Sương mù bao phủ Phố Downing

Thứ Hai, 24/10/2022, 16:27

Ngày 20/10, bà Liz Truss, một trong những thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Vương quốc Anh, đã tuyên bố từ chức chỉ sau 45 ngày tại nhiệm. Đây cũng là một kỷ lục tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử nước Anh sau Thế chiến II.

Một màn sương mù chính trị đang bao phủ Phố Downing khi đảng Bảo thủ ráo riết tìm người thay thế bà Truss trong thời gian quá ngắn, còn phía đối lập thì liên tục gây áp lực bầu cử sớm...

Từ chức chỉ sau 45 ngày

Như báo chí đã đưa tin, chiếc ghế Thủ tướng Anh của bà Liz Truss nhanh chóng lung lay xuất phát từ việc bà không giải quyết ổn thỏa được 2 vấn đề lớn là khủng hoảng kinh tế và đoàn kết nội bộ đảng Bảo thủ. Bà Truss lên làm thủ tướng ngày 6/9 sau khi được bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ trên nền tảng chính sách “thuế thấp, tăng trưởng cao”.

untitled-1.jpg -0
Bà Liz Truss vừa tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh.

2 tuần sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Tài chính khi đó là Kwasi Kwarteng đã công bố một gói chính sách kinh tế được gọi là “ngân sách ngắn hạn” (mini budget), trong đó đưa ra các thay đổi về thuế bao gồm bãi bỏ mức thuế thu nhập cao nhất đối với người giàu, đồng thời bãi bỏ thuế xanh (thuế môi trường). Điều bất thường là chính sách thuế thay đổi này được công bố không đi kèm với một phân tích tương ứng từ văn phòng độc lập về trách nhiệm ngân sách. Khoản thiếu hụt ngân sách từ việc cắt giảm thuế được bù đắp bởi sự gia tăng vay nợ đã khiến các thị trường tài chính Anh hoảng loạn. Đồng bảng Anh tụt giá kỷ lục, chi phí vay nợ của Anh tăng và lãi suất thế chấp tăng trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Ngân hàng Trung ương Anh đã phải chi hàng tỷ bảng để ổn định thị trường lương hưu.

Sau nhiều ngày đấu tranh bảo vệ chính sách kinh tế “mini budget”, bà Truss đã “quay đầu” và kết quả là Bộ trưởng Kwarteng phải “ra đi”. Bà Truss tổ chức cuộc họp báo vào ngày 14/10 để giải thích quyết định sa thải ông Kwarteng và thay thế bằng ông Jeremy Hunt. Ngay sau đó, ông Hunt đưa ra quyết định hủy bỏ gói kế hoạch “mini budget” của ông Kwarteng.

Nhưng, động thái đó đã không còn kịp cứu vãn tình hình cho bà Truss. Một số nghị sĩ cao cấp của đảng Bảo thủ trong quốc hội đã họp vào ngày 17/10 đưa ra quyết định kêu gọi bà Truss từ chức để “cứu” đảng Bảo thủ khỏi nguy cơ tụt giảm uy tín nghiêm trọng hơn nữa sau những sai lầm trong điều hành kinh tế của bà. Trong ngày 19 và 20/10, có đến 3 bộ trưởng chủ chốt trong nội các từ chức đã tạo thêm áp lực cho Thủ tướng Truss. Ngày 20/10, 12 nghị sĩ quan trọng của đảng Bảo thủ đồng loạt lên tiếng kêu gọi bà Truss từ chức. Các nghị sĩ cho rằng bà không còn phù hợp với ghế thủ tướng nữa, bà không còn kiểm soát được tình hình và sự lãnh đạo của bà đã mất hiệu lực kể từ khi tuyên bố sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwarteng. Vì vậy, cách tốt nhất là bà nên từ chức. Người ta gọi ngày 20/10 là “ngày hỗn loạn” trong chính trường Anh, trung tâm là Phố Downing.

Ngay từ tuần trước, lãnh đạo đảng đối lập Keir Starmer đã bày tỏ thái độ bất bình với bà Truss vì những sai lầm gây hỗn loạn trên thị trường tài chính. Ông Starmer cho rằng bà không nên tiếp tục tại vị, đồng thời kêu gọi phải tổ chức bầu cử sớm để chấm dứt hẳn.

Ai là người thay thế?

Một màn sương mù đang bao phủ Phố Downing. Bà Truss sẽ tiếp tục điều hành chính phủ cho đến khi đảng Bảo thủ tìm ra người xứng đáng thay thế bà vào tuần tới. Hiện tại, dư luận vẫn chưa thể khẳng định ai là người có khả năng nhất để thay thế bà Truss.

Câu hỏi được giới quan sát đặt ra là “nước Anh có tổ chức bầu cử sớm hay không?”. Phía đảng Bảo thủ không muốn có cuộc bầu cử ngay bây giờ, bởi tình hình đang rất nguy hiểm cho họ. Tỉ lệ thăm dò cử tri của các hãng thăm dò dư luận đang đưa ra những tín hiệu báo động rằng nếu bầu cử ngay bây giờ thì đảng Bảo thủ sẽ đối mặt với nguy cơ cao về việc nhận một thất bại thê thảm trước Công đảng. Vì vậy, đảng Bảo thủ sẽ chỉ chọn phương án thay thế lãnh đạo nhằm tìm kiếm một sự phục hồi nào đó.

Quá trình này thường mất vài tuần nhưng cả nhóm đang cố gắng cô đọng nó trong khoảng thời gian vài ngày. Những người tranh cử chức lãnh đạo đảng cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 100 nghị sĩ, nghĩa là có thể có tối đa 3 ứng cử viên. Khi con số đó được rút ngắn xuống còn 2, các thành viên trong đảng sẽ nhận được một cuộc bỏ phiếu trực tuyến và một thủ tướng mới sẽ được đưa ra trước ngày 28/10. Nếu chỉ một ứng cử viên đạt ngưỡng 100, họ sẽ nghiễm nhiên trở thành nhà lãnh đạo và thủ tướng mới.

Hiện tại, trong hàng ngũ đảng Bảo thủ người ta chỉ thấy có vài người khả dĩ sẽ tranh ghế lãnh đạo đảng thay thế bà Truss và hầu như họ đều là những con người cũ từng tham gia cuộc đua với bà Truss cách đây hơn 2 tháng. Đáng ngạc nhiên là một trong số những cái tên được nhắc đến lại có ông Boris Johnson, cựu thủ tướng đã mất hiệu lực lãnh đạo do những sai lầm trong vấn đề chống dịch COVID-19 và đã phải ra đi sau “bão” từ chức của các bộ trưởng nội các. Sự mất uy tín của ông Johnson là điều khiến người ta ngạc nhiên nhất khi đưa ông trở lại danh sách ứng viên lãnh đạo đảng.

Người có khả năng nhất để thay thế bà Truss chính là ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, người đã tranh cử chức lãnh đạo đảng với bà Truss đến vòng cuối cùng và chỉ chịu thất bại trước bà Truss. Ông Sunak từng nhiều lần cảnh báo bà Truss và chống lại việc áp dụng cắt giảm thuế quá nhanh. Tình trạng hỗn loạn thị trường sau đó đã chứng minh rằng ông đã biết trước, nếu chỉ bằng cách đồng ý với nhiều tiếng nói tài chính chính thống. Ông sẽ được coi là một tiếng nói của năng lực kỹ trị, nhưng nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ nghi ngờ ông do khối tài sản khổng lồ và vị thế của ông như một người xuất thân gia đình di cư và có khả năng lợi dụng địa vị không cư trú để giảm thiểu thuế có lợi cho gia đình mình.

An Châu (Tổng hợp)
.
.