Silvio Berlusconi - vị Thủ tướng với nhiều cái nhất của Italy

Thứ Tư, 14/06/2023, 09:11

Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi thường được nhắc đến bởi 3 điều: Một doanh nhân thành đạt, giàu có trước khi làm chính trị và là “ông trùm” của truyền thông Italy; từng 4 lần được bầu làm Thủ tướng và có thời gian tại vị nhiều thứ 3 trong lịch sử Italy; là vị thủ tướng nhiều tai tiếng nhất. Ông qua đời ngày 12/6/2023, ở tuổi 87.

Từ doanh nhân thành đạt trở thành Thủ tướng Italy

Sinh ra ở Milan vào năm 1936, ông Berlusconi lần đầu thành danh với tư cách là một ông trùm kinh doanh, có thời điểm trở thành người giàu nhất Italy. Sự nghiệp kinh doanh của ông bắt đầu trong lĩnh vực xây dựng vào những năm 1960. Cuối những năm 1960, ông bắt đầu dự án lớn đầu tiên với việc xây dựng Milano 2, một thành phố xanh với quy mô khoảng 3.500 căn nhà phố, tại Segrate, ngoại ô phía Đông Milan. Khu vực đó sau này được quy hoạch gần một sân bay quốc tế khiến dự án của ông thắng lớn. Bằng cách nào mà ông Berlusconi có thể huy động được vốn cho dự án đó cho đến giờ vẫn là điều bí mật.

Silvio Berlusconi - vị Thủ tướng với nhiều cái nhất của Italy -0
Ông Berlusconi cùng người ủng hộ vận động tranh cử năm 1994

Thành công từ hoạt động đầu tư bất động sản giúp ông Berlusconi tích lũy được số tài sản kha khá, vì vậy vào đầu những năm 1970, ông bắt đầu đa dạng hóa sở thích của mình. Ông lần đầu tiên bước vào thế giới truyền thông là vào năm 1973 khi thành lập công ty truyền hình cáp Telemilano để phục vụ cho các hộ dân sống ở khu Milano 2 và vùng Segrate. Telemilano chính thức phát sóng vào tháng 9/1974 và sau đó, bằng cách lần lượt mua lại 4 kênh truyền hình nữa, ông Berlusconi đã đủ sức đặt đài truyền hình của mình ở trung tâm thành phố Milan, nhằm phá vỡ thế độc quyền truyền hình quốc gia ở Italy. Năm 1978, các kênh truyền hình này được hợp nhất vào Tập đoàn Fininvest mới thành lập của ông, bao gồm các cửa hàng bách hóa, công ty bảo hiểm và thậm chí cả câu lạc bộ bóng đá AC Milan, trong vòng 5 năm đã thu về 113 tỷ lire (tương đương 260 triệu euro vào năm 1997). Tất cả nguồn vốn của những hoạt động đó đều không rõ ràng.

Fininvest nhanh chóng mở rộng thành một hãng truyền hình có quy mô toàn quốc tập hợp những đài địa phương. Sự kiện này đánh dấu việc kết thúc thế độc quyền truyền thông của hãng truyền hình nhà nước RAI. Năm 1980, ông thành lập kênh truyền hình tư nhân có quy mô quốc gia đầu tiên ở Italy, đó là Canale 5. Sau đó, ông lần lượt mua lại các kênh Italy 1 từ gia đình Rusconi vào năm 1982 và Rete 4 từ Andadori vào năm 1984. Trong cả quá trình đó, ông nhận được sự hậu thuẫn quan trọng nhờ vào mối quan hệ với Bettino Craxi - Chủ tịch đảng Xã hội Italy đồng thời là Thủ tướng Italy.

Ông Berlusconi bắt đầu chuyển sự chú ý của mình sang chính trị vào đầu những năm 1990. Thời điểm đó, hai đảng chính trị lớn ở Italy là đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (Democrazia Cristiana) và đảng Xã hội Italy đều mất uy tín nghiêm trọng do các bê bối về tham nhũng và chính trị. Tình hình dẫn đến việc đảng Dân chủ cánh tả, lực lượng kế thừa của đảng Cộng sản Italy, có khả năng thắng cử. Ông Berlusconi tham gia chính trường với mục tiêu ngăn chặn những người cộng sản lên nắm quyền. Tuy nhiên, đã có tranh cãi về mục tiêu thực sự của ông. Nhà báo Marco Travaglio cho rằng, ông tham gia chính trị là để cứu những công ty của mình đang trên bờ vực và cứu chính mình khỏi bị truy tố. Theo báo cáo về 10 công ty hàng đầu Italy do tổ chức Mediobanca tiến hành hằng năm, năm 1992, Fininvest đang phải gánh một khoản nợ 7.140 tỷ lire. Từ năm 1992 đến 1993, Fininvest cũng đã bị các công tố viên Milan, Torino và Roma điều tra nhiều lần.

Silvio Berlusconi - vị Thủ tướng với nhiều cái nhất của Italy -0
Ông Berlusconi tuyên bố ra mắt chính trị năm 1993

Ông Berlusconi thành lập Forza Italy theo đường lối trung hữu vào năm 1993, chỉ 2 tháng trước cuộc bầu cử năm 1994. Đảng Forza Italy được đặt tên theo tựa bài hát “Forza Italy!” (có nghĩa là Tiến lên, Italy!), một bài hát thường được cất lên trong các trận đấu của Đội tuyển bóng đá quốc gia Italy.

Ông Berlusconi tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử hết sức hoành tráng trên cả 3 kênh truyền hình do mình sở hữu và thắng lợi thuyết phục khi Forza Italy giành được 21% số phiếu bầu, tỷ lệ lớn nhất với một đảng đơn lẻ tham gia tranh cử. Một trong những lời hứa quan trọng nhất giúp ông thắng cử là khẳng định chính phủ của mình sẽ tạo ra “1 triệu việc làm mới”. Ông lần đầu tiên làm thủ tướng vào năm 1994 sau khi ký thỏa thuận liên minh với một số đảng nhỏ khác. Nhưng, đến tháng 12/1994, do bất đồng nội bộ, Umberto Bossi, người đứng đầu đảng Lega Nord (Liên minh phương Bắc), một thành phần quan trọng trong chính phủ liên hiệp, tuyên bố từ bỏ liên minh và ông Berlusconi buộc phải từ chức.

4 lần làm Thủ tướng

Ông Berlusconi đã kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình chỉ sau 7 tháng. Vận may của ông quay trở lại vào năm 2001 khi lên làm Thủ tướng Italy lần thứ hai. Năm 2001, ông đứng đầu liên minh trung hữu Casa delle Libertà, bao gồm National Alliance, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo thống nhất, Lega Nord và một số đảng nhỏ khác, ra tranh cử. Lần này ông thắng cử và một lần nữa lên chức Thủ tướng Italy khi liên minh của ông nhận được 45,4% số ghế ở Hạ viện và 42,5% ở Thượng viện. Trong lúc vận động tranh cử, ông đưa ra 5 lời hứa được coi là có ý nghĩa quyết định cho ông thắng cử.

Một là sẽ cắt giảm hệ thống thuế phức tạp của Italy còn 2 loại (33% với những ai kiếm được hơn 100.000 euro một năm, 23% với những ai kiếm được từ 11.000 đến 100.000 euro và không đánh thuế những ai kiếm được dưới 1.000 euro). Hai là giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn một nửa. Ba là đầu tư mạnh cho các chương trình phúc lợi xã hội. Bốn là tăng mức lương tối thiểu lên 516 euro và năm là tăng cường mạnh mẽ các hoạt động trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, trong suốt 2 nhiệm kỳ thủ tướng, ông Berlusconi chỉ thực hiện được một lời hứa duy nhất là lời hứa thứ tư.

Silvio Berlusconi - vị Thủ tướng với nhiều cái nhất của Italy -0
Ông Berlusconi 4 lần làm Thủ tướng Italy

Đây được xem là nhiệm kỳ thủ tướng lâu nhất của ông, đánh dấu bởi nhiều sự kiện cải cách và phát triển kinh tế. Một trong những dấu ấn đáng ghi nhớ là việc ông thúc đẩy cải cách mạnh mẽ Hiến pháp Italy. Những khó khăn trong thỏa thuận nội bộ đã gây ra một số bất ổn trong chính phủ của ông Berlusconi vào năm 2003, nhưng sau đó đã được khắc phục và luật bao gồm phân quyền cho các khu vực, Thượng viện Liên bang và quyền thủ tướng mạnh mẽ đã được Thượng viện thông qua vào tháng 4/2004, được Hạ viện sửa đổi một chút vào tháng 10/2004 và một lần nữa vào tháng 10/2005, cuối cùng được Thượng viện phê chuẩn vào ngày 16/11/2005, với đa số hẹp. Sự chấp thuận của người dân thông qua một cuộc trưng cầu dân ý là cần thiết để sửa đổi hiến pháp mà không cần đa số hai phần ba nghị viện. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ngày 25 và 26/7/2006, dẫn đến việc bác bỏ cải cách hiến pháp, với 61,3% cử tri bỏ phiếu chống.

Sau thất bại đó, nhiệm kỳ thủ tướng của ông đã bị chấm dứt bởi ông Romano Prodi - cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu - với chiến thắng của liên minh trung tả trong cuộc bầu cử năm 2006.

Sau sự sụp đổ bất ngờ của nội các thứ hai của ông Prodi vào ngày 24/1, sự tan rã của liên minh chính trị và cuộc khủng hoảng chính trị sau đó mở đường cho một cuộc bầu cử mới vào tháng 4/2008. Forza Italy, National Alliance của ông Gianfranco Fini và Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của ông Pier Ferdinando Casini cùng các nhà lãnh đạo đảng khác đã đạt được thỏa thuận vào ngày 8/2/2008 để thành lập danh sách chung PdL, liên minh với Lega Nord của ông Bossi và Phong trào Tự trị của ông Raffaele Lombardo.

Trong cuộc bầu cử chớp nhoáng được tổ chức vào ngày 13 và 14/4/2008, liên minh PdL giành chiến thắng trước liên minh trung tả của ông Walter Veltroni ở cả hai viện của Quốc hội Italy. Ông Berlusconi đã tận dụng sự bất mãn đối với nền kinh tế trì trệ của quốc gia và chính phủ của ông Prodi không được lòng dân để giành chiến thắng. Những ưu tiên hàng đầu được tuyên bố của ông là loại bỏ những đống rác trên đường phố Napoli và cải thiện tình trạng của nền kinh tế Italy, vốn đã kém hiệu quả so với phần còn lại của khu vực đồng euro trong nhiều năm. Ông cũng cho biết sẵn sàng làm việc với phe đối lập, đồng thời cam kết chống trốn thuế, cải cách hệ thống tư pháp và giảm nợ công. Ông dự định giảm số lượng bộ trưởng trong nội các xuống còn 12. Berlusconi và các bộ trưởng của ông (Nội các Berlusconi IV) đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 8/5/2008.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ này cũng chứng kiến nhiều biến động. Vào ngày 21/11/2008, Hội đồng Quốc gia Forza Italy do Alfredo Biondi làm chủ tịch và có sự tham dự của chính ông Berlusconi đã giải thể đảng Forza Italy và thành lập PdL, lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 27/3/2009, đúng kỷ niệm 15 năm ngày ông Berlusconi giành chiến thắng bầu cử đầu tiên.

Tai tiếng và bê bối

Ngay trong nhiệm kỳ Thủ tướng Italy đầu tiên năm 1994, ông đã bị cáo buộc gian lận thuế và bị tòa án buộc tội. Sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 1996 trước đối thủ Romano Prodi, ông lại dính vào các vụ bê bối tài chính khác, bao gồm cả cáo buộc hối lộ thanh tra thuế. Lại ra tòa và bào chữa, kể cả “chạy án” đủ kiểu, cuối cùng sau cả hai vụ việc ông đều được “tha bổng” vào năm 2000 do hết thời hiệu.

Đã có nhiều điều tiếng về việc ông Berlusconi có liên hệ với Mafia ở Sicilia nhưng chưa bao giờ được chứng minh. Năm 2004, Marcello Dell'Utri, Giám đốc Công ty Publitaly 80 chuyên về xuất bản của ông Berlusconi và là thành viên của Forza Italy bị tòa án Palermo tuyên bố 9 năm tù vì “có liên hệ mật thiết với các tổ chức Mafia”. Bản án đó mô tả Dell'Utri là người trung gian cho lợi ích kinh tế của ông Berlusconi và các tổ chức tội phạm. Ông không đưa ra bất kỳ bình luận nào về lời giải thích của bản án đó.

Silvio Berlusconi - vị Thủ tướng với nhiều cái nhất của Italy -0
Người biểu tình phản đối những bê bối tình dục của ông Berlusconi.

Khi đã ở tuổi ngoài 70, ông lại phải đối mặt với cáo buộc quan hệ tình dục với một vũ công hộp đêm vị thành niên (17 tuổi) tại các bữa tiệc “bunga-bunga” xa hoa của ông. Ông bị kết tội vào năm 2013 vì trả tiền để quan hệ tình dục với Karima el Mahroug, 17 tuổi, và lạm dụng quyền lực rồi bị kết án 7 năm tù, nhưng tòa phúc thẩm sau đó đã hủy bỏ bản án.

Tiếp sau vụ án đó, vào năm 2012 ông lại bị kết án gian lận thuế và bị tuyên án 4 năm tù. Tuy nhiên, ông không phải ngồi tù mà chỉ phải phục vụ cộng đồng trong 1 năm, vì ở Italy những người trên 70 tuổi không phải ngồi tù.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.