Pakistan: Bạo loạn sau khi ông Imran Khan bị bắt
Pakistan đang chao đảo sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị quân đội bắt giữ đột ngột vì các cáo buộc tham nhũng, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong những người ủng hộ ông đối với quân đội, đặt đất nước vào tình thế khó khăn.
Ngày 9/5, các lực lượng bán quân sự của quân đội đã bất ngờ xông vào tòa án ở thủ đô Islamabad bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan khi ông đang hầu tòa về các cáo buộc tham nhũng. Một thẩm phán đã phán quyết rằng ông có thể bị giam giữ tại Văn phòng Trách nhiệm giải trình quốc gia trong 8 ngày tới để điều tra về cáo buộc tham nhũng trong một vụ chuyển nhượng đất đai, một trong hàng chục vụ án mà ông Khan đang phải đối mặt. Ông bị buộc tội mua đất bất hợp pháp để xây dựng một trường đại học. Ngoài ra, ông cũng bị buộc tội trong một vụ án khác vì bán bất hợp pháp quà tặng do các nhà lãnh đạo nước ngoài gửi cho ông khi còn đương chức.
Việc ông Khan bị bắt giữ đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình và đối đầu căng thẳng giữa quân đội và những người ủng hộ ông vốn đã âm ỉ trong nhiều tháng. Đám đông đã xung đột với lực lượng an ninh. Hàng trăm người biểu tình xông vào đốt phá trụ sở của Đài Truyền hình Quốc gia Pakistan ở Peshawar. Theo các quan chức, ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ và hơn 300 người bị thương. Cảnh sát cho biết hơn 650 người đã bị giam giữ ở tỉnh Khyber Pakhunkhwa và gần 1.000 người ủng hộ ông Khan đã bị bắt tại tỉnh Punjab.
Các trường học tư thục đã được lệnh đóng cửa trên toàn quốc. Chính phủ đã chặn các dịch vụ internet di động trong nỗ lực dập tắt sự hỗn loạn, làm gián đoạn quyền truy cập vào Twitter, Facebook và YouTube. Các ứng dụng phổ biến và hệ thống thanh toán kỹ thuật số cũng bị gián đoạn.
Chính quyền 3 trong 4 tỉnh của Pakistan đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm tất cả các cuộc tụ họp. Quân đội đã điều đến Islamabad và Khyber Pakhtunkhwa để hỗ trợ an ninh. Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 6 chính trị gia cấp cao trong đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf party (PTI) của ông Khan vì tội “kích động đốt phá và biểu tình bạo lực”.
Một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã đưa ra khuyến cáo về việc đi lại đối với công dân nước minh. Trong một tuyên bố giải quyết tình trạng bất ổn ở Pakistan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế bạo lực”.
Cuộc khủng hoảng xảy ra khi quốc gia 220 triệu dân này đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng cao khiến người dân không đủ khả năng chi phí cho lương thực và nhiên liệu, làm gia tăng lo ngại về sự ổn định của đất nước trong năm bầu cử ở Pakistan.
Ông Khan là Thủ tướng nổi tiếng nhất của Pakistan trong những thập kỷ gần đây. Từng là cựu cầu thủ bóng chày trước khi tham gia chính trị, ông Khan đã tự khẳng định mình là một chính trị gia, nhà từ thiện và siêu sao thể thao ở trong nước và trên thế giới.
Sinh năm 1952 tại thành phố Lahore, ông Khan được học hành trong các trường danh giá, với tấm bằng triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford. Ông trở thành một trong những cầu thủ bóng chày giỏi nhất thời của mình khi đưa đội Pakistan đến chức vô địch World Cup năm 1992.
Nổi giận trước tình trạng tham nhũng triền miên, ông để mắt đến chính trị và thành lập đảng chính trị của riêng mình, lấy tên là Pakistan Tehreek-e-Insaaf, vào năm 1996. Đảng gần như không được ai chú ý cho đến năm 2013, với một loạt cử tri mới bị thu hút bởi lời hứa của ông Khan về việc chấm dứt tham nhũng và giải quyết tận gốc các vấn đề về kinh tế. Đảng PTI đã vượt lên dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử năm đó - mặc dù không thể giành được đa số.
Năm 2018, được quân đội hậu thuẫn, ông Khan được bầu làm thủ tướng, hứa hẹn về một “Pakistan mới”, cam kết xóa bỏ nghèo đói và tham nhũng. “Thương hiệu” chủ nghĩa dân túy Hồi giáo độc đáo của ông đã giành được sự ủng hộ từ một bộ phận dân số trẻ ở đất nước mà tâm lý chống Mỹ và chống các thể chế bảo thủ là phổ biến.
Trong những năm đầu ông nắm quyền, quân đội luôn có tiếng nói quyết định. Các tướng lĩnh được trao quyền kiểm soát các bộ phận quan trọng của chính phủ, các chính sách ủng hộ quân đội được thông qua và các phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ.
Nhưng, vào năm 2021, mối quan hệ bắt đầu rạn nứt. Ông Khan bắt đầu bất bình trước sự kiểm soát của quân đội và chống lại. Quân đội không hài lòng với tình hình kinh tế suy giảm của Pakistan và lặng lẽ rút lại sự ủng hộ. Chính phủ của ông Khan suy yếu một cách công khai.
Bất chấp những nỗ lực hết mình của Khan nhằm ngăn chặn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra vào tháng 4/2022, đầu tiên là bằng cách giải tán quốc hội và sau đó là đe dọa thiết quân luật, ông đã bị phế truất khi hàng chục nghị sĩ PTI rút lại sự ủng hộ của họ.
Việc ông Khan bị phế truất đã chọc giận những người ủng hộ ông, làm dấy lên các cuộc biểu tình, khi ông Khan ngày càng lên tiếng công khai chống lại vai trò chính trị của quân đội. Hàng chục nghìn người ủng hộ ông đã xuống đường ở các thành phố lớn trên khắp Pakistan để phản đối, hô vang các khẩu hiệu chống lại quân đội. Tháng 11/2022, ông Khan bị ám sát bất thành.
Rồi ông bị cáo buộc tham nhũng và cảnh sát, quân đội tìm cách bắt giữ ông nhiều lần trong những tháng gần đây, trong đó có một hành động vào tháng 3/2023 kết thúc trong hỗn loạn khi những người ủng hộ ông đối đầu với chính quyền bên ngoài nhà của ông. Lần này, quân đội đã ra tay bất ngờ để bắt giữ ông.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Pakistan hôm 11/5 đã phán quyết việc bắt giữ cựu Thủ tướng Khan là bất hợp pháp và ra lệnh thả ông ngay lập tức. Chánh án Umar Ata Bandial tuyên bố rằng Văn phòng Trách nhiệm giải trình quốc gia đã hành động vi phạm pháp luật khi bắt giữ ông Khan tại khuôn viên của tòa án cấp cao Islamabad mà không được phép.