chiến tranh kinh tế bùng nổ. Một số chuyên gia thống kê nhận định rằng tình hình chính trị - kinh tế của châu Âu hiện nay giống với giai đoạn trước khi xảy ra Thế chiến 1 vào năm 1914. Nếu cuộc chiến Nga - Ukraine không sớm kết thúc, thì NATO dưới sự lãnh đạo của Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp sâu. Kết quả là châu Âu sẽ hoàn toàn mất đi vai trò trung tâm. Và, nước Pháp, với vai trò của mình, cũng sẽ thật khó để xoay xở cho phù hợp.