Ông Prayuth Chan-ocha vẫn đối mặt thách thức
Trong 3 tháng qua, tình hình đại dịch COVID-19 ở Thái Lan ngày càng trở nên trầm trọng. Việc đánh mất khả năng kiểm soát dịch bệnh đã khiến tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha giảm mạnh. Suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây nên đã giáng đòn mạnh vào sự ổn định của nền chính trị vốn nhiều phe phái.
Kể từ tháng 7 đến nay, chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha chịu một cuộc khủng hoảng lớn về niềm tin, ngày càng nhiều người chọn đứng về phía đối lập. Ngay cả những lời đồn đại phi lý như "Tư lệnh lục quân phát động quân đội đảo chính lật đổ chính quyền Prayuth Chan-ocha" cũng dễ khiến nhiều người tin là thật.
Ngày 8-7, tờ báo lâu đời nhất Thái Lan "Thai Rath" tiến hành một cuộc thăm dò trên Twitter với chủ đề "Bạn có (vẫn) tin tưởng chính quyền Prayuth Chan-ocha không?".
Trong hơn 100.000 người tham gia bỏ phiếu, 87,3% chọn "chưa bao giờ tin tưởng", 10,9% chọn "không còn tin tưởng", chỉ 1,8% chọn "tin tưởng". Mặc dù kết quả thăm dò không phản ánh toàn diện tình hình nhưng tỷ lệ chênh lệch đến như vậy ở một mức độ nào đó cho thấy sự thất vọng của xã hội Thái Lan đối với chính quyền hiện tại của ông Prayuth Chan-ocha.
Kể từ tháng 3-2020, Thái Lan đã trải qua 4 làn sóng COVID-19, khiến nền kinh tế quốc gia vốn đã trì trệ càng trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù ngành sản xuất và xuất khẩu đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 nhưng các ngành du lịch và dịch vụ vẫn chưa thể gượng dậy được.
Tính đến tháng 6-2021, hơn 20 nghìn doanh nghiệp và cửa hàng liên quan đến ngành du lịch ở Thái Lan đã buộc phải đóng cửa. Báo cáo đánh giá kinh tế năm 2021 do Bộ Tài chính Thái Lan công bố tháng trước dự đoán GDP năm 2021 của nước này sẽ tăng trưởng 1,3%, trong khi một báo cáo khác do Trung tâm nghiên cứu của Bank of Ayudhya công bố sau đó đã hạ mức tăng trưởng GDP từ 2% xuống còn 1,2%. Tuy nhiên, một số trường đại học và cơ quan nghiên cứu tỏ ra bi quan khi cho rằng kinh tế Thái Lan trong năm 2021 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng âm của năm trước.
Giữa tháng 6 vừa rồi, ông Prayuth Chan-ocha đã có bài phát biểu trên truyền hình yêu cầu tất cả các bộ, ban, ngành hợp lực chống lại dịch bệnh, đặt mục tiêu mở cửa đón du khách trở lại trong vòng 120 ngày. Thời điểm đó số ca mắc mới ở Thái Lan khoảng 2 đến 3 nghìn ca mỗi ngày và Thái Lan vừa tiếp nhận lô vaccine của AstraZeneca đặt mua trước đó. Có vẻ như chính quyền của ông Prayuth đã chủ quan khi đánh giá thấp sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời cũng đánh giá quá cao tiến độ cung cấp vaccine và tiêm chủng, vì mong muốn tăng cường lòng tin của dân chúng cũng như củng cố lại tuyên bố trước đó.
Chưa hết, chính quyền còn đề xuất Chương trình Phuket Sandbox, cho phép du khách nước ngoài đủ điều kiện có thể đến đảo Phuket ở miền Nam Thái Lan, để giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, sự việc một nữ du khách Thụy Sĩ bị cướp và giết ở Phuket hồi đầu tháng 8 đã phủ bóng đen lên kế hoạch này.
Hiện tại, Thủ tướng Prayuth và chính quyền của ông đang phải chịu sức ép và những lời chỉ trích nặng nề từ phía các lực lượng phản đối. Đẩy nhanh việc mua sắm, phân phối và tiêm vaccine với hy vọng dịch bệnh sớm đạt đỉnh và suy giảm bền vững là một trong những giải pháp sống còn lúc này. Theo kế hoạch của Chính phủ Thái Lan, tổng số lượng vaccine đặt mua từ các thương hiệu khác nhau cần phải đạt 100 triệu liều và đến cuối năm, số lượng vaccine của Pfizer - loại được coi là "thần dược" trong mắt người Thái - sẽ phải tăng lên để đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn dân. Đến lúc đó, hy vọng những lời chỉ trích sẽ dịu đi.
Tuy nhiên, ông Prayuth và chính quyền của ông đang phải đối mặt với 3 thực tế: Thứ nhất, các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố ngày càng rầm rộ và có xu hướng bạo lực. Điều này không những gây sức ép lớn lên chính phủ mà còn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh xã hội, khiến tình hình dịch bệnh có thể còn trầm trọng hơn nữa. Gần đây nhất là cuộc biểu tình "bãi đậu xe" vào trung tuần tháng 8 do cựu thủ lĩnh phe Áo đỏ vừa mới ra tù Nattawut Saikuar dẫn đầu. Những người biểu tình đã tấn công cảnh sát chống bạo động khiến nhiều cảnh sát bị thương.
Thứ hai, ngày 13-8, bà Sudarat Keyuraphan, người phụ nữ quyền lực của phe cựu Thủ tướng Thaksin, là cựu Chủ tịch Ủy ban Chiến lược của đảng Pheu Thai đã dẫn dắt 700 nghìn người cùng ký vào đơn kiện chính quyền ông Prayuth Chan-ocha lên Tòa án Hình sự Bangkok. Đơn kiện cáo buộc chính phủ đã vi phạm Điều 157 và 165 của Luật Hình sự trong việc xử lý các vấn đề đại dịch COVID-19. Những sự việc như vậy là điều hiếm thấy trong lịch sử chính trị Thái Lan.
Hơn nữa, từ việc Tòa án Dân sự Thái Lan mới đây đã ra phán quyết rằng các điều luật được ông Prayuth Chan-ocha ký dựa theo Điều 9 của Đạo luật Tình trạng khẩn cấp là vi phạm quy tắc và ra lệnh tạm thời đình chỉ thực hiện có thể thấy, thái độ của hệ thống tư pháp đối với ông Prayuth và chính quyền của ông dường như đã không còn sự ủng hộ như trước.
Dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, song những thách thức với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và nội các của ông vẫn còn và sẽ là chướng ngại không nhỏ trước cuộc bầu cử sắp tới.