“Sứ giả khí hậu” John Kerry
Chuyến thăm và làm việc với người đồng cấp Trung Quốc từ ngày 17 đến 20/7 vừa qua đã làm nổi bật lên vai trò “sứ giả khí hậu” của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Dư luận chú ý chuyến thăm này bởi nó diễn ra giữa lúc 2 nước Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn quan hệ đã xấu đi rất nhiều do chiến tranh thương mại và những căng thẳng khác.
Người ta gọi chuyến thăm Trung Quốc của ông Kerry là màn “ngoại giao khí hậu”. Chuyến thăm và làm việc kéo dài trong 3 ngày. Trong đó, ông Kerry đã có những cuộc đàm phán chính thức tại Bắc Kinh với người đồng cấp Trung Quốc - ông Giải Chấn Hoa, Giám đốc Cục Quản lý Môi trường Nhà nước của Trung Quốc.
Với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, ông John Kerry đã kêu gọi hành động nhanh chóng hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc vừa qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đầy rủi ro, với cả hai nước Mỹ-Trung hiện đang hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục và ông Kerry phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ những người bên đảng Cộng hòa ở Mỹ. Đây được xem là những cuộc đàm phán thực chất đầu tiên giữa hai quốc gia phát thải khí cacbon lớn nhất thế giới về cuộc khủng hoảng khí hậu kể từ khi quan hệ 2 nước bị đóng băng vào tháng 8 năm ngoái - sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện khi đó.
Ông Kerry quan tâm đến vấn đề khí hậu từ rất lâu trước khi đảm nhận vai trò “sứ giả khí hậu”. Dưới vai trò Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, vào tháng 4/2016, ông đã ký Hiệp định Khí hậu Paris tại Liên hợp quốc ở New York. Vào ngày 11/11/2016, ông trở thành Ngoại trưởng đầu tiên và là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Nam Cực. Ông đã rời khỏi ngành ngoại giao sau khi chính quyền Obama kết thúc vào ngày 20/1/2017. Nhưng cũng kể từ đó, ông bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu, chống phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Vào ngày 5/12/2019, ông Kerry tán thành nỗ lực tranh cử tổng thống của ông Joe Biden, nói rằng: “Ông ấy sẽ sẵn sàng vào ngày đầu tiên để hàn gắn lại đất nước và thế giới” và khẳng định rằng “Joe sẵn sàng sửa chữa những gì Trump đã làm hỏng”, trong đó có vấn đề khí hậu. Và ngay khi chuẩn bị nhân sự cho chính phủ mới, ông Biden đã tuyên bố đưa ông Kerry vào hàng ngũ chủ chốt, sau đó giao cho ông vị trí đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu. Kể từ đó, ông Kerry đã chính thức hoạt động trong lĩnh vực khí hậu trên phạm vi toàn cầu, đi khắp nơi kêu gọi chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và chăm lo bảo vệ môi trường sống. Ông cũng đã từng 2 lần đến thăm Việt Nam kể từ khi rời ngành ngoại giao với mục đích nghiên cứu, khảo sát thực tế tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống người dân, trong đó ông đã đến tỉnh Bến Tre - một trong 5 tỉnh chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu tại Việt Nam - để tận mắt chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của người dân nơi đây. Và ông đã hứa hẹn sẽ tác động để chính phủ Mỹ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trở lại chuyến thăm Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh những đợt nắng nóng như thiêu như đốt trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ, nơi có hơn một phần ba dân số đang được cảnh báo về nhiệt độ và ở Thung lũng Chết của California, nhiệt độ gần với nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới vào ngày Chủ nhật 16/7. Trong khi đó, Trung Quốc cũng vừa có nhiệt độ kỷ lục quốc gia được thiết lập ở khu vực phía tây Tân Cương, nơi đạt 52,2 độ C.
Tại Bắc Kinh, ông Kerry đã cố gắng gạt sang bên những căng thẳng chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa 2 nước để tập trung cho vấn đề khí hậu. Và cũng chính vì vai trò “sứ giả khí hậu” của ông mà nhiều người cho rằng ông đang thay mặt chính phủ Mỹ tái hiện chính sách “ngoại giao khí hậu” trong lúc căng thẳng chính trị, ngoại giao để thay thế cho các kênh ngoại giao, chính trị hướng đến làm ấm lại quan hệ “đóng băng” giữa 2 nước Mỹ-Trung.
Chính quyền của ông Biden hy vọng sẽ thúc đẩy Trung Quốc hành động nhanh hơn để hạn chế lượng khí thải, đặc biệt là từ than đá cũng như khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh được thải ra trong quá trình sản xuất nhiên liệu hóa thạch và phát triển nông nghiệp. Ông Kerry thừa nhận rằng Trung Quốc đang thực hiện “một công việc đáng kinh ngạc” trong việc xây dựng năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Nhưng Trung Quốc không chỉ là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo mà còn là nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, vẫn giữ những bất bình lớn hơn chưa được giải quyết với Mỹ, chẳng hạn như về thương mại và giám sát. Nhưng ông Giải Chấn Hoa nói rằng, hai nước sẽ hướng tới mục tiêu “tìm kiếm tiếng nói chung trong khi gác lại những khác biệt của chúng ta” trong các cuộc nói chuyện về khí hậu.
Chương trình nghị sự về khí hậu của ông Biden phải đối mặt với áp lực không chỉ do mối quan hệ rắc rối với Trung Quốc mà còn từ những người chỉ trích trong nước và các nước đang phát triển. Trước chuyến thăm Trung Quốc, ông Kerry phải đối mặt với chất vấn kịch liệt từ một Ủy ban Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, yêu cầu ông buộc tội Trung Quốc - quốc gia đã tuyên bố sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 - để giải thích cho việc không nhanh chóng cắt giảm ô nhiễm và vi phạm nhân quyền.
Trả lời câu hỏi liệu Mỹ có “bồi thường khí hậu” cho các nước đang phát triển chịu tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu hay không, ông Kerry nói “không, trong mọi trường hợp”. Chính quyền Biden đã nói rằng họ hỗ trợ một quỹ “tổn thất và thiệt hại” để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương, nhưng đã loại trừ việc chấp nhận bất kỳ loại trách nhiệm pháp lý nào có thể khiến quỹ này gặp nguy hiểm.