Ông Mike Johnson trở thành tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Thứ Hai, 30/10/2023, 09:25

Sau 3 tuần bầu bán rối ren, cuối cùng Hạ viện Mỹ cũng đã bầu chọn được Chủ tịch mới vào hôm 26/10 (giờ Việt Nam). Đó là ông Mike Johnson, Hạ nghị sĩ đại diện bang Louisiana.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm 26/10, ông Johnson đã giành được sự ủng hộ của tất cả 220 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu, trong khi tất cả 209 thành viên đảng Dân chủ có mặt đã bỏ phiếu cho lãnh đạo của họ, Hakeem Jeffries của bang New York. Do vắng mặt 4 thành viên trong nghị trường, ông Johnson cần 215 phiếu bầu để trở thành chủ tịch mới.

mike johnson.jpg -0
Ông Mike Johnson tuyên thệ nhậm chức.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Chủ tịch Hạ viện thứ 56, ông Johnson thề sẽ “xây dựng lại và khôi phục” niềm tin của người dân Mỹ, điều mà ông thừa nhận đã bị tổn hại do sự hỗn loạn trong những tuần gần đây. Ông nói: “Vào thời điểm khủng hoảng lớn này, nhiệm vụ của chúng ta là phải hợp tác cùng nhau, như các thế hệ lãnh đạo vĩ đại trước đây đã làm, để đối mặt với những thách thức lớn này và giải quyết những vấn đề lớn này. Chúng tôi muốn các đồng minh của chúng tôi trên khắp thế giới biết rằng cơ quan lập pháp này đã hoạt động trở lại”.

Ông Johnson đã giành được đề cử chức Chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hòa tại Hạ viện vào tối 24/10, chỉ vài giờ sau khi ông Tom Emmer của bang Minnesota, người chiếm đa số, buộc phải rút lui khỏi cuộc đua do bị cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích. Đánh bại ứng viên Byron Donalds của bang Florida sau 3 vòng bỏ phiếu, ông Johnson trở thành ứng cử viên Chủ tịch Hạ viện thứ tư của đảng Cộng hòa sau 3 tuần.

Việc ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện đã chấm dứt tình trạng bế tắc bắt đầu từ đầu tháng 10, khi 8 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện cùng đảng Dân chủ lật đổ cựu Chủ tịch Kevin McCarthy của bang California. Trong những tuần kể từ đó, 3 ứng cử viên chức Chủ tịch Hạ viện gồm Steve Scalise của bang Louisiana, Jim Jordan của bang Ohio và ông Tom Emmer của bang Minnesota đã cố gắng đoàn kết đảng Cộng hòa trong Hạ viện nhưng không thành công. Đặc biệt, ông Jordan đã ứng cử đi ứng cử lại đến 3 lần nhưng vẫn không nhận đủ số phiếu bầu theo luật định, đành chịu mất tư cách ứng viên.

Vì không có Chủ tịch nên Hạ viện đã không thể thông qua bất kỳ đạo luật nào. Tổng thống Biden đã kêu gọi Quốc hội thông qua gói viện trợ để hỗ trợ các đồng minh của Mỹ như Ukraine và Israel, nhưng Hạ viện không thể thông qua dự luật như vậy cho đến khi chủ tịch mới được bầu. Hôm 25/10, ông Johnson cho biết biện pháp đầu tiên được thực hiện dưới thời ông làm Chủ tịch Hạ viện sẽ là một nghị quyết bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas.

Mặc dù việc ông Johnson được bầu giúp Hạ viện Mỹ hoạt động trở lại, có thể giải quyết được nhiều vấn đề bị đình trệ gần 1 tháng qua, nhưng người Mỹ cũng không thể trông chờ nhiều vào ông bởi ông không phải là người “dễ chịu” trong nhiều vấn đề về xã hội cũng như chính trị, ngoại giao, đặc biệt là những vấn đề mà Tổng thống Joe Biden (đảng Dân chủ) yêu cầu. Và, cuộc chiến Dân chủ-Cộng hòa vẫn sẽ tiếp tục không khoan nhượng. Đảng Dân chủ đã nói rõ rằng họ sẽ sử dụng thành tích chính trị của tân Chủ tịch Hạ viện để chống lại những thành viên đảng Cộng hòa dễ bị tổn thương trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Ông Johnson đã phải đối mặt với những câu hỏi về việc ông từng ủng hộ những nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Là người thực hành luật hiến pháp trước khi tham gia chính trường, chính ông Johnson đã tạo ra một lập luận pháp lý đáng nghi ngờ nhằm che chở cho các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, những người muốn ký một bản khuyến nghị tóm tắt kêu gọi Tòa án Tối cao Mỹ hủy bỏ phiếu đại cử tri của các bang chiến trường quan trọng mà ông Biden giành được. Hơn 100 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã ký vào bản khuyến nghị tóm tắt, nhưng Tòa án Tối cao cuối cùng đã bác bỏ vụ kiện cơ bản thách thức kết quả bầu cử. Trước đó, ông cũng từng phục vụ trong nhóm bảo vệ pháp lý của ông Trump trong lần luận tội đầu tiên. Ông hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện, vị trí ông đã được các đồng nghiệp trong đảng nhất trí bầu lại vào năm ngoái.

Đảng Dân chủ tin rằng vai trò trung tâm của ông Johnson trong việc tranh chấp kết quả bầu cử năm 2020 và quan điểm bảo thủ của ông về nhiều vấn đề xã hội có thể giúp họ giành lại Hạ viện vào năm tới.

Bất chấp thách thức từ phía đảng Dân chủ, ông Johnson vẫn tuyên bố sẽ “phối hợp tốt” với đảng Dân chủ đối với những điểm cùng quan tâm, đồng thời thừa nhận những ưu tiên chính sách hoàn toàn khác nhau của họ. Tuy nhiên, những thách thức của ông Johnson trong việc đoàn kết nội bộ bị chia rẽ sâu sắc có thể chỉ mới bắt đầu. Nguồn tài trợ cho chính phủ sẽ hết hạn sau chưa đầy một tháng nữa và ông Johnson có nguy cơ khiến chính phủ liên bang đóng cửa trừ khi ông có thể thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ biện pháp tài trợ tạm thời. Tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự đã gây ra sự sụp đổ của Chủ tịch mới đây nhất của đảng Cộng hòa là ông Kevin McCarthy.

Trước khi đến Quốc hội, ông Johnson đã phục vụ trong cơ quan lập pháp bang Louisiana từ năm 2015 đến năm 2017 và làm luật sư. Ông làm luật sư cho Liên minh Bảo vệ tự do, một nhóm chống người đồng giới và bảo vệ lệnh cấm kết hôn đồng giới cũng như luật chống phá thai của bang Louisiana. Ông cũng là người cổ xúy cho hôn nhân theo giáo điều Thiên Chúa giáo (ông là tín đồ ngoan đạo), không đồng tình việc ly hôn.

Với việc ông Johnson làm Chủ tịch Hạ viện, một vấn đề mới đang đặt ra cho Tổng thống Biden, đó là ông Johnson sẽ không hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Ông tuyên bố sự ủng hộ đó cần phải có điều kiện, và Nhà Trắng sẽ phải đàm phán các điều kiện đó với Hạ viện.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.