Pháp - Đức cố che đậy nhiều bất đồng

Thứ Hai, 16/10/2023, 09:50

Hình ảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các thành viên văn phòng tổng thống ăn uống với những đối tác người Đức ở Hambourg trong tuần này thể hiện hình ảnh hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, nó đang che giấu cuộc tranh giành quyền lực giữa hai cường quốc lớn nhất của Liên minh châu Âu, tác động đến nhiều dự án của châu Âu.

Ngày 9/10, Chính phủ Đức và Pháp đã có một cuộc họp không chính thức kéo dài 2 ngày tại Hamburg nhằm cố gắng kết nối lại quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất của khu vực đồng euro. Các mối bất hòa giữa Paris và Berlin ngày càng nhiều cho dù có liên quan đến các chương trình quốc phòng của khối, chính sách năng lượng hạt nhân hay quan hệ với Trung Quốc.

Pháp - Đức cố che đậy nhiều bất đồng -0
Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp ăn bánh mì kẹp cá truyền thống sau khi kết thúc hội thảo tại Hamburg, ngày 10/10.

Trong bài phát biểu hồi tháng 8, Tổng thống Pháp Macron thất vọng với quan điểm của Đức về năng lượng hạt nhân, ông gọi đây là một "sai lầm lịch sử". Pháp là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về điện hạt nhân, hơn 70% điện năng của Pháp được sản xuất tại các nhà máy điện hạt nhân. Căng thẳng về cải cách thị trường điện hạt nhân ở Liên minh châu Âu rất khó giải quyết. Các quan chức Pháp bày tỏ sự bất mãn về việc Đức tìm cách “bóp nghẹt” sức cạnh tranh của ngành công nghiệp hạt nhân Pháp, điện giá rẻ của Pháp có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp khi Đức phải đối mặt với giá khí đốt tăng cao.

Đức quyết định loại bỏ dần năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, đóng cửa các lò phản ứng cuối cùng vào tháng 4. Việc cắt nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ của Nga khiến ngành công nghiệp Đức đối mặt với chi phí điện tăng cao. BASF, một trong những công ty hàng đầu của ngành công nghiệp Đức, tuyên bố cắt giảm việc làm ở châu Âu và tăng cường đầu tư vào Trung Quốc. Một quan chức Pháp giấu tên nói với Reuters ”Đức đã tự bắn vào chân mình và bây giờ muốn bắn vào chân chúng tôi để trả thù”.

Đức và các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu thúc đẩy các quy định cứng rắn hơn về hỗ trợ giá điện của nhà nước. Các quan chức tại thủ đô Berlin lo ngại rằng Paris sẽ đưa ra các hợp đồng điện hạt nhân, tạo cơ hội công ty năng lượng quốc gia EDF khả năng bán điện với giá không bền vững và sử dụng doanh thu điện hạt nhân hỗ trợ cho ngành công nghiệp của Pháp. Một giám đốc điều hành công ty am hiểu về các cuộc đàm phán Pháp và Đức cho biết, Đức lo ngại rằng Pháp sẽ cung cấp năng lượng giá rẻ để thu hút các công ty bên bờ sông Rhine. Các nhà phân tích nghi ngờ Pháp và Đức không thể đạt được thỏa thuận tại Hamburg trước cuộc họp về năng lượng quan trọng của EU vào ngày 17/10.

“Pháp dường như không muốn thay đổi quan điểm liên quan về hạt nhân với Đức nữa”, Wolfgang Munchau viết trên bản tin EuroIntelligence. Các quan chức châu Âu khác cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự.

Ngoài sự thiếu ăn ý giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, tầm nhìn khác nhau về thế giới cũng gây ra căng thẳng giữa hai nước. "Tự chủ chiến lược" là một khái niệm của Tổng thống Macron kêu gọi châu Âu không phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài trong những lĩnh vực về chính trị, mâu thuẫn với sự phụ thuộc của Đức vào Mỹ. Quyết định của Berlin thúc đẩy việc triển khai hệ thống phòng không của Mỹ và Israel trong sáng kiến "Lá chắn bầu trời châu Âu", đã khiến Paris hủy bỏ cuộc họp của Pháp và Đức vào năm ngoái.

Đức từ lâu cũng ủng hộ khái niệm "thay đổi thông qua thương mại", theo đó thương mại giữa các quốc gia không chỉ giúp ngăn ngừa xung đột mà còn hỗ trợ dân chủ trong các chế độ chuyên quyền. Mặc dù thất bại với Nga nhưng các quan chức Đức tin rằng quan hệ thương mại với Trung Quốc có thể ngăn ngừa xung đột. Pháp ủng hộ cách tiếp cận quyết đoán hơn. Theo các quan chức, Brussels mở cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện của Trung Quốc, cuộc điều tra được thúc đẩy bởi hoạt động vận động hành lang ở hậu trường của Pháp trong khi đó Đức tỏ ra dè dặt. Nhà phân tích tại GMF Asia, ông Noah Barkin, cho biết: “Trong khi người Đức không muốn chấp nhận rủi ro vì các khoản đầu tư khổng lồ của họ vào Trung Quốc thì người Pháp sẵn sàng sống trong một thế giới mà sự trả đũa từ Bắc Kinh ngày càng có thể xảy ra”.

EU đang phải đối mặt với sự bùng nổ của tình trạng nhập cư bất hợp pháp, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon, cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine, sự thay đổi trong quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại chính của khối này và bây giờ là một cuộc chiến mới ở Trung Đông. Jacob Ross - nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP), cho biết: “Mối quan hệ Pháp-Đức và sau đó là cả châu Âu hiện không đáp ứng được những thách thức mà khối này đang phải đối mặt”. Ông nói  thêm: một trong những vấn đề là Tổng thống Macron tự coi mình là người kế vị của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel trong vai trò lãnh đạo châu Âu và đưa ra các quan điểm mạnh mẽ ở Brussels và đôi khi trái ngược với lợi ích của Đức. Bloomberg nhận định: "Tổng thống Macron đang khiến châu Âu ngày càng giống Pháp hơn". Các nhà quan sát lưu ý: Pháp đang gia tăng ảnh hưởng trong EU khi bối cảnh vị thế của Mỹ đang suy yếu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cũng khiến Đức tập trung nhiều hơn vào Liên minh xuyên Đại Tây Dương với đối tác chính về an ninh là Mỹ, đồng thời làm yếu đi quan hệ với Pháp.

Tranh chấp giữa Đức và Pháp còn dẫn đến việc các nước EU khác không thống nhất được về cải cách nông nghiệp và nguyên tắc ra quyết định trong EU. Những nguyên tắc này là cần thiết để đảm bảo sự gia nhập của các thành viên mới vào khối, bao gồm cả Ukraine. Giáo sư tại trường Cao cấp Thương mại Paris (ESCP Europe) Alberto Alemanno nhấn mạnh: “Mức độ nhiệt tình đối với việc mở rộng và cải cách Liên minh châu Âu thực sự khá thấp”. Ông cảnh báo về quan điểm của “Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, những người không muốn cải cách hoặc mở rộng EU”. Tuy nhiên, các chính trị gia hiểu rằng: “Nếu không làm gì, EU có thể sụp đổ”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.