Ông Pita Limjaroenrat hết cơ hội

Thứ Hai, 24/07/2023, 10:38

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), người vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 ở Thái Lan, đã không còn cơ hội tranh chức thủ tướng khi Tòa án Hiến pháp đình chỉ tư cách nghị sĩ và Quốc hội bỏ phiếu hủy bỏ việc tái đề cử ông làm ứng viên thủ tướng.

Quốc hội Thái Lan ngày 19/7 đã bỏ phiếu hủy bỏ việc tái đề cử ông Pita làm ứng viên thủ tướng, sau khi ông đã thất bại trong vòng 1 cuộc bầu chọn thủ tướng. Trong số 715 nghị sĩ lưỡng viện tham gia bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 19/7 đối với tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita, 394 nghị sĩ đã tán thành việc hủy bỏ đề cử đối với ông Pita, 312 người không ủng hộ, 8 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 1 người không tham gia bỏ phiếu. Sau khi kết quả được công bố, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha đã chính thức tuyên bố hủy bỏ việc đề cử vị trí thủ tướng đối với ông Pita.

Ông Pita Limjaroenrat hết cơ hội -0
Lãnh đạo của MFP, Pheu Thai và các nhóm đối lập khác gặp nhau tại Bangkok để đàm phán liên minh Thành lập chính phủ.

Trước đó, cùng ngày, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng ra quyết định tạm thời đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita liên quan đến cáo buộc ông sở hữu 42.000 cổ phiếu của một công ty truyền thông không còn tồn tại khi đăng ký tranh cử, vi phạm hiến pháp. Quyết định của tòa dẫn tới việc ông Pita phải rời phòng họp Quốc hội và mất quyền bỏ phiếu sau đó. Tòa án cho phép ông Pita có 15 ngày để giải trình về cáo buộc trên trước khi có phán quyết cuối cùng.

Chủ tịch Quốc hội Wan cho biết một cuộc họp chung giữa Hạ viện và Thượng viện nhằm bầu chọn thủ tướng mới sẽ được tổ chức vào sáng 27/7. Nhiều khả năng ứng cử viên Srettha Thavisin của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai), đảng giành nhiều phiếu thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5, sẽ được đề cử.

Thất bại được dự báo trước

Bi kịch hôm 19/7 là bước ngoặt mới nhất trong cuộc chiến giành quyền lực kéo dài 2 thập kỷ giữa các đảng dân cử và cơ sở quân sự bảo thủ của Thái Lan, nơi đã chứng kiến các lệnh cấm chính trị, sự can thiệp của tòa án, 2 cuộc đảo chính và các cuộc biểu tình lớn, đôi khi là bạo lực trên đường phố. Một hiến pháp do quân đội soạn thảo sau cuộc đảo chính năm 2014 đã đảm bảo rằng ông Pita bị chặn trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên bởi Thượng viện do chính quyền quân sự chỉ định - cơ quan này đóng vai trò như một bức tường thành chống lại các chính trị gia được bầu và có thể ngăn chặn hiệu quả các nỗ lực thành lập chính phủ. Trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 13/7, ông Pita đã giành được 324 phiếu bầu, thiếu 52 phiếu so với đa số 376 phiếu cần thiết để trở thành thủ tướng. Mặc dù liên minh đối lập do MFP lãnh đạo chiếm đa số trong Hạ viện 500 ghế, nhưng ông đã bị đánh bại bởi phe đối lập của Thượng viện gồm 250 thành viên - những thành viên do quân đội bổ nhiệm và thường phản đối cương lĩnh cải cách của MFP.

MFP cấp tiến đã tiến hành một chiến dịch bầu cử đột phá, mà ở đó họ làm chủ phương tiện truyền thông xã hội và giành được sự ủng hộ của hàng triệu cử tri thành thị, trẻ tuổi, hứa hẹn những cải cách thể chế táo bạo để thay đổi hiện trạng bảo thủ. Nhưng chương trình nghị sự của MFP đã đặt họ vào tình thế xung đột với các nhóm lợi ích bảo thủ, hùng mạnh, được thể hiện qua các vụ kiện chống lại ông Pita và nỗ lực kiên quyết của các nhà lập pháp từ chính phủ sắp mãn nhiệm được quân đội hậu thuẫn để ngăn chặn ông.

Các chuyên gia chính trị Thái Lan cho biết sự sụp đổ của ông Pita dường như đã được dự đoán trước bởi Hiến pháp 2017, được ban hành dưới sự cầm quyền của quân đội và được thiết kế để làm suy yếu những thách thức đối với trật tự bảo hoàng đã được thiết lập bằng các biện pháp như trao cho các thượng nghị sĩ không qua bầu cử vai trò xác nhận thủ tướng.

Cơ hội cho Pheu Thai

Các nhà phân tích ngày 20/7 nhận định rằng, đảng dân túy Thái Lan Pheu Thai có khả năng từ bỏ đối tác liên minh MFP và thành lập một liên minh mới với các đảng được quân đội hậu thuẫn. Pheu Thai và các đảng thân quân đội đã gặp nhau một ngày sau khi nỗ lực thứ hai của ông Pita để trở thành thủ tướng đã bị quân đội và lực lượng ủng hộ bảo hoàng dập tắt.

Bà Aim Sinpeng, giảng viên cao cấp tại Đại học Sydney, cho biết liên minh 8 đảng ban đầu hiện đang “tan rã một cách công khai”, đồng thời chỉ ra các bài đăng trên mạng xã hội của các thành viên chỉ trích sự phụ thuộc của MFP vào giới trẻ. Theo bà Aim Sinpeng, với “những tín hiệu rất mạnh mẽ” từ giới tinh hoa chính trị chống lại MFP điều hành đất nước, Pheu Thai - về nhì trong cuộc bầu cử tháng 5 - có thể đã nhận ra rằng họ có cơ hội lãnh đạo chính phủ. Pheu Thai nhiều khả năng sẽ chọn ông trùm kinh doanh Srettha Thavisin làm ứng viên thủ tướng trong vòng bỏ phiếu tiếp theo vào ngày 27/7.

Theo phó giáo sư Surachanee Sriyai từ Trường Chính sách công tại Đại học Chiang Mai, Pheu Thai phải “đánh giá thận trọng” việc thành lập một liên minh mới mà không có MFP liệu có khả thi về mặt chính trị trong tương lai hay không? Bà Sriyai nói: “Ở đây chúng ta không nói về việc ai sẽ trở thành thủ tướng mà chúng ta nói về 4 năm nữa khi cuộc bầu cử diễn ra, mọi người có còn bỏ phiếu cho Pheu Thai nữa hay không nếu đảng này loại MFP khỏi liên minh này. Người dân Thái Lan có thể coi Pheu Thai là kẻ phản bội nếu họ từ bỏ MFP, đảng đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 14/5”.

Nhiệm vụ lớn nhất hiện nay đối với Pheu Thai nếu họ quyết định hợp tác với một số đảng phái từ chính phủ cũ là “kiểm soát câu chuyện”. Pheu Thai sẽ phải thuyết phục cử tri Thái Lan rằng họ đang cố gắng ngăn đất nước trượt nhanh vào hỗn loạn và khủng hoảng chính trị.   

Sơn Hà (Tổng hợp)     
.
.