Tân Tổng thống Hàn Quốc với kế hoạch đổi mới

Thứ Hai, 14/03/2022, 15:50

Ứng cử viên đảng Quyền lực Nhân dân đối lập Yoon Suk-yeol đã được bầu làm Tổng thống mới của Hàn Quốc hôm 9-3 trong một cuộc bầu cử sôi động và ông được cho là người sẽ định hình nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á trong 5 năm tới.

6 chiến lược đổi mới

Hãng Forbes bình luận rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc có 4 ứng viên nhưng thực chất đây là cuộc đua “song mã” giữa ông Yoon và đối thủ Lee Jae-myung của đảng cầm quyền. Cả hai khác biệt đến mức trái ngược trong một loạt chính sách đối ngoại, bao gồm cả quan hệ với đồng minh quan trọng nhất-Mỹ, vấn đề Triều Tiên và “chiến tranh thương mại” Mỹ-Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc). Các vấn đề chính khác gồm giá nhà ở cao ngất trời (tăng gần gấp đôi ở thủ đô Seoul dưới thời Tổng thống Moon), thiếu cơ hội việc làm cho thanh niên, bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng và tâm lý chống nữ quyền cũng gây tranh cãi lớn giữa hai ứng viên này.

Tân Tổng thống Hàn Quốc với kế hoạch đổi mới -0
Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol mừng chiến thắng cùng những người ủng hộ tại trụ sở của đảng ở Seoul, ngày 10-3. Ảnh: Getty

“Điều rõ ràng là ông Yoon sẽ sử dụng nhiều chính sách kinh doanh và thân thiện với doanh nghiệp hơn”, Shin Dong-cheon, cựu Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Kinh tế thuộc Đại học Yonsei bình luận. Vì thế, ngoài việc giảm lãi vốn và thuế sở hữu tài sản, tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc cho biết, ông sẽ bãi bỏ một loại thuế mới áp dụng cho những người kiếm được 50 triệu won từ các khoản đầu tư cổ phiếu, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2023.

Đồng thời, ông cũng hứa tạo ra ít nhất 2,5 triệu ngôi nhà trong 5 năm tới, trong đó có 500.000 ngôi nhà ở thủ đô Seoul giúp nhà ở có giá cả phải chăng hơn. Ông Yoon còn đề xuất tăng ngưỡng thuế đối với các khoản đầu tư tiền điện tử từ 2,5 triệu won hiện tại lên mức 50 triệu won... Hãng Korea Times dẫn một số nguồn tin khác cũng khẳng định tổng thống mới đắc cử ủng hộ các phương pháp tiếp cận do thị trường dẫn dắt, bao gồm tạo việc làm do khu vực tư nhân dẫn dắt hơn là các dự án của chính phủ.

Nhưng, sự thay đổi trong chính sách kinh tế, thuế và nhà ở chỉ chiếm một nửa trong số 6 chiến lược thay đổi mà ông Yoon đề ra. Tham vọng của ông là có những động thái mới trong chính sách đối ngoại. Cụ thể, ông muốn mua thêm một hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ, bất chấp rủi ro rằng nó có thể dẫn đến sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc - nước đã phàn nàn rằng radar mạnh mẽ của hệ thống này có thể xâm nhập lãnh thổ của họ.

“Xem xét quy mô thị trường của Trung Quốc, tầm quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu và quan hệ thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc, thật không thể tưởng tượng nổi khi Hàn Quốc tham gia vào một lập trường cởi mở và tích cực chống lại Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nhiều công ty Hàn Quốc”, GS Shin nói.

Thực tế, vào thời điểm bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19, Trung Quốc chiếm 24,3% xuất khẩu của Hàn Quốc. Vì thế, mục tiêu mà ông Yoon tiến tới là loại bỏ "sự mơ hồ chiến lược" của chính quyền hiện tại giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy đối thoại an ninh thường xuyên hơn để trấn an rằng radar THAAD không nhắm vào Trung Quốc. Đồng thời, ông Yoon cũng muốn mở rộng các cuộc tham vấn liên minh về khả năng răn đe hạt nhân, thúc đẩy quan hệ đối tác 3 bên với Washington và Tokyo, cũng như tham gia nhóm "Bộ tứ" gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Đặc biệt, ông Yoon cam kết sẽ đề nghị bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới, trên cơ sở phụ nữ Hàn Quốc không bị “phân biệt đối xử về giới có hệ thống”. Ông nhấn mạnh rằng, chính giới đóng vai trò lớn trong sự trỗi dậy của những người bảo thủ là nguyên nhân gây ra phản ứng dữ dội của phái nam (nhất là trong giới trẻ) chống lại những gì họ gọi là chủ nghĩa nữ quyền.

Phát triển nhờ thất bại và phê bình

Sinh năm 1960 trong gia đình bố mẹ đều làm ngành giáo dục, ông Yoon đã quen với môi trường kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ. Ông theo học luật tại Đại học Quốc gia Seoul danh tiếng và đã 10 lần cố gắng vượt qua kỳ thi luật sư, cuối cùng trở thành công tố viên vào năm 1994. Ông cũng là cựu công tố viên đầu tiên trở thành Tổng thống ở Hàn Quốc và là tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ không phục vụ trong cơ quan lập pháp.

Trước đây, ông từng tham gia một đơn vị điều tra hàng đầu của chính phủ và giám sát các cáo buộc tham nhũng dẫn đến việc bỏ tù cựu Tổng thống Park Geun-hye và người tiền nhiệm Lee Myung-bak, cùng với ông chủ Jay Y. Lee của Tập đoàn Samsung. Năm 2021, ông Yoon từ chức sau khi các công tố viên dưới sự lãnh đạo của ông bắt đầu điều tra cáo buộc về hành vi sai trái liên quan đến các đồng minh chính trị của Tổng thống Moon, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tư pháp. Ông trở thành một nhà phê bình thẳng thắn đối với chính quyền Tổng thống Moon và gia nhập đảng đối lập Sức mạnh quốc dân chỉ một tháng sau khi từ chức.

Điểm đáng chú ý là ông Yoon rất đề cao sự tự do. Ông đã chọn “Tự do lựa chọn” của Milton Friedman (người từng đoạt giải Nobel) là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành các giá trị của ông. Cuốn sách này được cha ông là một giáo sư kinh tế tặng khi ông vào đại học năm 1979. Ông Yoon khẳng định, dù là chính trị gia hay người nổi tiếng, không cần phải che giấu những đam mê thực sự của mình.

Ông luôn tự nhận mình là một fan cuồng nhiệt của môn bóng chày, từng thường xuyên đến các sân vận động bóng chày cùng các đồng nghiệp khi còn làm công tố viên địa phương ở Daejeon, Daegu và Gwangju. Ngoài ra, tân Tổng thống Hàn Quốc còn được biết đến là một người sành ăn, luôn quan tâm đến nguyên liệu, công thức nấu ăn và nguồn gốc của thực phẩm. Trên kênh YouTube của mình, ông thường thể hiện tài nấu ăn với món cơm rang kim chi, mì ống jajangmyeon và đậu phụ nấu thịt bò. Theo phu nhân Kim Kun-hee, ông Yoon đã phụ trách nấu ăn kể từ khi họ kết hôn vào năm 2012. Trước khi kết hôn, ông từng mời các công tố viên cấp dưới đến nhà và đãi họ những bữa ăn tự nấu.

Ngọc Khuê
.
.